Tất cả chuyên mục

Hầu như cách thể hiện sở thích, quan điểm và nhu cầu đã hoàn toàn khác với cách nghe nhạc thông thường. Thế hệ 9X thực sự tạo một sự bùng nổ trong đời sống nhạc Việt. Từ gu thưởng thức nhạc có thể khám phá thêm được nhiều điều thú vị trong đời sống, suy nghĩ và hành động của giới teen 9X hiện nay.
Âm nhạc trong thế giới ảo
Khác với âm nhạc của 8X trở về trước, hầu như cách đến với công chúng của một tác phẩm, một nhạc sĩ hay một ca sĩ đều theo kiểu truyền thống đó là qua con đường phát hành băng đĩa, qua các cuộc thi giọng hát hay hay qua các kênh truyền hình, báo chí. Giờ, 9X không cần tất cả những thứ ấy.
Khi tôi bày tỏ ý định muốn nghe nhạc mà thế hệ 9X thích thì tìm ở đâu với cô bé tên Dung mới 12 tuổi - học sinh trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Nội), cô bé nói với tôi rằng chỉ có một cách duy nhất và rất dễ dàng tiếp cận đó chính là internet. Cô bé bày cho tôi "đường đến" thế giới nhạc 9X này bằng một loạt các trang web với những thông tin tổng hợp dành cho "teen" mà âm nhạc là một phần trong đó.
Những mong tìm kiếm thêm "đồng minh" là dân 9x cùng khám phá, tôi ghé chân vào một quán internet trên phố Vũ Thạnh (Hà Nội). Khách hàng chủ yếu là dân 9X đang miệt mài mỗi người "một việc". Người chơi game thì chăm chú, rõ nét vui buồn cùng những chuyển động trên màn hình, còn những "kẻ" chát chít thì gần như ai nấy đều kèm theo một cái tai nghe, vừa chát vừa đung đưa, đôi khi khoái chí còn "nhả" lời hát theo mấy cô cậu ca sĩ... ảo.
Nhân lúc cậu bé ngồi cạnh chuyển bài tôi bắt chuyện làm quen, Đức - tên cậu bé, đang học một trường trung học dân lập gần đó, cho biết rỗi cậu lại vào nghe nhạc. "Thế em thích ca sĩ gì?" - tôi hỏi. "Nhiều lắm ạ! B2, Tim, Nhóc Bj, Quân Nicky, Enbj..." cậu bé trả lời.
"Trời! sao mà toàn những cái tên ở đâu ấy?" - Tôi buột miệng hỏi, cậu cười: "Tại anh không chịu vào mạng nghe nhạc "teen" thôi chứ dân 9X ai cũng biết" và cậu nhanh tay dùng chuột nhấp vào một trang web rồi kéo xuống phía dưới của màn hình, cậu nói: "Đây anh này. Những bài mới và hot nhất nằm trong danh sách này".
Lướt chuột hết danh sách, hết sức ngạc nhiên, có đến vài trăm bài. Ngạc nhiên hơn nữa, chỉ một vài ca sĩ "chính thống" còn lại toàn những cái tên lạ hoắc. Đức cao giọng: "Anh lạc hậu quá, bây giờ nhạc 9X không cần phải ca sĩ nổi tiếng, ai thích cũng có thể tự hát, tự post lên mạng".
Nhìn cái danh sách kia thêm một lần nữa, quả thật, những ca sĩ "ảo" thường dùng chính nick name ngồ ngộ của mình thành tên nghệ danh. Nào là Yuong Uno, Việt Dragon, Phương CD, Pinky, Yan, ChipCoi, Magic, Magic Bo, MrSol, Lil' Shady, Yoakeen, 9 teen, Andree, Lee7...
Những sáng tác chuyên nghiệp
Giờ mới tiếp tục khám phá sang "thế giới" tựa đề ca khúc. Phải nói cũng thật là đặc trưng cho tuổi mới lớn, rất ấn tượng và đa phong cách. Có những ca khúc được đặt tên theo kiểu "tình yêu đẹp", một thế giới của chàng hoàng tử đẹp trai và cô công chúa xinh gái như: "Một vòng trái đất", "Công chúa bong bóng", "Tóc như tuyết"...
Lại có những cái tên gợi đến một tình yêu lãng mạn hơi "sến" nhưng cũng rất "teen": "Tan tan tan", "Nước mắt", "No love", "Vu vơ", "Mơ", "Lẻ loi", "Em có biết"... Khá nhiều cái tên gợi cho thấy âm nhạc và ca từ vẫn còn dáng dấp của dòng nhạc thị trường như: "Nỗi nhớ em hằng đêm", "Trong tình yêu đừng nên toan tính", "Nước mắt em sẽ không rơi vì anh"...
