Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 12:34 (GMT +7)
Yêu cầu cấp bách "xanh hóa" năng lượng từ điện mặt trời tại KCN Hải Hà
Thứ 7, 21/09/2024 | 11:22:07 [GMT +7] A A
Khu Công nghiệp (KCN) Hải Hà (huyện Hải Hà) là một trong những KCN dệt may lớn nhất cả nước cho đến thời điểm hiện tại. Sản phẩm dệt may tại đây được cung cấp cho nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới, tuy nhiên các doanh nghiệp trong KCN Hải Hà đang gặp nhiều thách thức khi các thương hiệu này yêu cầu khắt khe liên quan đến các chứng chỉ xanh (IREC) để vừa sản xuất, vừa bảo vệ môi trường.
KCN Hải Hà được quy hoạch trên diện tích 3.370ha, được chia thành nhiều giai đoạn đầu tư. Hiện tại, giai đoạn 1 của KCN đã và đang được Tập đoàn Texhong đầu tư hạ tầng và thu hút được 19 dự án dệt may vào triển khai.
Theo thống kê, các dự án dệt may ở KCN Hải Hà hằng năm cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm dệt may khác nhau và hàng triệu m2 vải để gia công các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, như: LEVI’S, H&M, Nike, Gap, Lee, Uniqlo... Việc sản xuất gia công cho các “ông lớn” trong ngành dệt may đang góp phần đóng góp nguồn thu ngân sách lớn và giải quyết công ăn việc làm cho địa phương.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong KCN Hải Hà cũng đang gặp rất nhiều thách thức khi hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU và Hoa Kỳ yêu cầu phải có chứng chỉ khí thải để chứng minh đạt các tiêu chuẩn cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM) và bị đánh thuế dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất. Các thương hiệu thời trang nổi tiếng cũng ngày càng có nhiều yêu cầu khắt khe liên quan đến các chứng chỉ xanh (IREC) để vừa sản xuất, vừa bảo vệ môi trường. Vì vậy, việc sử dụng năng lượng xanh trong quy trình sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN Hải Hà là một yêu cầu bắt buộc để tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu. Và việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời áp mái đang là một lựa chọn tối ưu, giải pháp khả thi đối với các doanh nghiệp tại đây.
Hiện tại, các doanh nghiệp trong KCN Hải Hà đang tạo ra hàng triệu m2 mái lợp có khả năng lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời cỡ lớn từ các nhà máy, xí nghiệp. Theo tìm hiểu, tại Việt Nam, mức hấp thu năng lượng mặt trời ở vào khoảng 4.58 kWh/m2/ngày và như vậy, các mái lợp tại KCN Hải Hà nếu như được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời, mỗi ngày sẽ tạo ra hàng triệu kWh điện, đảm bảo cho một phần sản xuất, kinh doanh của các nhà máy, góp phần giảm chi phí điện năng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bà Nguyễn Thị Bùi, Tổng Giám đốc điều hành đối ngoại Tập đoàn Texhong, cho biết: Việc đòi hỏi ngày càng khắt khe của khách hàng, đặc biệt khách hàng đến từ EU đối với sản xuất các sản phẩm dệt may, đã tạo ra nhiều áp lực cho các đơn vị sản xuất sản phẩm dệt may của Tập đoàn. Quy hoạch điện VIII đã nêu rõ đối với nguồn năng lượng điện áp mái được phát triển không giới hạn công suất, nên kiến nghị tỉnh cho phép các doanh nghiệp trong KCN lắp đặt điện áp mái như một hạng mục phụ trợ của dự án để tự dùng, điều này giúp các doanh nghiệp sử dụng điện áp mái tiết giảm được chi phí điện năng tiêu thụ từ điện lưới, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
Không chỉ có các doanh nghiệp trong KCN Hải Hà, mà hiện nay, nhiều KCN trong cả nước nói chung đang mong chờ Chính phủ sớm ban hành nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu để có thể sớm triển khai lắp đặt, giải quyết được khó khăn và yêu cầu cấp bách của thị trường quốc tế. Nếu được triển khai, nguồn điện mặt trời áp mái đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là nhiệm vụ cấp bách, giải pháp quan trọng nhằm huy động các nguồn lực xã hội, góp phần hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()