Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 05:30 (GMT +7)
Những người “chèo đò” nơi đầu sóng
Chủ nhật, 18/11/2012 | 05:10:36 [GMT +7] A A
Họ đều là những người còn rất trẻ, tình nguyện đến với những đứa trẻ làng chài. Từ khi họ đến, những đứa trẻ được mở mang đầu óc; cuộc sống của ngư dân cũng thay đổi từng ngày. Chúng tôi đang muốn nói đến những giáo viên ở các điểm chài trên Vịnh Hạ Long, những người “chèo đò” nơi đầu sóng...
Điểm trường ở làng chài Ba Hang. |
Ngày xưa, trẻ chưa có chữ như bây giờ...
Chúng tôi theo một con tàu của Ban quản lý Vịnh Hạ Long để đến với các điểm chài. Điểm đầu tiên mà chúng tôi đặt chân là khu dân cư Ba Hang - Hoa Cương. Ba Hang - Hoa Cương là đơn vị hành chính thuộc phường Hùng Thắng (TP Hạ Long) với 78 hộ dân. Theo số liệu thống kê, phường Hùng Thắng có khoảng gần 6.000 dân thì đã có đến gần 2.000 ngư dân trên biển. Họ sống chủ yếu dựa vào đánh bắt cá theo mùa vụ; nơi ở cũng là phương tiện đánh bắt nên họ thường hay di chuyển chỗ ở. Số lượng trẻ đang độ tuổi đến trường có lúc lên đến 160 em. Ông Nguyễn Văn Duyên, Trưởng Khu dân cư Ba Hang - Hoa Cương, kể lại: “Khoảng 10 năm về trước, hầu hết lớp bà con ngư dân tuổi trung niên đều mù chữ. Các cơ sở y tế, giáo dục, văn hoá, các đoàn thể v.v. hầu như chưa có. Trẻ em không đến trường, nhiều em còn chưa được làm giấy khai sinh. Chúng tôi đều lo các em sẽ mù chữ giống như cha mẹ của mình…”. Thế rồi, mọi chuyện đã dần dần thay đổi…
Sự thay đổi ấy bắt đầu từ ý tưởng dạy học xoá mù chữ trên biển được Thành Đoàn Hạ Long đưa ra từ năm 1997. Nhưng hoạt động ấy chỉ được thực hiện trong thời gian rất ngắn qua các chương trình “Mùa hè tình nguyện”. Hồi ấy, chưa có các điểm chài trên biển như bây giờ. Thành Đoàn đã cử khoảng 30 đoàn viên tình nguyện, hàng ngày theo tàu để ra thuyền cá của những hộ dân trên biển rồi tập hợp trẻ em làng chài lại để dạy học. Để tập hợp được trẻ cũng rất khó vì buổi sáng người dân phải đi làm, lớp học thường được tổ chức vào buổi chiều. Lớp mở ra thì thiếu thốn trăm bề. Bàn ghế, bảng biểu chẳng có, sách vở cũng thiếu thốn. Giáo viên đi lại rất khó khăn. Học sinh thì lộn xộn đủ các độ tuổi chứ không được quy chuẩn như bây giờ. Cố gắng là thế, nhưng những gì các tình nguyện viên làm cho trẻ em làng chài trong một vài tháng hè cũng không đáng là bao. Những đứa trẻ làng chài vẫn còn xa vời với giấc mơ có chữ...
Các em học sinh ở làng chài Ba Hang tự chèo đò đến lớp. |
Đưa chữ đến với làng chài
Khó khăn là vậy nhưng với quyết tâm phổ cập giáo dục, xoá mù chữ cho trẻ em vạn chài, các cấp chính quyền và ngành giáo dục đã cùng chung tay thực hiện cho được đề án mở lớp học tại các điểm chài. Đơn vị thực hiện đề án này là Trường PTCS Hùng Thắng. Hiện nay, trường có 4 điểm dạy học trên biển là Ba Hang, Cửa Vạn, Vung Viêng, Cống Đầm. Điểm trường Ba Hang, nơi mà chúng tôi đến đầu tiên, là một điểm trường nhỏ, ít học sinh. Gọi là điểm trường cho to tát chứ thực chất là khu nhà nổi diện tích 70m2 được chia thành 3 phòng học. Có phòng chỉ rộng khoảng 10m2, vốn là phòng nghỉ của giáo viên giờ cũng được tận dụng để dạy học. Tất cả các phòng học đều đã xuống cấp. Lớp học chỉ hoạt động từ 7h30 đến 15h hàng ngày vì chiều tối không có điện để học. Năm học mới 2012-2013 này, điểm trường Ba Hang có 30 học sinh được chia thành 5 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5. Nhưng có lớp chỉ có 2-3 học sinh. Việc bố trí giáo viên tình nguyện ra giảng dạy ở đây cũng có nhiều khó khăn. Mãi đến tận tháng 10, trẻ em Ba Hang mới bắt đầu năm học mới với 3 cô giáo. Lý giải về điều này, cô Thuý Anh, Hiệu trưởng Trường PTCS Hùng Thắng, cho biết: “Theo kế hoạch của ngành, học sinh được tập trung làm quen với nền nếp trước ngày khai giảng 2 tuần nhưng do trường chưa có thêm giáo viên mới nên đành phải chờ phương án từ Phòng GD&ĐT thành phố…”.
