Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:05 (GMT +7)
3 thói quen khiến trẻ dễ mắc bệnh tai mũi họng
Thứ 6, 05/01/2024 | 23:08:44 [GMT +7] A A
Bệnh lý tai mũi họng thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Ngoài những yếu tố gây bệnh như thời tiết, khí hậu, môi trường, khói bụi… thì những thói quen không tốt cũng góp phần gây nên các bệnh lý tai mũi họng ở trẻ.
Dưới đây là những thói quen thường gặp khiến trẻ dễ mắc bệnh lý tai mũi họng.
- Thói quen ngoáy mũi
Ngoáy mũi là thói quen thường gặp ở trẻ nhỏ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thói quen ngoáy mũi hoặc cho tay lên mũi ở trẻ 1 - 3 tuổi: Trẻ thấy chán, mệt mỏi, hoặc chỉ do tò mò về cơ thể mà thôi. Với một số em bé khác, ngoáy mũi lại là phương pháp giảm căng thẳng, giống như mút ngón tay cái hoặc xoắn tóc của mình.
Trong mũi có lớp chất nhầy (gỉ mũi) đảm nhiệm vai trò làm trơn xoang mũi, đồng thời ngăn cản mầm bệnh, bụi, phấn hoa… theo đường thở đi vào phổi. Tuy nhiên, khi trẻ bị ốm hoặc dị ứng thời tiết, cơ thể sẽ tiết ra nhiều chất nhầy hơn, khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu. Do chưa có kỹ năng xì mũi (hỉ mũi) như người lớn, trẻ nhỏ sẽ tự tìm cách giảm cơn ngứa bằng ngón tay, dẫn đến thói quen ngoáy mũi.
Thói quen này có thể gây nên tình trạng nhiễm trùng bởi móng tay là một bộ phận khá cứng, khi tiếp xúc có thể vô tình làm tổn thương lớp niêm mạc mũi. Đồng thời, mũi có chức năng làm sạch luồng không khí khi đi qua nó, vì thế sẽ chứa nhiều bụi bẩn và tạp chất. Việc lớp niêm mạc bị tổn thương sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm như viêm xoang xương mũi dưới, viêm tiền đình mũi...
Ngoài ra, thói quen ngoáy mũi có thể sẽ làm chảy máu mũi, gây tổn thương da vùng tiền đình mũi, gây viêm loét, nhọt tiền đình mũi...
Khi trẻ có thói quen trên, cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở trẻ không nên ngoáy mũi. Cần cắt móng tay cho trẻ, dặn trẻ thường xuyên rửa tay sạch sẽ. Hướng dẫn trẻ vệ sinh mũi đúng cách như lau mũi nhẹ nhàng bằng khăn hoặc giấy sạch hơi ẩm. Mùa đông trời lạnh nếu trẻ bị ngứa, khô mũi, cha mẹ có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
- Trẻ thường xuyên cắn móng tay
Cắn móng tay là thói quen hay thấy ở trẻ nhỏ. Khi cắn móng tay, sẽ vô tình đưa vi khuẩn vào miệng, dẫn đến nguy cơ nhiễm giun sán và các bệnh nhiễm trùng đường ruột rất cao.
Bên cạnh đó, cắn móng tay có thể làm trầy xước da tại đầu móng, bong lớp biểu bì làm chảy máu tay, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng da, gây sưng đỏ, hình thành mủ quanh móng. Ngoài ra, thói quen cắn móng tay còn có thể gây áp lực lên răng, dẫn đến răng bị khấp khểnh, hỏng men răng, nứt nẻ, vỡ răng... gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến lợi, thậm chí là tụt lợi.
Đối với trẻ nhỏ, cần phải chú ý không để trẻ hình thành thói quen cắn móng tay bằng cách tạo những trò chơi hoặc hoạt động lành mạnh để khơi lên sự tò mò, giúp trẻ quên đi hành động cắn móng tay. Cha mẹ phải thường xuyên cắt tỉa móng tay cho trẻ gọn gàng, sạch sẽ, rửa tay hàng ngày với xà phòng để loại bỏ tối đa vi khuẩn, cũng như các tác nhân gây hại ở tay.
- Quên rửa tay và vệ sinh cá nhân kém
Như chúng ta đã biết, các mầm bệnh được lây truyền qua 3 đường chính: Động vật trung gian, đường thở và tiếp xúc. Đặc biệt, qua tiếp xúc thì nhiều nhất là lây qua bàn tay, trong đó có cả những vi khuẩn kháng thuốc.
Bàn tay được dùng để làm nhiều việc, tiếp xúc với mọi vật trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là khi trẻ nhỏ sử dụng các đồ chơi, vật dụng dưới sàn nhà. Vì vậy, bàn tay cũng là đường truyền bệnh chủ yếu, từ tay vi khuẩn lây lan từ người này sang người khác và gây bệnh, nhất là khi trẻ đưa tay lên miệng.
Các bệnh lây truyền qua bàn tay nếu không vệ sinh gồm bệnh tai mũi họng lây qua đường hô hấp (viêm họng, viêm mũi, cúm, viêm phổi). Ngoài ra, còn có thể lây các bệnh ký sinh trùng (giun sán) và nhiễm trùng như các bệnh đường tiêu hóa (đặc biệt là tiêu chảy, tay chân miệng…), các bệnh viêm gan siêu vi, bệnh ngoài da...
Giữ vệ sinh cá nhân là vô cùng quan trọng trong phòng các bệnh lý tai mũi họng: Vệ sinh tai sau khi tắm, vệ sinh răng miệng hàng ngày, vệ sinh mũi sau khi di chuyển từ nơi quá bụi bẩn... đặc biệt với các bệnh lý như viêm ống tai, nấm tai, viêm mũi... thì việc giữ vệ sinh sẽ giúp chúng ta phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Cha mẹ cần nhắc nhở, hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách với xà phòng. Thực hiện rửa tay đúng cách bằng xà phòng sẽ giúp bảo vệ khoảng 1/3 trẻ nhỏ bị bệnh tiêu chảy và gần 1/5 trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()