Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:21 (GMT +7)
16 điều hoang đường về công nghệ giờ vẫn lắm người tin
Thứ 4, 26/01/2022 | 16:18:20 [GMT +7] A A
Bạn đã từng nghe về việc sạc điện thoại qua đêm sẽ khiến pin máy “sớm về chầu ông bà”? Hay khẳng định đầy tự cao “máy Mac không thể dính virus?” Có hàng tá thông tin công nghệ nhảm nhí tồn tại trên mạng internet; và mỗi thế hệ sản phẩm công nghệ mới xuất hiện lại đi kèm với nhiều tin đồn sai sự thật hơn trước. Nhiều thông tin có thể dễ dàng bị bác bỏ, nhưng dưới đây là một số câu chuyện đậm chất hoang đường khiến nhiều người sành sỏi công nghệ cũng phải nhíu mày suy nghĩ.
Starlink sẽ cho các nhà cung cấp internet truyền thống ra rìa
Rất nhiều người đặt kỳ vọng vào Starlink, dịch vụ internet vệ tinh đến từ SpaceX (công ty do Elon Musk sáng lập). Tại Mỹ, ngày càng nhiều người chọn Starlink thay vì dịch vụ internet 5G; 76% người tham gia khảo sát của PCMag cho biết họ có thể hoặc rất có thể cân nhắc chuyển sang Starlink nếu dịch vụ này có mặt tại khu vực đang sống.
Theo FCC, 35% người Mỹ hiện nay không có đường truyền băng thông rộng. Đối với những người sống ở vùng xa xôi hẻo lánh, không có điều kiện tiếp cận internet, Starlink hứa hẹn sẽ mang lại thay đổi lớn. Nhưng khả năng nó có thể thay thế đường truyền cáp quang bạn đang dùng - bất kể tốc độ đường truyền đó ì ạch đến mức nào đi nữa - cũng là rất rất thấp.
Một trong những vấn đề của Starlink là tình trạng nghẽn mạng. Một báo cáo cho biết kể cả với 12.000 vệ tinh tầng thấp (LEO), dịch vụ Starlink cũng chỉ đảm đương được khoảng 485.000 người trong tổng số 500.000 đơn đặt hàng tính đến thời điểm hiện tại, và trên quỹ đạo Trái đất lúc này mới chỉ có chưa đầy...2.000 vệ tinh Starlink mà thôi! SpaceX muốn có 42.000 LEO, nhưng đó là chuyện của...tương lai.
Bản thân Elon Musk cũng từng nói dịch vụ này hữu ích nhất đối với khu vực có mật độ dân cư thấp đến trung bình - ông khẳng định trong các thành phố lớn, 5G sẽ tốt hơn. Starlink không được tạo ra để thay thế mọi thứ, nó giống như một sự bổ sung thì đúng hơn. Và đừng quên rằng chi phí sử dụng Starlink cũng không hề rẻ: 99 USD/tháng, chưa tính phí thiết bị.
Một vấn đề lớn khác là mọi công ty internet vệ tinh LEO khác từng thử sức trên thị trường này đều đã...ra đi. Mùa hè năm ngoái, Musk nói rằng Starlink cần đến 30 tỷ USD để không bị phá sản. Một email của ông bị rò rỉ cho biết, dù khả năng là rất thấp, toàn bộ công ty có thể phải giải thể vào cuối năm 2022.
Không dùng truyền hình cáp sẽ tiết kiệm được khối tiền
Có thể đúng, nếu bạn sẵn sàng sử dụng một vài dịch vụ stream và có lẽ là sắm thêm cả một chiếc ăng-ten chảo để bắt những kênh truyền hình cơ bản.
Tuy nhiên, bạn cần biết rằng tất cả các công ty truyền thông ngày nay đều tìm cách tạo ra những nội dung độc quyền. VÍ dụ, nếu muốn xem những chương trình của NBC (như The Office), bạn cần đăng ký dịch vụ Peacock. Nếu muốn xem chương trình của CBS (và Star Trek), bạn cần Paramount+. Muốn xem Fixer Upper? Discovery+ nhé. Rồi Disney+, Netflix, Prime Video, HBO Max... nữa.