Cô Phạm Thị Huyền, Trưởng nhóm giáo viên tình nguyện tại Ba Hang, mặc dù có 2 con nhỏ, chồng lại đang xa nhà, nhưng vì thiếu giáo viên nên vẫn phải sắp xếp thời gian để trực tiếp lên lớp. Không thể nghỉ lại qua đêm, hàng ngày cô Huyền cùng 2 đồng nghiệp vẫn phải đi về bằng đò của người dân địa phương. Những hôm trời yên biển lặng thì không sao, còn những ngày thời tiết bất thường, để đến với các em, các cô giáo đã phải cố gắng rất nhiều. Cô Huyền chia sẻ: “Học sinh ở đây rất khổ nhưng đều muốn đến trường. Mới 6, 7 tuổi chúng đã biết tự chèo đò để đến lớp. Nhìn chúng, thấy thương lắm”.
Tuy nhiên, không phải em nào cũng ham học, nên công việc của các giáo viên càng vất vả hơn. Nhiều em thích đi làm kiếm tiền hơn là đi học. Các cô lại phải cất công đi thuyền đến nhà các hộ dân để vận động đưa trẻ đến lớp. Đặc biệt, dân cư trên các điểm làng chài này lại không ổn định, nhiều hôm đến lớp thiếu học sinh, hỏi ra mới biết cả nhà em này đã chuyển đi chỗ khác. Vào những tháng cuối năm là mùa sứa, mực, do vậy lớp học phải nghỉ đến gần 1 tháng để chờ học sinh đi giúp bố mẹ. Trong khi đó, thời gian của các cô khá eo hẹp, họ vẫn đảm nhiệm dạy các lớp trên bờ. Vấn đề sắp xếp thời khoá biểu của cả trường Hùng Thắng theo lịch dạy của giáo viên đi biển nhiều khi cũng bị xáo trộn. Điều kiện sinh hoạt khó khăn cũng là một vấn đề cần phải vượt qua. Tại Cửa Vạn, cơ sở vật chất được đầu tư khá nhiều nhưng đã có lúc 6 giáo viên phải ngủ trên hai chiếc giường con chật hẹp. Còn ở Ba Hang, giáo viên phải ngủ nhờ nhà bè của phụ huynh. Nước ngọt phải mua với giá khá cao, có khi tới cả 1.000đ/lít, nhưng có những lúc không có nước để mua… Ở các điểm chài, máy phát điện chỉ chạy một vài tiếng ban đêm, điện chạy bằng năng lượng mặt trời thì lại không ổn định. Vì vậy, nhiều hôm trời âm u thì cả lớp lại phải nghỉ học. Thêm nữa, đời sống của các giáo viên công tác tại các lớp học này còn khó khăn vì không có trợ cấp nào khác ngoài lương chính. Đã thế, gần như toàn bộ giáo viên ra dạy chữ trên biển đều là nữ và còn đang độ tuổi sinh đẻ hay nuôi con nhỏ. Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết (SN 1984), quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng, hiện đã lập gia đình ở TP Cẩm Phả nhưng phải xa nhà thường xuyên để dạy học ở điểm chài Cống Đầm. Cô bảo nhiều lúc nhớ nhà, chị em giáo viên lại phải luân phiên nhau về, mỗi tuần một hai người. Cô giáo Tô Thị Phượng, trước kia dạy ở điểm chài Vung Viêng, nhưng mới đây, do điểm Ba Hang thiếu giáo viên nên chuyển công tác về đây. Cô Phượng hiện đang có con nhỏ, việc chăm sóc con đều dựa vào gia đình nhà chồng. Một trường hợp khác là cô Nguyễn Thu Huyền. Cô Huyền ra làng chài Cửa Vạn dạy học đã được hơn 1 năm nay. Công việc nhiều khiến cô ít có điều kiện về thành phố. Trò chuyện với tôi, Huyền bảo: “Khi nào em về Hạ Long, anh giới thiệu cho em một vài anh