4
18
/
997201
35 năm hành trình đổi mới để đột phá, vươn cao
longform
35 năm hành trình đổi mới để đột phá, vươn cao

 

 

Công cuộc đổi mới tại tỉnh Quảng Ninh là quá trình không ngừng tìm tòi, thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phấn đấu đầy gian khổ của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh. Ba mươi lăm năm qua, Đảng bộ tỉnh đã quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng, tích cực tổng kết thực tiễn và đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế; đề ra được những chủ trương, chính sách phù hợp với sự phát triển của tỉnh; từng bước hình thành lý luận mới có nét riêng của Quảng Ninh, góp phần vào xây dựng hệ thống lý luận của Đảng về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Trong suốt hành trình đó, tỉnh Quảng Ninh coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; đã xuất phát từ thực tiễn để đổi mới tư duy, nhận thức; tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Qua đó, giúp hạn chế những sai lầm có thể gặp phải, không ngừng bổ sung, hoàn thiện những khuyết thiếu, gia tăng hàm lượng khoa học, cơ sở thực tiễn trong các quyết sách của Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ tỉnh. Mỗi kỳ đại hội đảng bộ tỉnh đều đánh dấu một bước tiến trong nhận thức lý luận và hành động thực tiễn.

Trong 35 năm đổi mới, những vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ... đã được tỉnh quan tâm nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, qua đó làm sáng rõ nhiều vấn đề lý luận về đường lối đổi mới của Đảng, đồng thời cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc hoạch định, đưa ra các quyết sách chính trị của Tỉnh ủy và cụ thể hóa chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng phù hợp với đặc thù của Quảng Ninh. Từ những năm đầu đổi mới, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, toàn Đảng bộ tập trung nghiên cứu, phân tích, nhận thức đúng đắn những ưu điểm, hạn chế, yếu kém trên mọi lĩnh vực, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân thuộc về chủ quan, như tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỷ lại, thiếu ý chí quyết tâm đổi mới... Trên cơ sở đó, đề ra giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là các mục tiêu về ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng...

Với tư duy dám nghĩ, dám làm, Quảng Ninh đã triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng một cách sáng tạo, trở thành điểm sáng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đột phá về mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ; thực hiện nhất thể hóa chức danh và hợp nhất một số cơ quan của cấp ủy Đảng và chính quyền, đem lại sự cải thiện rõ rệt hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy từ cấp tỉnh đến cơ sở và đóng góp tiền đề cơ sở lý luận, thực tiễn để Trung ương tổng kết, lan tỏa trong cả nước.… Từ đây nguồn lực con người được khơi thông và được khẳng định qua chính kết quả phát triển kinh tế - xã hội ngày càng toàn diện của tỉnh.

Ngay từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (tháng 10-1986), trên cơ sở nhận thức khách quan, đúng đắn những tác động tiêu cực của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, Đảng bộ tỉnh đặt ra yêu cầu, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện cho mình ý chí chiến đấu vì lý tưởng cộng sản, vì lợi ích của cách mạng, đức tính tiền phong, gương mẫu, lòng trung thực, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, nói đi đôi với làm... Các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, đạo đức, truyền thống cách mạng, không ngừng củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, xây dựng các đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.

Đồng thời, trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức, tỉnh đặc biệt coi trọng công tác cán bộ - nhân tố quan trọng, trung tâm và “động” nhất của tổ chức, khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Tỉnh ủy dành nhiều tâm huyết đề ra những quan điểm, chủ trương và giải pháp quan trọng, phù hợp với từng thời kỳ, trực tiếp lãnh đạo, quản lý cán bộ, thể chế hóa, cụ thể hóa bằng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới tại Quảng Ninh. Nội dung, phương pháp, cách làm có nhiều đổi mới theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa, đi tiên phong cả nước tạo dựng được cơ chế thi tuyển cạnh tranh lành mạnh trong tuyển lựa cán bộ.  

Đặc biệt gần đây nhất là Nghị quyết chuyên đề số 19- NQ/TU, ngày 3/3/2015, “Về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong cả hệ thống chính trị. Thực hiện Nghị quyết, Quảng Ninh đã triển khai các mô hình hiệu quả như: Chính quyền điện tử; mô hình Trung tâm hành chính công tiến tới xây dựng chính quyền số; xây dựng Đề án Khu kinh tế Vân Đồn hướng tới là Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; triển khai mô hình hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp huyện; mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc chung Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện… Nghị quyết được đánh giá là một đột phá trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, là sự sáng tạo, đổi mới có hiệu quả thiết thực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ; trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của tỉnh. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW càng khẳng định bước đi của Quảng Ninh là đúng đắn, tạo thêm động lực, là cơ sở chính trị vững chắc để tỉnh có thêm quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị quyết liệt hơn và ở quy mô, tầm mức cao hơn.

