Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 00:20 (GMT +7)
Xuất khẩu tăng mạnh, nhưng vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI
Chủ nhật, 09/01/2022 | 22:23:02 [GMT +7] A A
Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Công Thương ngày 9/1, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt gần 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Mặc dù xuất khẩu tăng mạnh, nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây.
Xuất khẩu vào thị trường khó tính
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong bối cảnh nhiều khó khăn của năm 2021, song xuất nhập khẩu vẫn đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Việt Nam duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư trên 4 tỷ USD. Đặc biệt, xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như: Hoa Kỳ (xuất siêu khoảng 80,1 tỷ USD); châu Âu (xuất siêu gần 23,2 tỷ USD)...
Chia sẻ những kết quả về xuất nhập khẩu năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 4 - 5%). Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm khoảng 86,24% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 2020. Thị trường xuất khẩu gia tăng không chỉ ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng, nhất là tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
“Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như: châu ÂU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia... Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực, thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như: Trung Quốc tăng 15%; Hoa Kỳ tăng 24,2%; EU tăng 14%; ASEAN tăng 25,8%, Hàn Quốc tăng 15,8%, Ấn Độ tăng 21%, New Zealand tăng 42,5%, Australia tăng 3,1%”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng tốt (xuất khẩu sang Canađa đạt 5,2 tỷ USD, tăng 19,5%; xuất khẩu sang Mexico đạt 4,6 tỷ USD, tăng 46,1%)... Điều này cho thấy, hiệu quả cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, xuất khẩu sang thị trường châu Âu năm 2021 cũng đạt khoảng 40,07 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2020. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường châu Âu sau khi FTA Việt Nam-EU (EVFTA) được thực thi như: thủy sản, tôm, gạo…
Vẫn phụ thuộc FDI
Bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ Công Thương cũng thừa nhận còn đó không ít khó khăn, tồn tại. Điển hình như xuất khẩu tăng mạnh, nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 247,5 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt khoảng 88,7 tỷ USD, tăng 13,4%, thấp hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (19%) và chỉ chiếm 26,4% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2020 chiếm 27,7%)
Cùng với đó, lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm (cà phê, chè, hạt tiêu, gạo) do gặp khó khăn về thị trường. Tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm như rau quả còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Một số nông sản chủ yếu dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc tại cửa khẩu kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại qua biên giới.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn dựa trên giá cả, chứ chưa dựa trên giá trị. Vì vậy, phát triển xuất khẩu chưa thực sự bền vững và khi hàng hóa trên thị trường biên động sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu chung.
Năm 2021, các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 57,5 tỷ USD (tăng 12,4%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 51,01 tỷ USD (tăng 14,4%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác ước đạt 38,34 tỷ USD (tăng 41%); gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 14,8 tỷ USD (tăng 19,7%); sắt thép các loại ước đạt 11,75 tỷ USD (tăng 123,4%). Đặc biệt, dệt may và da giày là 2 nhóm hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020 đã có sự phục hồi, với kim ngạch ước đạt 32,74 tỷ USD và 17,65 tỷ USD, ước tăng lần lượt 9,8% và 4,9% so với năm 2020.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()