Lại có những cái tên được viết theo ngôn ngữ của tình yêu "xì-tin" như: "Iu" (nghĩa là Yêu), "Internet love", thậm chí viết tên ca khúc theo đúng kiểu chữ của "teen". Nhưng thú vị nhất là 2 cái tên hết sức ngộ nghĩnh được đặt cho 2 ca khúc: "Vịt con xấu xí" và "Chuyện tình lan can".
Dù chỉ số ít trong đó là sáng tác của các nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng đứng ở góc độ một nhà chuyên môn, có thể khẳng định đó là cách đặt tên bài của những người chuyên nghiệp. Bởi nó đã bao trùm được những yếu tố quan trọng: ấn tượng, bao quát và ngộ nghĩnh. Với cách đặt như thế đã vô tình tạo được sự cuốn hút khiến người tiếp cận khó có thể không nhấp chuột tiếp theo để khám phá thế giới nội dung chứa đựng trong những cái tên đó.
Ca sĩ ảo nhưng chất lượng thật?
Ca sĩ ảo Lil' Knight được hầu hết dân 9X biết tới và hâm mộ (qua mạng) khi cậu ta đem cái chất giọng lơ lớ, hát cố tình không rõ chữ mà chỉ nhai nhái và có cách luyến láy cứ dài ra (những điều tối kỵ trong cách hát truyền thống) khi kể một câu chuyện tình "teen" khá lâm ly: "Sân ga khuya lạnh thêm, bỗng nhiên hòa thành nước mắt của anh. Phố đông lạnh lẻ loi, đôi chân gần lạc lối... Lời yêu em đã quên đi để mình anh ôm nỗi nhớ... Chỉ còn mình anh nước mắt sao còn tuôn rơi..."
Để thêm phần lâm ly, đúng với nội dung ca khúc và tên bài hát "Nước mắt", khi hát Lil' Knight còn "chế" thêm vài tiếng nấc khiến có cảm giác như cậu chàng đang khóc.
|
Với những tựa đề bài hát được đặt theo ngôn ngữ tình yêu kiểu "xì-tin" lại rất ăn khách |
Còn trong "Một vòng trái đất" - của nhạc sĩ 8X Nhất Trung - là sự định nghĩa khá ngộ nghĩnh về tình yêu. Mới tiếp cận tên ca khúc cứ tưởng 2 nhân vật trong ca khúc cách xa vời vợi, hóa ra sau đúng một vòng trái đất thì nơi xuất phát và nơi kết thúc cũng chính là... một điểm. Cách thể hiện rất khác chỉ có ở dân 9X. Lần đầu tiên một ca khúc trước khi hát ca sĩ giới thiệu luôn tóm tắt nội dung và tên bài hát.
Mở đầu giọng nữ nói trên nền nhạc: "Đố các bạn, trên thế gian này khoảng cách nào xa nhất? Nó không phải là khoảng cách từ ngọn núi này đến ngọn núi kia. Không phải khoảng cách từ đại dương này đến đại dương kia. Cũng không phải là khoảng cách từ châu lục này đến châu lục kia. Mà nó chính là khoảng cách của một vòng trái đất".
Ngay sau đó một nhân vật nam tiếp lời: "Một vòng trái đất, đó cũng chính là khoảng cách ngắn nhất. Vì khi đó 2 người được ngồi cạnh bên nhau. Nhưng không biết nói gì, cũng không biết phải làm gì?" Tới đây nhân vật nam mới kết thúc phần giới thiệu bằng câu: "Mời các bạn cùng lắng nghe ca khúc: Một vòng trái đất". Phần nhạc đệm vẫn tiếp tục rồi sau đó mới tới hát. Đại loại toàn là sự xa gần, gần xa, cạnh nhau mà cách biệt như trăng với sao.
Không thể không nhận thấy có những bất ổn trong âm nhạc của "teen". Chẳng hạn thông qua những trang web này sự kiểm duyệt trước khi đến với công chúng hầu như không có, nên rất nhiều ca khúc kém chất lượng hoặc có nội dung không tốt cũng dễ dàng đến với một số lượng đông khán giả.
Vẫn biết cả người hát và người nghe có thể đều vô tư cho đó là một trò chơi, một cách đùa góp thêm tiếng cười cho mọi người nhưng nó ít nhiều cũng sẽ ngấm một cách vô tư vào những tâm hồn non nớt. Song đó có lẽ chỉ là những ''con sâu làm rầu nồi canh", rất mong các em ở thế hệ 9X sẽ tự nhìn nhận và loại bỏ.
Ý kiến (0)