Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:00 (GMT +7)
Xuất khẩu, thu hút FDI sẽ có triển vọng tươi sáng trong 2024
Thứ 6, 12/01/2024 | 09:10:00 [GMT +7] A A
Các chuyên gia quốc tế dự báo xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)… sẽ có triển vọng tươi sáng trong năm nay.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Chính phủ xác định là ưu tiên hàng đầu của 2024, năm nay phải là năm tăng tốc, bứt phá và Nghị quyết 01 vừa được Chính phủ ban hành đã đặt ra nhiệm vụ là cần làm mới các động lực tăng trưởng đã có và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.
Đây cũng là vấn đề được bàn thảo tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 được tổ chức hôm nay (11/1) với chủ đề: "Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới".
Một số động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam, như xuất khẩu hay thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài… được các chuyên gia quốc tế dự báo sẽ có triển vọng tươi sáng trong năm nay. Việt Nam đang được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên cần khai phá thêm các lợi thế cạnh tranh để có thể biến triển vọng thành dòng vốn đầu tư.
"Để có được những động lực tăng trưởng mới, chúng ta cần xây dựng dựa trên những động lực sẵn có. Việc gia tăng giá trị cho những động lực cũ này là rất quan trọng. Ví dụ như nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm chi phí, chuyển đổi số và gia tăng hàm lượng đổi mới sáng tạo, từ đó sẽ có được những sản phẩm mới, những mô hình sản xuất mới", ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, cho hay.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng có chung nhận định, các chính sách hỗ trợ tài chính cho cộng đồng doanh nghiệp sẽ đóng vai trò rất quan trọng, vì khi nguồn lực còn hạn chế, cần tập trung trước cho những lĩnh vực ưu tiên.
Việt Nam cũng được nhận định là sẽ có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ người trưởng thành có tài sản hơn 250.000 USD, vượt qua hầu hết các nền kinh tế khác ở châu Á. Việt Nam đang trên đà trở thành thị trường tiêu dùng tương lai, mở ra cơ hội to lớn cho cả nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
"Tốc độ đô thị hóa nhanh. Số người ở tầng lớp thu nhập trung lưu gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam với khả năng chi tiêu cao hơn. Điều này sẽ mở ra những cơ hội mới trên nhiều lĩnh vực. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp tập trung vào việc khai thác thị trường nội địa Việt Nam, nhất là khi năm qua xuất khẩu gặp nhiều khó khăn", ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng HSBC, cho biết.
"Thị trường Việt Nam mới là thị trường khó tính nhất. Chúng tôi tích hợp tất cả những kinh nghiệm, những bài học khi làm cho những thương hiệu thời trang lớn ở Mỹ, EU, Nhật vào thị trường nội địa mà chúng tôi vẫn còn cảm thấy khó khăn", ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho hay.
Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khoảng 9% là mục tiêu được Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 01. Mọi cơ hội và tiềm năng, từ trong nước tới ngoài nước đều được Chính phủ xác định để dồn lực cho một năm tăng tốc, bứt phá - một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()