Tổng chi phí cần để đăng ký gói cơ bản (độ phân giải SD, một người dùng, 1-2 thiết bị) của các dịch vụ nói trên nhìn chung vẫn rẻ hơn truyền hình cáp và một dịch vụ DVR hay stream TV, nhưng chỉ một chút thôi. Quyết định thuộc về bạn, nhưng chắc chắn bạn không thể xem được mọi thứ dù chọn cách nào đi nữa.
Chế độ duyệt web riêng tư (Incognito) là hoàn toàn riêng tư
Bạn cảm thấy an toàn hơn một chút trước những ánh mắt cú vọ khi chuyển trình duyệt sang chế độ riêng tư/incognito? Có lẽ, nhưng nếu nói nó 100% riêng tư và ẩn danh thì sai.
Chế độ này sẽ xoá cookies và dữ liệu theo dõi sau khi bạn đóng cửa sổ. Nhưng nó không ngăn được các website và thậm chí là ISP (nhà cung cấp dịch vụ internet) biết được bạn đang truy cập vào cái gì. Ví dụ, mọi trình duyệt đều sẽ có một “dấu vân tay” độc nhất, không liên quan đến các tập tin hay thông tin (như cookies) mà website lưu lên máy. “Dấu vân tay” này tiết lộ thông tin của trình duyệt. Các website có thể (và quả thực đã) tận dụng điều này. Ngay cả sử dụng VPN khi duyệt web riêng tư cũng không thể che dấu được nó.
Giải pháp tốt nhất là chuyển sang một trình duyệt chuyên về bảo mật như Brave, hay sử dụng Tor Browser, một hệ thống có chức năng chuyển hướng kết nối của bạn đến nhiều máy chủ khác nhau trên toàn thế giới trong quá trình duyệt web (đáng tiếc là cả hai đều sẽ khiến trải nghiệm internet của bạn chậm đi đáng kể). Một số dịch vụ thậm chí có thể chèn thông tin giả vào “dấu vân tay” để che giấu danh tính thực sự của bạn.
Bạn chỉ là “tôm tép”, tội phạm mạng chẳng bao giờ nhắm đến bạn đâu
Tại sao lại có người tìm cách hack bạn nếu bạn chẳng có gì để giấu? Từ từ đã nào, ai cũng có bí mật mà? Cụ thể ở đây là thông tin cá nhân riêng tư (PPI) - loại dữ liệu được dùng trong các vụ đánh cắp danh tính. Nó-có-thể-khiến-cuộc-sống-của-bạn-đảo-điên!
Nếu bạn làm bất kỳ việc gì trên các website của chính phủ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân của bạn có khả năng được dùng hoặc lưu trữ trên đó. Số thẻ tín dụng của bạn thì liên kết với mọi website mua sắm trực tuyến. Nghe có vẻ an toàn, nhưng bạn có biết vài ba hôm lại xảy ra một vụ rò rỉ dữ liệu cực lớn hay không? Có thể bạn đúng là loại tôm tép (xin lỗi nhá!), nhưng điều đó không đồng nghĩa kẻ xấu sẽ không thèm lùng sục, bán, hoặc rao bán lại PPI của bạn. Và nhiều công cụ được dùng để làm điều đó hiện đã được tự động hoá: chúng sẽ rà soát bất kỳ thứ gì có thể tận dụng và bán hết, hướng đến càng nhiều mục tiêu càng tốt.
Có một điều bạn nên làm để giúp bản thân trong trường hợp này, là hãy sử dụng mật mã khác nhau cho từng website và dịch vụ trực tuyến. Đừng nói bạn không thể nhớ nổi, vì có hàng tá trình quản lý mật mã sẽ giúp bạn việc đó. Nên nhớ rằng nếu mật mã bị rò rỉ, kẻ xấu có thể truy xuất đến mọi tài khoản dùng chung mật mã đó!
Pin cũng có “trí nhớ”
Ngày xửa ngày xưa, khi các thiết bị còn sử dụng pin nickel-cadmium (NiCad), chúng quả thực có “trí nhớ” để không bị sạc quá một mức nhất định. Đó là nguồn gốc của lời khuyên rằng “bạn nên xả sạch pin về mo” - đó giống như một cách để xoá trí nhớ của pin vậy. Tuy nhiên, khi pin lithium-ion ra đời, mọi chuyện không như vậy nữa.