bạn nhé. Bọn em ít được về, không có nhiều thời gian để tìm hiểu nhau đâu”. Trong 5 cô giáo ở Cửa Vạn, có 2 cô đã có gia đình riêng nên mọi người ưu tiên cho các cô về nhiều hơn, còn lại phải bám trường, bám lớp. Đến giờ nghỉ trưa, cô Huyền, cô Phượng mời chúng tôi nghỉ lại dùng cơm cùng. Mấy đứa học trò nhao nhao nói theo: “Có thấy cô giáo ăn cơm, nghỉ trưa đâu”. Cô Phượng cười thanh minh: “Chúng em có mang cơm hộp theo anh ạ. Phòng nghỉ của chúng em đã tận dụng làm lớp học rồi. Trưa chúng em ngồi đâu đó ăn rồi dạy tiếp cho đến 3 giờ chiều thì về”…
Lớp học của cô giáo Huyền. |
Qua 12 năm thực hiện chương trình dạy học trên biển, các thầy cô giáo Trường PTCS Hùng Thắng đã giúp khoảng 200 em hoàn thành chương trình Tiểu học, gần 400 học viên khác đã được xoá mù chữ. Từ chỗ chỉ có 7 lớp với khoảng 100 học sinh vào thời điểm năm học 2000-2001, đến nay trên biển đã có trên 20 lớp học với hơn 200 học sinh. Hơn nữa, gần như tất cả các em đều đến lớp đúng độ tuổi. Hiện nay, các cô còn đang dạy cả những lớp bổ túc văn hoá bậc THCS trên biển. Đến hết năm 2010, có hơn 40 học viên đã được bổ túc xong chương trình lớp 8. Trò tăng, lớp tăng nên những bàn chân tình nguyện của các cô đến với trẻ em làng chài cũng nhiều hơn. Năm 2000, chỉ có 7 giáo viên thì 10 năm sau đã có đến gần 20 giáo viên bám biển. Đến nay, tổng số lượt giáo viên ra các điểm chài cũng đã lên đến 150 lượt. Trong đó, có những cái tên đã được nhiều người biết đến như cô giáo Nguyễn Thu Hiền, cô giáo Vũ Tuyết Trinh, cô giáo Lê Thị Tố Nga v.v.. Tiêu biểu nhất là cô Hoàng Phương đã được nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao tặng giải thưởng “Vì trẻ thơ”.
Thành tích của học sinh là phần thưởng xứng đáng nhất ghi nhận kết quả của các giáo viên bám biển. Nhiều em đã đạt giải viết chữ đẹp các cấp, có em còn đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh như em Đinh Thị Dung đạt giải Ba học sinh giỏi môn Địa lý năm học 2008-2009. Đánh giá về những chuyển biến từ việc dạy học trên biển, ông Nguyễn Văn Duyên, Trưởng Khu dân cư Ba Hang - Hoa Cương, khẳng định: “Nhờ những tấm lòng tình nguyện của các cô mà trình độ dân trí của ngư dân được nâng lên, tình trạng mù chữ đã giảm đi rất nhiều, đời sống vật chất và văn hoá tinh thần được phát triển tốt”…
Vĩ thanh
Chia tay các cô giáo trên các điểm chài để trở lại đất liền, lòng miên man suy nghĩ, tôi mường tượng về tương lai của những đứa trẻ làng chài. Biết đâu, chính những đứa trẻ tóc vàng vì cháy nắng, da dẻ đen sạm, mặn mòi vì muối biển kia, một ngày nào đó sẽ đứng trên bục giảng. Những cô giáo thầy giáo tương lai sẽ kể lại với học trò của mình: “Các em ạ, ngày xưa, các thầy các cô đã từng chèo đò vượt sóng để đến trường”. Vâng, “ngày xửa, ngày xưa”… chuyện như cổ tích vậy, chuyện cổ tích giữa đời thường...
Hoàng Trình - Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()