Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:46 (GMT +7)
10 dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh thận: Đi khám ngay khi thấy triệu chứng đầu tiên
Thứ 6, 31/12/2021 | 10:56:34 [GMT +7] A A
Hụt hơi, khó thở, da khô ngứa, khó ngủ, chán ăn là những dấu hiệu ban đầu cảnh báo thận hư, thận yếu.
Khi nhắc đến việc giữ cho cơ thể khỏe mạnh, thận được coi là "người hùng" của các cơ quan nội tạng. Mặc dù là một trong những bộ phân nhỏ trong cơ thể nhưng thận có chức năng vô cùng quan trọng: Tạo ra hormone, cân bằng điện giải và loại bỏ độc tố.
Cụ thể, thận phải lọc 20-150l máu để tạo ra 1-2l nước tiểu có chất thải và chất lỏng bổ sung trong đó.
Nếu bị bệnh thận mãn tính, giống như 10% dân số thế giới và 37 triệu người Mỹ (15% người lớn), thận sẽ từ từ ngừng hoạt động. Phát hiện và điều trị sớm có thể cứu sống thận nhưng khoảng 90% người bị bệnh thận mãn tính thậm chí không biết mình mắc bệnh.
Đây là lý do tại sao người bị bệnh thận mãn tính ngày càng gia tăng. Các chuyên gia cho biết, những người có vấn đề về thận có thể không xuất hiện các triệu chứng cho đến khi bệnh trở nên trầm trọng và cần đến bệnh viện. Có lẽ vì thế, bệnh thận mãn tính đôi khi được coi là "kẻ giết người thầm lặng".
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thận mãn tính, bao gồm huyết áp cao, tiểu đường, viêm hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu.
Dưới đây là 10 dấu hiệu ban đầu của bệnh thận mà bạn có thể dễ dàng nhận biết để đưa ra phương pháp hoặc điều trị sớm, đẩy lùi nguy cơ tổn hại đến sức khỏe.
1. Vấn đề tiểu tiện
Nếu thấy máu trong nước tiểu, có thể bộ lọc thận đã bị tổn thương dẫn đến các tế bào máu chảy ra ngoài lẫn vào nước tiểu. Hoặc bạn đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào ban đêm, thì rất có thể thận đang có vấn đề.
Khi chức năng thận suy giảm hoặc ngừng hoạt động có thể khiến rò rỉ protein từ máu vào nước tiểu, điều này tạo nên bọt trong nước tiểu - đây cũng là một trong các dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của thận bạn cần lưu ý.
2. Chân, tay hoặc mặt bị sưng
Thận hư không thể loại bỏ chất lỏng. Do đó, muối ăn sẽ lưu lại trong cơ thể và làm cho tình trạng sưng tấy trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt là sưng ở bàn chân, mắt cá chân, bàn tay, mặt, hoặc vùng quanh mắt.
Protein rò rỉ từ thận vào nước tiểu cũng có thể gây ra bọng quanh mắt.
3. Hụt hơi, khó thở
Khi thận không thể loại bỏ chất lỏng ra khỏi cơ thể, chúng có thể tích tụ trong phổi. Điều này khiến bạn khó hít thở sâu để đưa oxy vào máu, do đó hơi thở sẽ ngắn và gấp hơn.
4. Da khô, ngứa hoặc phát ban
Khi cơ thể chứa đầy chất độc sẽ tìm mọi cách để đào thải chúng ra ngoài bằng cách qua da. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng phát ban, da khô hoặc kích ứng và vết loét hở.
Bạn có thể bị ngứa vì urê (sản phẩm chuyển hóa của quá trình phân hủy protein) và phốt pho (chất khoáng) không được thận bài tiết ra ngoài.
5. Có mùi vị kim loại trong miệng
Khi thận không hoạt động tốt, chức năng thận bị suy giảm, bạn dễ cảm thấy có mùi vị kim loại giống như amoniac trong miệng.