Vấn đề của pin lithium-ion nằm ở dung lượng và sự chai dần theo thời gian. Cùng một thời gian sạc, chiếc điện thoại mới của bạn có thể đạt 100%, trong khi điện thoại cũ có thể chỉ đạt 80%. Một số người gọi đó là “hội chứng người già”. Pin càng “trẻ” càng cần nạp nhiều năng lượng, giống như các thanh niên tuổi teen đi ăn buffet vậy.
Dù gì đi nữa, pin càng sạc nhiều chu kỳ, dung lượng pin càng giảm đi. Tính năng “sạc nhanh” trên các điện thoại thế hệ mới khiến quá trình chai pin diễn ra nhanh hơn nữa. Lời khuyên là chỉ nên sạc điện thoại qua đêm như bình thường, và sạc chậm dù sạc dây hay không dây.
Chỉ nên sạc điện thoại khi pin còn 0%
Đừng. Đừng. Đừng. Đừng. Đừng. Liên tục để pin lithium-ion tụt về 0% là hành động cực kỳ ngớ ngẩn, khiến pin chai nhanh hơn. Hãy xả một phần pin thôi.
Đây là một vấn đề khác liên quan dung lượng. Khi mà bên trong viên pin liên tục ở trạng thái cạn kiệt, vật liệu cấu thành nên nó sẽ bị giảm khả năng giữ điện theo thời gian. Đó là lý do điện thoại cũ của bạn trụ được ngày càng kém, so với thời gian hoạt động cả ngày dài của một thiết bị mới toanh. Pin bị chai đấy.
Một số người vẫn tin rằng thỉnh thoảng đưa pin về 0% là giải pháp giúp cân chỉnh pin - ví dụ, khi điện thoại báo pin vẫn còn 30% như chưa kịp làm gì đã tắt ngúm. Nhưng vấn đề là điện thoại mới ngày nay hiếm khi dùng cạn được pin. Chúng sẽ tự động tắt khi còn một ít pin. Nếu không tin, cứ để máy đấy vài giờ trước khi cắm sạc.
Lời khuyên ở đây là: đừng bao giờ để pin tụt xuống dưới 20%; chỉ sạc lên khoảng 80%, khá nhanh khi dùng tính năng sạc nhanh. Luôn giữ pin ở mức từ 30 - 80% là cách tốt nhất để kéo dài tuổi thọ pin.
Sạc smartphone qua đêm sẽ gây quá tải pin
Smartphone của bạn đủ thông minh để bảo vệ pin, do đó khi pin lithium-ion đạt 100%, nó sẽ ngừng sạc. Nó sẽ không bao giờ bị quá tải. Còn tại sao một số người bị cháy điện thoại khi sạc qua đêm? Do pin bị lỗi.
Ngoài ra, đừng để điện thoại dưới gối - nó sẽ nóng lên và có thể thiêu cháy bạn rồi “tự huỷ” luôn. Điện thoại cần toả nhiệt, vốn là yếu tố gây hại cho pin. Bạn chắc không ngủ đè lên laptop đâu ha? Vậy thì đừng làm điều đó với smartphone của mình.
Có khả năng khi điện thoại của bạn được cắm sạc qua đêm, nó sẽ dùng một ít điện và pin tụt còn 99%, sau đó lại sạc lên 100%. Không hay lắm, nhưng đừng quá lo lắng. Nếu chẳng may tỉnh giấc giữa đêm, hãy rút sạc hoặc lấy máy ra khỏi đế sạc không dây, pin sẽ không tiêu hao nhiều lắm trước khi bạn thức dậy vào sáng hôm sau đâu.
Smartphone chụp ảnh đẹp như máy ảnh full-frame
Chiếc máy ảnh tốt nhất là chiếc bạn đang có, tất nhiên rồi, và chiếc máy ảnh bạn luôn cầm trên tay còn gì khác ngoài chiếc smartphone? Chắc hẳn mỗi lần nhìn vào bảng thông số ấn tượng của máy ảnh trên các smartphone đời mới - ví dụ chiếc Samsung Galaxy S21 có cảm biến 108MP - bạn sẽ ít nhiều có cảm giác cực hài lòng với những bức ảnh chụp được. Nhưng đừng từ huyễn hoặc bản thân rằng một chiếc máy ảnh ống kính rời chuyên dụng không làm được điều tương tự, nếu không muốn nói là tốt hơn hẳn.
