Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 19/09/2024 08:37 (GMT +7)
Ý nghĩa thiết thực từ một phong trào
Chủ nhật, 25/08/2024 | 09:04:11 [GMT +7] A A
Phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" gắn với "Gia đình học tập", tiến tới "Xã hội học tập" đã và đang được tỉnh Quảng Ninh triển khai tích cực nhằm góp phần phát triển con người toàn diện, có đủ phẩm chất, năng lực, đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước.
Những năm qua, việc triển khai các nội dung trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được triển khai sâu rộng, tạo sự kết nối chặt chẽ trong hoạt động của các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Công dân học tập", "Cộng đồng học tập", "Xã hội học tập" gắn với xây dựng "Gia đình văn hóa", "Khu dân cư văn hóa".
Trong bảng chấm điểm để xét các danh hiệu "Gia đình văn hoá" đều có tiêu chí cụ thể về việc tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài của mỗi gia đình. Hội Khuyến học từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên chỉ đạo thực hiện việc đăng ký phấn đấu "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập" và "Công dân học tập", tổ chức thực hiện, rút kinh nghiệm, kiểm tra đánh giá, bình xét công nhận.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình, dòng họ có cách làm hay để lan tỏa tinh thần hiếu học, xây dựng phong trào học tập. Trong đó, có việc thành lập ban khuyến học, xây dựng quỹ khuyến học, kịp thời động viên, khen thưởng, khuyến khích những con em có thành tích học tập tốt. Điều này có ý nghĩa quan trọng của việc học đối với cộng đồng, tạo khí thế thi đua học tập, cổ vũ các thành viên chung tay xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.
Việc gắn kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hoá” với các mô hình “Công dân học tập”, “Gia đình học tập” và “Cộng đồng học tập” đã xây dựng môi trường văn hóa toàn diện. Đến nay, toàn tỉnh có 95% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 73% gia đình đạt “Gia đình học tập”.
Trong 5 năm qua, hàng nghìn "Gia đình học tập" được thẩm định và được cấp có thẩm quyền công nhận "Gia đình học tập xuất sắc" cũng là những điển hình tiêu biểu trong xây dựng "Gia đình văn hóa". 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng và tham gia các hoạt động văn hóa.
Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả nổi trội, chất lượng dạy và học được nâng cao, đặc biệt tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024, tỉnh đạt 85 giải, xếp hạng thứ 8 toàn quốc, đứng thứ 3 trong các tỉnh Khu vực đồng bằng sông Hồng. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Quảng Ninh xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2023 và tăng 27 bậc so với năm 2019.
Việc phấn đấu trở thành "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Đơn vị học tập", "Cộng đồng học tập" đang dần trở thành hành động tự giác, lan tỏa tạo nên phong trào phát triển mạnh mẽ tại mỗi địa phương. Nhận thức rõ những lợi ích trên, Hạ Long quyết tâm phấn đấu trở thành thành phố học tập toàn cầu trong thời gian gần nhất. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Hạ Long đã tập trung xây dựng kế hoạch tổng thể và lộ trình xây dựng thành phố học tập toàn cầu theo giai đoạn 2020-2025, quan tâm bố trí kinh phí, nguồn lực thỏa đáng của địa phương để triển khai các nội dung, hoạt động đề ra. Hạ Long đã rà soát các tiêu chí theo quy định của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO cũng như bổ sung các hồ sơ, thủ tục liên quan, học hỏi cách làm của các địa phương đã được công nhận là thành phố học tập toàn cầu.
Cùng với đó, trên địa bàn TP Hạ Long, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng được phát triển đi vào chiều sâu. Số lượng các gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập” và khu dân cư đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập” tăng đều qua mỗi năm. Các cơ quan, đơn vị, trường học đều tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên phát huy tinh thần tự học sáng tạo bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế.
Gắn xây dựng "Gia đình học tập" với xây dựng "Gia đình văn hóa" sẽ giúp mỗi gia đình thực sự là một tổ ấm, “tế bào” lành mạnh của xã hội, môi trường giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống, đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()