Chất thải chưa được lọc tích tụ trong máu (được gọi là urê huyết) sẽ làm thay đổi khẩu vị thức ăn. Bên cạnh đó, hơi thở có mùi hôi (chứng hôi miệng) khiến bạn không muốn ăn, chán ăn.
6. Thiếu tập trung
Những người bị bệnh thận nói rằng, đôi khi họ bị “sương mù não”. Nguyên nhân là do thận không thể loại bỏ chất độc khỏi máu (chúng sẽ đi đến não) và không có đủ tế bào hồng cầu để cung cấp oxy đến não. Điều này khiến người bệnh cảm thấy chóng mặt và trí nhớ cũng như khả năng tập trung suy giảm.
7. Mệt mỏi
Thận tạo ra một loại hormone gọi là EPO (erythropoietin). Loại hormone này sản sinh ra các tế bào hồng cầu. Thận yếu sẽ không sản xuất đủ tế bào hồng cầu và dẫn đến tình trạng thiếu máu.
Các tế bào hồng cầu mang oxy đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Khi lượng tế bào hồng cầu quá ít, oxy không đến được các bộ phận quan trọng khác sẽ gây ra mệt mỏi và suy nhược. Ngoài ra, có quá nhiều chất lỏng và chất độc trong máu cũng gây ra mệt mỏi.
8. Khó ngủ
Thận không hoạt động tốt có thể gây khó ngủ vì chất độc bị đọng trong máu và lưu lại trong não. Điều này khiến bạn có khả năng cao mắc chứng ngưng thở khi ngủ (tình trạng khó thở khi đang ngủ).
Thêm vào đó, thiếu máu có thể dẫn đến hội chứng "chân không yên" (chân muốn di chuyển trong khi bạn đang cố ngủ và điều này khiến giấc ngủ bị gián đoạn, ngủ không sâu giấc).
9. Buồn nôn
Chất độc và chất thải tích tụ trong máu (do thận yếu không thể đào thải chúng ra ngoài) có thể ảnh hưởng đến não bộ, khiến bạn cảm thấy buồn nôn hoặc gây nôn mửa.
10. Cơ bắp bị chuột rút
Thận khỏe, hoạt động tốt giúp giữ cho máu được cân bằng với các chất điện giải như kali, canxi và natri. Một trong những công dụng quan trọng nhất của kali là đảm bảo rằng cơ bắp của bạn hoạt động bình thường.
Nếu không đủ kali trong máu có thể khiến bạn bị đau cơ và tim đập nhanh, nhưng lượng kali quá nhiều có thể đe dọa tính mạng.
Làm cách nào để phòng ngừa bệnh thận?
Theo Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ, để ngăn ngừa và làm giảm các vấn đề về thận, bạn nên thực hiện một số điều sau:
- Thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu nếu bạn mắc bệnh tiểu đường.
- Duy trì huyết áp ổn định, khỏe mạnh.
- Chế độ ăn lành mạnh (Nếu nghi ngờ thận có vấn đề, bạn nên tránh thực phẩm chứa nhiều protein, chất béo, natri và kali).
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để đảm bảo thận hoạt động bình thường.
- Không lạm dụng thuốc giảm đau (Vì chúng có thể làm thận hư, thận yếu, đặc biệt là thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen và naproxen).
- Đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm trùng bàng quang hoặc thận.
- Không hút thuốc.
Tổ chức Thận quốc gia (Hoa Kỳ) khuyên rằng, những người bị huyết áp cao, tiểu đường hoặc tiền sử gia đình bị suy thận nên được kiểm tra thận hàng năm. Hãy chắc chắn rằng, các bác sĩ nắm được tình trạng khi bạn đang có các triệu chứng cảnh báo bệnh.
Những triệu chứng trên cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý khác. Nếu nhận thấy bất kỳ tín hiệu khác thường nào mà cơ thể đang cố "gửi" tới bạn, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám càng sớm càng tốt.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()