Người ta thường nói rằng, “số chấm càng nhiều, ảnh càng đẹp” - không đúng lắm đâu, bởi kích cỡ cảm biến còn quan trọng hơn nhiều. Nhận định sai lầm đó cũng là lý do rất nhiều người - chính xác là 86% số người được khảo sát vào năm 2019 - nghĩ chiếc smartphone với camera khủng của họ có thể đánh bại một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp. Ngày nay, những công nghệ mang tính cách mạng trong máy ảnh smartphone giúp nó phần nào ngang ngửa với máy ảnh chuyên dụng. Chúng ta đang nói đến nhiếp ảnh điện toán, sử dụng công nghệ hình ảnh để tăng cường hoặc mở rộng khả năng nhiếp ảnh số của bạn. Chụp ảnh phong cảnh 360 độ, hay xoá phông mịt mù, mà không cần đến những chiếc máy ảnh cồng kềnh, là ví dụ điển hình cho những điều nhiếp ảnh điện toán có thể làm được.
Quả thực rất tuyệt, nhưng nghĩ kỹ mà xem. Bạn có bao giờ thấy một tay thợ ảnh chuyên nghiệp dùng smartphone chụp ảnh cưới, ảnh sự kiện tầm cỡ, hay những bộ ảnh người mẫu thời trang? Không hề đúng không?
Tất nhiên, máy ảnh chuyên nghiệp đòi hỏi kỹ năng sử dụng chuyên nghiệp. Bạn phải học về phơi sáng, tốc độ màn trập, khẩu độ, và ISO. Và lựa chọn ống kính trên smartphone cũng khá hạn chế. Nếu không thể sử dụng thuần thục một chiếc máy ảnh cao cấp, sử dụng máy ảnh điện thoại đôi khi lại là một giải pháp tốt hơn!
Cáp HDMI xịn cho chất lượng hình ảnh cao hơn
Trên thị trường không thiếu những sợi cáp HDMI đẹp và bền. Đôi lúc, một sợi cáp 20 mét có giá lên đến 10.500 USD. Nhưng nếu nói một sợi cáp HDMI đắt ngang chiếc ô tô xứng đáng với số tiền bỏ ra, thì...thôi xin kiếu.
Xét cho cùng, tín hiệu kỹ thuật số vẫn là tín hiệu kỹ thuật số. Và một sợi cáp 10 USD so với một sợi cáp 1.000 USD cùng chiều dài và thông số sẽ không tạo ra sự khác biệt nào khi bạn xem nội dung xuất ra trên TV.
Nhưng bạn nên biết về sự khác biệt giữa các chuẩn HDMI. HDMI 1.4 ra mắt cả thập kỷ trước, xử lý tốt các video tối đa 4K. Mọi sợi cáp HDMI đều hỗ trợ chuẩn này. Nếu bạn thích xem video 8K, hãy mua một sợi cáp hỗ trợ HDMI 2.1, được hỗ trợ bởi đại đa số các mẫu TV từ vài năm trở lại đây, dù là 8K hay không. Quan trọng hơn là chỉ số tốc độ (Standard, High Speed, Premium High Speed, và Ultra High Speed). Ba chỉ số sau có thể xử lý video 4K ở 24fps, nhưng nếu muốn có tốc độ khung hình tối đa khi chơi game, bạn cần Premium hoặc Ultra.
Chiều dài cáp cũng quan trọng nếu các thiết bị của bạn nằm cách xa nhau. Trong quá trình truyền tải, cáp cần được bảo vệ chống nhiễu; do đó số tiền đắt đỏ bạn đang bỏ ra nhiều khả năng để có được tính năng này.