Qua 35 năm đổi mới, trên bình diện chung, hệ thống chính trị của Quảng Ninh không ngừng được đổi mới, kiện toàn, củng cố vững chắc, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động nhuần nhuyễn hơn, đội ngũ cán bộ ngày càng được đào tạo bài bản, chất lượng và tính chiến đấu được nâng lên, thể hiện qua việc nhiều cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược của tỉnh, mạnh dạn đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn, không né tránh các vấn đề mới, khó, phức tạp; mạnh dạn đề xuất những vấn đề chưa có tiền lệ để tập trung nghiên cứu, thực hiện; kiên trì, bền bỉ, quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ. Tỉnh ủy chủ động nghiên cứu, xây dựng, đề xuất nhiều thể chế, cơ chế, chính sách về tổ chức, cán bộ, trong đó có nhiều văn bản thể hiện tư duy và hành động đi trước đón đầu, đột phá, trực tiếp tạo nên những bước chuyển về chất trong công tác tổ chức, cán bộ của tỉnh trong mỗi thời kỳ.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong tỉnh càng phải xây dựng phong cách, tác phong công tác; thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương; thường xuyên tự phê bình và phê bình; đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa’’ trong nội bộ. Đồng thời, phải tạo chuyển biến tích cực hơn nữa về ý thức, tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường và điều kiện để khuyến khích, thúc đẩy tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Nâng cao năng lực cụ thể hóa và thực thi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cùng với sự đổi mới của đất nước, Quảng Ninh đã cho thấy tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn và liên tục đổi mới để vươn lên trở thành một trong những đầu tàu phát triển của khu vực phía Bắc, một trong những trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.

Nhiều mô hình được tỉnh đưa vào thí điểm đã mang lại hiệu quả, góp phần làm tiền đề cơ sở lý luận, thực tiễn để Trung ương tổng kết, nhân rộng trong cả nước. Có thể kể đến như mô hình vận dụng sáng tạo hình thức đối tác công - tư (PPP) để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ. Với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, trên cơ sở kiên trì, quyết liệt thực hiện cơ cấu đầu tư công có hiệu quả (tỷ lệ chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách: Năm 2015 là 52,6%; năm 2016 là 64,96%; năm 2017 là 66,7%; năm 2018 là 66,6%; năm 2019 đạt 61%).

Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của Tỉnh (hoặc ứng vốn cho Trung ương) tập trung vào các dự án, công trình động lực có tính lan toả cao; quyết liệt đi đầu thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công - tư để huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và xã hội được coi là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Đặc biệt, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp trong cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính, tỉnh đã rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm những thủ tục hành chính không phù hợp, giảm hơn 40% số thời gian giải quyết TTHC theo quy định. Đi đầu, sáng tạo, đột phá thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh và 14 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc UBND. Hoàn thiện rà soát và công bố bộ TTHC của ba cấp chính quyền, chuẩn hóa và đưa 100% các TTHC cấp tỉnh và cấp huyện đủ điều kiện vào thực hiện tại các Trung tâm hành chính công theo nguyên tắc “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại Trung tâm” bảo đảm thuận tiện, công khai, minh bạch.

Nói về Quảng Ninh, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, Phạm Minh Hùng đánh giá: Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương trong cả nước hiện nay có các chỉ số do các tổ chức, cơ quan uy tín trong nước và quốc tế đánh giá như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index), PAR Index, SIPAS, PAPI… đều đạt thành tích cao. Trong đó, các chỉ số PCI, PAR Index liên tiếp dẫn đầu. Mặc dù các chỉ số trên khác nhau rất nhiều về tiêu chí đánh giá, thời điểm đánh giá, đối tượng đánh giá, phương pháp đánh giá nhưng tất cả đã được Quảng Ninh thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt.

Đặc biệt, nền kinh tế của tỉnh đã được định hướng giảm dần việc dựa vào tài nguyên không tái tạo như than, khoáng sản, đất và tăng dần các yếu tố bền vững, như dịch vụ, du lịch, khoa học công nghệ, đầu tư, thương mại, cảnh quan, văn hóa...; lấy du lịch, dịch vụ làm trung tâm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. 15 năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh luôn đạt tốc độ cao, bình quân giai đoạn 1991 - 2000 đạt 10,9%, giai đoạn 2005 - 2010 đạt 13%, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 9,3 %, năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh đạt 12,1%, vượt chỉ tiêu đề ra và cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tổng sản phẩm bình quân đầu người gấp đôi bình quân chung cả nước.

Cùng với đó, Quảng Ninh đã mạnh dạn vận dụng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cụ thể hóa sáng tạo các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ vào điều kiện thực tiễn địa phương để thực hiện sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long và được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14. TP Hạ Long mới trực thuộc tỉnh không những có quy mô diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính trực thuộc lớn nhất cả nước, mà còn sở hữu những nguồn tài nguyên thiên nhiên “có một, không hai”, tỷ lệ mặt nước, cây xanh và giá trị của sự khác biệt gắn với thương hiệu nổi tiếng Vịnh Hạ Long, đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa đặc sắc; đã mang trong mình một tầm vóc mới, mở ra vận hội, thời cơ mới để thu hút tối đa mọi nguồn lực, phát triển đột phá, nhanh, bền vững, nâng tầm vị thế trong giai đoạn mới.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội luôn luôn được chăm lo đảm bảo. Sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân được quan tâm có bước tiến bộ vượt bậc, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao và cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới đến hết năm 2019 chỉ còn 0,52%. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên; công tác y tế có nhiều chuyển biến, số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 54,6 giường (gấp đôi bình quân chung của cả nước). Chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm năm địa phương cao nhất cả nước. Diện mạo nhiều vùng nông thôn thay đổi rõ rệt, đến hết năm 2019 đã có 5 đơn vị cấp huyện và 94/111 xã đạt tiêu chí NTM; xã Việt Dân (Đông Triều) là xã đầu tiên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong cả nước. Tỉnh đã hoàn thành Đề án 196 đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, về đích trước 1 năm so với kế hoạch.

Những thành quả mà Quảng Ninh đạt được trong 35 năm qua đang đưa tỉnh đến gần mục tiêu đến năm 2030 Quảng Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế…

Bài: Hà Chi

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu