Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 18:31 (GMT +7)
8 cách giúp trẻ làm quen với quản lý tiền bạc
Thứ 3, 26/11/2024 | 13:49:05 [GMT +7] A A
Trẻ em có cơ hội được hiểu tiền mặt thực sự là gì khi được tận mắt chứng kiến các giao dịch ngân hàng.
Cô giáo Lê Hoài Thương (Trường THPT Bắc Hà, Hà Nội) chia sẻ những cách để giáo dục trẻ biết quản lý chi tiêu, có kế hoạch tài chính hợp lý, đồng thời biết quý trọng những đồng tiền mình có được.
Cho trẻ đến ngân hàng
Dẫn trẻ đến ngân hàng đem lại nhiều điều hữu ích hơn so với việc bạn mua cho con một cây kẹo. Trẻ em có cơ hội được hiểu tiền mặt thực sự là gì khi được tận mắt chứng kiến các giao dịch ngân hàng. Sẽ tốt hơn cho con khi được nhìn nhận ngày càng nhiều. Ngay cả một đứa trẻ mẫu giáo cũng có khả năng tự đưa một tấm thẻ cho người giao dịch.
Hãy cân nhắc mở một tài khoản cho bé và giúp con học cách theo dõi tiền tiết kiệm của mình khi con lớn hơn. Trên thực tế, có nhiều ngân hàng mở tài khoản miễn phí cho trẻ em.
Cho con theo dõi hóa đơn
Đây cũng là một cách dạy con về tiền bạc được nhiều cha mẹ áp dụng. Trong khi trẻ đang quan sát, người lớn có thể quẹt thẻ tín dụng, nhấn nút và bơm xăng... Trẻ sẽ cảm thấy vô cùng hứng thú và tò mò. Hãy để trẻ được khám phá bằng cách để con giúp bạn thanh toán hóa đơn.
Đối với trẻ mẫu giáo, có thể giúp bạn xếp những hóa đơn điện nước, siêu thị… vào một chỗ. Trẻ lớn hơn có thể giúp ghi lại số tiền trên hóa đơn hoặc thanh toán trực tuyến của bạn.
Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy mình có ích, mà con sẽ có được một quan điểm hoàn toàn mới về dòng tiền. Có thể có một số lợi ích như: Một khi con bạn biết chi phí điện là bao nhiêu, con có thể ý thức hơn về việc tắt đèn khi rời khỏi phòng. Khi thấy chi tiêu sinh hoạt của gia đình khá lớn, con sẽ thương bố mẹ hơn vì phải làm việc vất vả.
Biết cách sử dụng phiếu giảm giá
Khi bạn đi đến cửa hàng tạp hóa hay siêu thị, hãy để con chịu trách nhiệm về các phiếu giảm giá. Tùy thuộc vào độ tuổi, con có thể là người giữ phiếu giảm giá, người tìm sản phẩm, theo dõi tiền tiết kiệm hoặc cả ba. Sau đó, hãy nói về việc con đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền và bạn định sử dụng số tiền đó như thế nào.
Ngay cả khi không có phiếu giảm giá, cha mẹ cũng nên cố gắng dạy con về tiết kiệm và sắp xếp thứ tự ưu tiên mua sắm phù hợp. Trẻ có thể giúp cha mẹ xác định các phiếu giảm giá phù hợp với nhu cầu mua sắm theo từng tuần hoặc tháng.
Cho trẻ tình nguyện và quyên góp
Các bậc phụ huynh có thể làm những việc rất đơn giản để cho trẻ có thói quen cho đi, dạy con về tiền bạc để hiểu tiền có giá trị thật, nhưng cũng không phải là tất cả.
Bạn cũng có thể khơi gợi tình yêu thương từ trẻ bằng cách, nếu con là người yêu động vật, hãy cùng trẻ lựa chọn đồ dùng cho nơi ở của động vật hoặc cùng nhau tình nguyện giúp cho chúng ăn.
Khuyến khích con kiếm một ít tiền
Kiếm tiền không chỉ mang tính giáo dục mà còn trao quyền được bình đẳng cho trẻ em. Những ý tưởng kiếm tiền cho trẻ em bao gồm bán đồ chơi và quần áo đã cũ ở chợ trời, giúp tổ chức một buổi bán đồ gia đình, làm những món đồ handmade và những công việc bình thường quanh nhà để có thêm tiền tiêu vặt.
Từ những đồng tiền kiếm được, con sẽ học cách chi tiêu và quản lý chúng một cách hợp lý nhất.
Cho trẻ tham gia một lớp học
Hiện, có nhiều khóa học về quản lý tài chính dành cho trẻ em. Thực tế, có nhiều trường học đã đưa kiến thức này vào chương trình giảng dạy. Nhiều gia đình đầu tư cho con trẻ những khóa học ngắn hạn này với mong muốn con sẽ có độ nhạy bén hơn về tài chính, kinh doanh, từ đó dễ dàng thành công trong tương lai.
Nhiều công đoàn tín dụng và ngân hàng cũng cung cấp các hội thảo cho trẻ em. Đừng nghĩ rằng con bạn không hiểu gì cả, hãy trao cho chúng cơ hội. Bạn sẽ không bao giờ hết ngạc nhiên về việc trẻ em hứng thú khi được học về tiền như thế nào.
Đặt mục tiêu tiết kiệm cho gia đình
Con bạn muốn đến khu vui chơi giải trí? Thay vì sử dụng tất cả bằng tiền của bố mẹ, bạn có thể đặt ra một mục tiêu chung cho cả nhà, trong đó có cả tiền tiết kiệm của con để sử dụng nó đến những nơi con thích. Điều này mang lại niềm vui khi tiết kiệm cho cả gia đình và giúp con hiểu được tiền cha mẹ kiếm được không hề dễ dàng. Nhờ đó, chuyến đi chơi của con cũng có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Cho con quyền tự quản lý tiền cá nhân
Mỗi bé đều có một khoản tiền như mừng tuổi, tiền thưởng, kiếm được do bán hàng… Khi con đã có một số tiền của riêng mình, cha mẹ nên trao quyền để con được tự quản lý số tiền riêng đó. Hãy hướng dẫn con lập kế hoạch tiết kiệm, chi tiêu hợp lý và rút kinh nghiệm nếu con tiêu tiền quá mức cần thiết. Đây cũng là cách dạy con tự lập hiệu quả.
Theo giaoducthoidai.vn
Liên kết website
Ý kiến ()