Cột phát sóng 5G khiến bạn bị bệnh
Một số người từ lâu đã lo ngại về sóng di động, Wi-Fi, và thậm chí là sóng radio từ những năm 1930, có thể khiến họ bị bệnh. Đối với họ, 5G như là “kẻ thù mới nhất lơ lửng trong không khí”. Trong thời đại thuyết âm mưu nở rộ như hiện nay, sóng di động thế hệ mới nhất này càng nhận được nhiều chú ý hơn nữa.
Một số thuyết âm mưu nói rằng việc mạng lưới 5G được kích hoạt sẽ khiến những người đã tiêm vắc-xin COVID-19...bị thiêu cháy. Cụ thể là vào ngày 5/1/2022. Nghe hoang tưởng không cơ chứ?
Hiển nhiên, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy mối liên hệ giữa 5G và COVID-19. Không hề có.
Ngày 5/1 nói trên chính là ngày mà các nhà mạng như Verizon và AT&T triển khai các dịch vụ 5G mới, sau đó bị lùi lại đến ngày 19/1, bởi FAA lo ngại dịch vụ băng tần C có thể gây nhiễu tín hiệu máy bay. Đó có lẽ là tác động duy nhất của 5G đối với sức khoẻ con người: gây rơi máy bay (nhưng đừng sợ, bởi tình huống này cũng rất khó xảy ra).
Nguyên nhân chính của thuyết âm mưu nói trên, theo chuyên gia công nghệ di động Sascha Segan, là do 5G “dựa trên những tần số radio đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ”. Nó giống như bạn có thể bị đau đầu khi tiếp xúc với sóng tần số cực cao (UHF) vậy. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết trường điện từ cấp thấp từ các cột sóng (”nếu có tồn tại”) chỉ là một mối đe doạ rất nhỏ nếu so với những nguy cơ thường ngày bạn phải đối mặt khi lái xe, hay không đeo khẩu trang trong mùa dịch!
Máy quét tia X ở sân bay có thể xoá sạch bộ nhớ laptop và smartphone
Nhân viên an ninh sân bay có thể làm khá nhiều thứ, từ việc buộc bạn phải bỏ nước ra khỏi hành lý, tháo giày và thắt lưng, hay quét cơ thể bạn để tìm chất cháy nổ. Nhưng xin thưa là hệ thống máy quét trong băng chuyền, vốn dùng để “soi” đồ đạc của bạn, không hề xoá dữ liệu trong các thiết bị điện tử bạn mang theo. Thông tin sai lệch này xuất phát từ thời đại máy ảnh phim: bức xạ điện từ của máy quét tia X quả thực gây hư hỏng những cuộn phim âm bản chưa rửa, đặc biệt là những cuộn phim tốc độ cao cực nhạy sáng. Nhưng máy ảnh photon đó sẽ không gây vấn đề gì cho ổ cứng (một khối nam châm lớn thì có, do đó đừng đưa laptop vào máy MRI nhé).
Máy quét tia X cũng sẽ không gây vấn đề cho SSD, vốn là loại thiết bị lưu trữ duy nhất dành cho smartphone. Không phải bởi chúng không thể, mà vì chúng chưa đủ mạnh.
Vậy tại sao bạn phải lấy các thiết bị điện tử ra và đặt chúng vào một chiếc rổ riêng? Bởi chúng quá “đặc”, các nhân viên an ninh không thể nhìn xuyên qua chúng trên màn hình được - biết đâu bạn lại lợi dụng chúng để che chắn cho chai dầu gội bị cấm mang lên máy bay thì sao?
Nên nhớ rằng bức xạ mà bạn và các thiết bị điện tử hứng chịu từ mặt trời và những thứ khác ở độ cao 11km khi đi máy bay là khoảng tương đương hai máy quét tia X lồng ngực. Không nguy hiểm lắm, nhưng nếu quá lo lắng thì bạn nên lái xe cho an toàn!
Bức xạ từ các sản phẩm khiến bạn bị nhiễm phóng xạ
Trường điện từ (EMF) xuất hiện ở khắp nơi, bởi gần như mọi thứ có năng lượng đều có trường này, từ mặt trời và sấm chớp, cho đến chiếc AirPods. Nhưng lượng bức xạ đó là rất rất thấp khi so với một khối uranium. Theo WHO, “mọi người đều tiếp xúc với một số trường điện và từ yếu, cả ở nhà lẫn tại nơi làm việc”.
