Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 00:17 (GMT +7)
Nguy cơ mất ATTP từ rượu thủ công
Thứ 4, 04/10/2017 | 14:28:51 [GMT +7] A A
Các cơ sở sản xuất rượu truyền thống ở Quảng Ninh chủ yếu tập trung ở địa bàn nông thôn với quy mô nhỏ lẻ. Đa số hộ dân nấu rượu để lấy phụ phẩm phục vụ chăn nuôi và việc sản xuất rượu của nhiều hộ diễn ra không thường xuyên nên công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm gặp khó khăn.
Chị Đinh Thị Luyến, thôn 12, xã Hiệp Hoà, TX Quảng Yên, chuẩn bị ủ men rượu. |
Khu vực sản xuất rượu gạo của hộ gia đình chị Đinh Thị Luyến, thôn 12, xã Hiệp Hoà (TX Quảng Yên) được đặt trong một gian bếp chật chội, nhìn về mặt cảm quan chưa đảm bảo vệ sinh. Gạo sau khi vào men được ủ trong những chiếc thùng sơn và khu vực nấu rượu ngay sát chuồng lợn. Chị Luyến cho biết: “Tính đến nay, gia đình tôi đã nấu rượu được khoảng 20 năm, tuy nhiên chưa có đăng ký sản xuất, kinh doanh gì cả. Trung bình mỗi tháng, gia đình nấu được khoảng hơn 200 lít rượu, chủ yếu bán lẻ cho khách ở quê và một số khách đặt ở TP Hạ Long”.
Rượu gạo được gia đình chị Luyến sản xuất từ nguyên liệu là 50% gạo và 50% tấm gạo thơm, sử dụng men quả được mua ở các đại lý đảm bảo đều có tên, địa chỉ, hạn sử dụng rõ ràng in trên bao bì. Cũng theo chị Luyến, việc nấu rượu lời lãi không được bao nhiêu, chủ yếu là lấy phụ phẩm phục vụ chăn nuôi đàn lợn 20 con của gia đình. Từ bao nhiêu năm nay, rượu gạo của gia đình chị đều đảm bảo chất lượng, uy tín vì nhiều khách khen ngon và tiếp tục đặt gia đình chị nấu.
Men rượu được người dân xã Hiệp Hoà, TX Quảng Yên sử dụng nấu rượu gạo truyền thống do cơ sở chế biến men rượu Phúc Hưng (tỉnh Nam Định) sản xuất. |
Đây cũng là thực trạng chung của 24 hộ nấu rượu truyền thống trên địa bàn xã Hiệp Hoà nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Ông Vũ Khắc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hoà cho biết: Nấu rượu gạo là một nghề truyền thống có từ lâu đời trên địa bàn xã Hiệp Hoà. Người dân trên địa bàn xã chủ yếu nấu rượu gạo để phục vụ tiêu dùng tại chỗ và lấy phụ phẩm phục vụ chăn nuôi lợn. Nếu như từ những năm 2010 trở về trước, trên địa bàn xã có nhiều hộ dân nấu rượu gạo thì thời điểm nay do hoạt động chăn nuôi lợn gặp khó khăn, hiện toàn xã chỉ còn 24 hộ sản xuất rượu thủ công với quy mô từ 200 đến 300 lít/hộ/tháng. 100% chưa được đăng ký sản xuất, kinh doanh.
Để đảm bảo an toàn trong sản xuất rượu, xã Hiệp Hoà cũng đã phối hợp với Đội quản lý thị trường TX Quảng Yên triển khai việc kiểm tra hoạt động sản xuất rượu truyền thống. Đồng thời tăng cường tuyên truyền đến người dân thông qua các cuộc họp thôn, đặc biệt là tháng 6/2017, các hộ nấu rượu trên địa bàn xã đều đã được tham gia tập huấn tại thị xã về sản xuất rượu đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 1.000 cơ sở sản xuất rượu thủ công, chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn thuộc địa bàn TX Đông Triều, Quảng Yên và rải rác ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Rượu truyền thống được người dân nấu với đa dạng nguyên liệu, men để cho ra các sản phẩm rượu gạo, rượu ngô, rượu khoai, rượu sắn… Tuy nhiên, do tính chất sản xuất nhỏ lẻ nên hầu như các hộ sản xuất rượu truyền thống đều chưa có giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu. Trong khi đó, hoạt động sản xuất của nhiều hộ dân không diễn ra thường xuyên cũng gây khó khăn cho việc kiểm tra, quản lý của lực lượng chức năng.
Cơm rượu được ủ trong những xô, chậu nhựa đủ 2 tuần trước khi chưng cất lấy rượu. Ảnh chụp tại một cơ sở sản xuất rượu truyền thống tại thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu. |
Thời gian qua, trước thực trạng ngộ độc rượu diễn ra phức tạp trên địa bàn cả nước, việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, phòng, chống ngộ độc rượu là một trong những nội dung trọng tâm của Tháng hành động an toàn thực phẩm năm 2017 của tỉnh.
Ngày 3/7, UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý sản xuất rượu thủ công trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là ngày 1/11 tới đây, Nghị định số 105 của Chính phủ về kinh doanh rượu có hiệu lực thi hành sẽ tác động đến tất cả hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, buôn bán rượu. Theo quy định tại Nghị định này kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối, buôn bán đều phải có giấy phép theo quy định. Riêng tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại cũng phải đăng ký với UBND cấp xã.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, thiết nghĩ việc tuyên truyền tới người dân cần được các ngành chức năng, địa phương, đặc biệt là những địa phương có số lượng hộ sản xuất rượu truyền thống nhiều như Đông Triều, Quảng Yên quan tâm hơn. Cùng với đó, cần có sự khảo sát cụ thể về số lượng, quy mô sản xuất rượu của từng hộ. Đối với những thôn, khu có số lượng hộ nấu rượu nhiều, nên chăng cần khuyến khích các hộ dân thành lập các tổ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp để việc tổ chức sản xuất ngày càng quy củ và việc quản lý cũng dễ dàng, nền nếp hơn.
Phương Thuý
Liên kết website
Ý kiến ()