Hiệu ứng chính của EMF tần số thấp đến trung lên các hệ thống sinh học là khiến chúng ấm lên, nhưng hầu hết mọi người không bao giờ tiếp xúc với mức bức xạ đủ cao để khiến điều đó xảy ra. (EMF tần số cao là loại EMF ion hoá, gây tác động lớn hơn, như tia X, CT, và thậm chí là tia UV từ mặt trời và các máy làm rám da).
WHO từng thực hiện một dự án EMF từ năm 1996 nhằm đánh giá tác động của các tần số lên đến 300GHz. Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện. Một số cho rằng EMF phi ion hoá có thể gây ung thư, số khác lại không. Nhưng bạn cần biết là dù số lượng thiết bị điện từ đã tăng mạnh trong 20 năm qua, tỉ lệ tử vong do ung thư vẫn liên tục giảm kể từ đầu thập niên 1990.
Có rất nhiều sản phẩm được quảng cáo là có thể bảo vệ bạn trước bức xạ vô hình này. Từ những chiếc mũ chỏm, đến các hình dán “chống-EMF” mà bạn có thể dán lên điện thoại, đến những chiếc hộp che router mà chức năng chính có lẽ để...chống bụi thay vì bức xạ - hầu hết đều là những thứ ngớ ngẩn được nghĩ ra để giúp các nhà sản xuất làm giàu từ nỗi sợ của người khác. Một số loại trang sức ion âm khẳng định có thể “chặn sóng 5G” hoá ra lại phát ra bức xạ ion hoá cực kỳ nguy hiểm. Một số ít sản phẩm quả thực làm đúng điều chúng hứa hẹn, nhưng khi EMF bị chặn, thì tín hiệu sử dụng cho Wi-Fi, Bluetooth, 4G... cũng vậy. Nếu bạn quá sợ hãi về EMF, tốt nhất hãy ngừng sử dụng điện thoại và internet luôn cho an tâm!
Nên tắt hoàn toàn máy tính mỗi đêm
Một đề tài từng được VNReview đề cập, cũng là đề tài được thảo luận từ rất nhiều năm qua. Có vô số lý do để tắt máy tính mỗi đêm: hạn chế sử dụng điện, giảm bớt thời gian hoạt động của các thành phần di chuyển như quạt hay ổ đĩa, giúp bạn không bị làm phiền bởi thông báo và báo thức, và giúp hệ điều hành hoạt động mượt mà hơn sau khi khởi động lại. Nhưng cũng có nhiều lý do bạn nên cân nhắc khi để máy hoạt động xuyên đêm: giúp duy trì kết nối từ xa, chạy cập nhật dưới nền, không phải tốn thời gian khởi động lại, và tắt máy khởi động lại có thể khiến điện áp tăng vọt không cần thiết. Cả hai nhóm đều khẳng định giải pháp của họ giúp kéo dài tuổi thọ máy tính.
Panda Security đã khảo sát về chủ đề này vào năm 2020 và phát hiện ra rằng, ít nhất đối với các máy tính ở văn phòng, có 37% số người tắt máy vào ban đêm, 23% không bao giờ tắt, và 15% chỉ tắt khi không cần làm việc.
Theo Panda, bạn chỉ nên tắt máy vào ban đêm nếu máy có chứa thông tin nhạy cảm và mạng không được bảo mật tốt, hoặc không cần chạy sao lưu hoặc truy cập từ xa. Nếu không, hãy cứ để máy ở tình trạng hoạt động và thỉnh thoảng khởi động lại để xoá RAM cũng như cài đặt các bản cập nhật hệ điều hành.
Apple làm chậm thiết bị cũ để buộc bạn mua thiết bị mới
Khi một mẫu iPhone mới ra mắt, chiếc điện thoại cũ mà bạn đang dùng vì một lý do nào đó bỗng có dấu hiệu ì ạch. Giống như là có điều gì đã xảy ra với nó, khiến bạn mất kiên nhẫn mà đi sắm máy mới vậy.
Apple đã lên tiếng về vấn đề này. Năm 2017, trong một vụ scandal tên Batterygate, Apple tiết lộ họ buộc phải hạ xung CPU trên các iPhone cũ để giải quyết tình trạng chai pin. Mọi người không thích hành động của Apple, nhiều đơn kiện xuất hiện, và hãng bị phạt 113 triệu USD. Lời biện hộ của Apple là họ làm tất cả chỉ vì lợi ích khách hàng - ngăn máy bị sập nguồn, chứ không phải để tăng doanh số (có lẽ việc tăng doanh số chỉ là hiệu ứng phụ vô tình xảy ra mà thôi). Tất cả các nhà sản xuất điện thoại khác cũng nói rằng họ không giảm hiệu năng điện thoại cũ. Ít nhất thì không phải cố ý.
Vậy có thật là điện thoại của bạn sẽ chậm dần đi không? Câu trả lời nằm ở các bản cập nhật hệ điều hành và các ứng dụng đã cài đặt. Mọi thứ đều được tối ưu hoá để chạy trên phần cứng mới nhất. Nếu bạn tìm cách chạy iOS 15 trên iPhone 8, vốn ra mắt cùng iOS 11 vào năm 2017, cùng các ứng dụng được cập nhật mới nhất, thì chúng cũng không được tối ưu cho con chip đã cũ bên trong thiết bị.
Máy Mac và iPhone không thể dính malware
Những kẻ xấu viết virus muốn tối đa hoá lợi nhuận trên khoản đầu tư của mình: tức là, làm sao để lây nhiễm lên càng nhiều thiết bị càng tốt. Đó là một lý do tại sao các hệ thống Windows và Android thường là mục tiêu lý tưởng; có vô số thiết bị như vậy trên toàn thế giới.
Nhưng bởi bạn không được nghe nhiều về những vụ tấn công trên macOS và iOS, không đồng nghĩa chúng không xảy ra. Dù hệ sinh thái đóng của Apple khiến kẻ xấu gặp nhiều khó khăn trong việc nạp malware vào thiết bị người dùng, đôi lúc chính Apple vẫn để lại những lỗ hổng bảo mật không ai ngờ tới. Ví dụ điển hình là lỗ hổng IOMobileFrameBuffer vào tháng 7/2021, gây ảnh hưởng đến iOS, iPadOS và thậm chí là watchOS. Nếu nó bị phát hiện bởi kẻ xấu và hãng không kịp vá lỗi, chuyện tồi tệ đã xảy ra. Do đó, luôn cập nhật thiết bị lên phiên bản phần mềm mới nhất để tránh những sự cố như vậy.
Ngoài ra, khi jailbreak iPhone hay iPad, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm malware cao hơn nhiều. Nhưng nếu đã jailbreak thiết bị, bạn hẳn đủ sành công nghệ để biết những rủi ro đi kèm với việc sử dụng các ứng dụng và phần mềm chưa qua kiểm định. Người dùng Windows hẳn đã biết rõ điều đó qua hàng thập kỷ rồi nhỉ?
Đám mây ở trên trời
Chẳng ai ngờ lại có người suy diễn khái niệm đậm chất công nghệ là “đám mây” theo đúng nghĩa đen như vậy. Rõ ràng, một số cho rằng những thứ như “đám mây” hay “điện toán đám mây” ám chỉ dữ liệu được lưu trữ trên những đám mây thực sự! Và do đó, bão táp mưa sa sẽ có thể gây gián đoạn cho khả năng truy cập đến chúng.
Nhưng không. “Đám mây” là một phép ẩn dụ cho internet, được lấy từ hình ảnh đám mây dùng trong các biểu đồ để miêu tả bản chất vô định hình của internet. Cụ thể hơn, điện toán đám mây ám chỉ những trung tâm dữ liệu khổng lồ vận hành bởi Amazon, Microsoft, Google... , không chỉ dùng để lưu trữ trực tuyến và chia sẻ tập tin, mà còn để truy xuất và phát triển các sản phẩm. Gmail, Netflix, OneDrive, và Amazon AWS đều là những dạng khác nhau của điện toán đám mây. Và cuối cùng, việc truy xuất dữ liệu và các dịch vụ điện toán đám mây hiển nhiên không bị ảnh hưởng bởi thời tiết rồi!
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()