4
18
/
832108
Ai lên Cốc Pài...
longform
Ai lên Cốc Pài...

 

Từ TP Hạ Long muốn đến được thị trấn Cốc Pài, trung tâm huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, chúng tôi phải vượt qua quãng đường khoảng hơn 400km. Chặng đường dài vất vả nhưng bù lại, cả nhóm đã được tham dự chợ phiên Cốc Pài (hay còn gọi chợ phiên Xín Mần) – một trong những chợ phiên nổi tiếng nhất của miền cao nguyên đá Hà Giang.

Từ TP Hà Giang, muốn đến Cốc Pài phải đi theo tỉnh lộ 177, qua huyện Hoàng Su Phì. Cung đường chỉ dài có 105km nhưng khúc khuỷu, ngoằn ngoèo hình sin, lúc lên, lúc xuống, nhiều đoạn một bên là vách núi, một bên là vực sâu khiến ngay cả Tầm – thổ công - anh bạn đồng nghiệp công tác tại Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang cũng phải ngất ngây.

Thị trấn Cốc Pài xinh xắn nằm bên con sông Chảy, bốn bề là núi cao, thung lũng. Trong nắng thu, bảng lảng sương khói, Cốc Pài đẹp như một bức tranh. Cả thị trấn chỉ có hai khách sạn, nhà nghỉ dành cho lữ khách đường xa. Dân cư của thị trấn, người Kinh đa phần là gốc từ Tuyên Quang.

Chợ phiên Cốc Pài họp vào ngày chủ nhật hàng tuần. Ngay trung tâm thị trấn, chính quyền xây một chợ to, khá bề thế nhưng có lẽ vì đã quen nếp xưa nên đồng bào vẫn họp chợ dọc con đường từ chân cầu Cốc Pài, ngược con dốc lên thị trấn, kéo dài khoảng 1,5km.

Háo hức nên tôi cùng mấy đồng nghiệp dậy từ 5 giờ sáng để ra chợ. Chờ chưa sáng, những anh chàng người Mông đã dắt ngựa thồ theo rau, củ tới chợ. Tầm cho biết, xã xa nhất của Xín Mần, cách Cốc Pài đến 40km nên để đi chợ phiên, đồng bào phải đi từ rất sớm.

7h sáng, chợ đến hồi tấp nập. Người đến chợ đủ các lứa tuổi: Già, trẻ, trai, gái. Có những bè mẹ trẻ địu con nhỏ theo cùng, đứa trẻ ngủ ngon lành trên lưng mẹ. Lại có những gia đình cùng chở nhau tới chợ trên 1 chiếc Win “tàu”, bên xe kẹp theo con dê, con lợn. Họ bày hàng hoá ra bên đường rồi cả vợ chồng, con cái cùng ngồi bán. Tôi để ý thấy một chi tiết thú vị: Đa phần những người đàn ông đi chợ đều cầm theo 1 can nhựa 5 lít để mua vài lít rượu ngô về nhà uống.

Hàng hoá ở chợ phiên Cốc Pài có thể phân làm hai loại chính: Sản vật rau, củ quả, thảo dược, mật ong của đồng bào địa phương và đồ gia dụng của những lái buôn người Kinh đưa từ dưới xuôi mang lên. Sản vật mang đến chợ hầu hết là đồng bào tự trồng trong vườn nhà, khai thác trên rừng, trên nương nên có người mang đến chợ chỉ vài mớ rau, chai mật ong. Có những nông sản lạ mắt dưới xuôi không có như củ cải đỏ tía, rau ngót rừng. Giá cả ở chợ cũng không đắt so với dưới xuôi. Cụ thể, thịt lợn bản 140.000đ/kg, rau 7.000 – 10.000đ/mớ.

 

Ngoài bán rau củ quả, hàng gia dụng, chợ phiên Cốc Pài còn có khu vực riêng chuyên bán gia súc, chủ yếu là con giống trâu, dê, lợn, chó. Một con trâu trưởng thành giá khoảng trên dưới 30 triệu đồng,  1 con dê khoảng 1,3 – 1,5 triệu đồng. Có những anh chồng người Mông dắt trâu, chị vợ cầm roi đi sau. Những chú dê nhỏ hơn thì dễ vận chuyển, người ta dắt đến hay cho vào rọ chở đến chợ. Khắp nơi vang tiếng “be, be” nghe vui tai.

Lại có những chỗ chuyên bán thuốc nhuộm giống như mỡ người ta hay cho vào động cơ dùng để nhuộm quần áo, váy. Có chỗ chuyên sửa máy khâu.

Chợ phiên Cốc Pài như một bức tranh đa sắc màu với trang phục áo quần màu xám, đen của người Mông, áo xanh, váy đen của người Nùng, áo đen, váy đen của người La Chí… Sặc sỡ nhất là trang phục của phụ nữ Mông. Cả tuần mới họp một lần nên ngày chợ phiên với hầu hết đồng bào vùng cao là ngày hội, bởi vậy chẳng có cớ gì họ không ăn mặc đẹp đến chợ. Nhiều người đến chợ vì nhu cầu mua bán nhưng cũng không ít người đến chợ để giao lưu, gặp gỡ bạn bè. Không khí buổi chợ sôi nổi với nhiều loại ngôn ngữ nhưng tựu chung rất trật tự, tuyệt không có tiếng quát tháo, cãi nhau. Mọi người nhẹ nhàng trao đổi, thuận mua, vừa bán.

Sau khi đã bấm cả trăm kiểu ảnh, tôi cũng tìm mua cho mình một vài thứ đồ làm kỷ niệm. Trong số lữ khách đến chợ phiên Cốc Pài, tôi thoáng thấy một số nữ khách phương Tây.

 

Chợ phiên từ lâu là một nét văn hoá đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số tại các tỉnh khu vực phía Bắc. Có những chợ phiên đã nổi tiếng, trở thành điểm hẹn du lịch như chợ phiên Đồng Văn, chợ phiên Cốc Pài (Hà Giang), chợ phiên Cán Cấu, Bắc Hà (Lào Cai)…

Ở Quảng Ninh cũng có khá nhiều chợ phiên như: Ba Chẽ có chợ Đạp Thanh họp 5 ngày 1 phiên kể từ mùng 1 âm lịch, chợ Lương Mông họp 10 ngày 1 phiên từ mùng 4, chợ Thanh Lâm cũng họp 10 ngày 1 phiên từ ngày mùng 5 âm lịch. Huyện Tiên Yên có chợ phiên Hà Lâu. Huyện Bình Liêu có chợ phiên (chợ huyện) họp vào ngày chủ nhật và chợ Đồng Văn họp vào ngày thứ bảy hàng tuần.

Chợ phiên Hà Lâu (xã Hà Lâu) là chợ phiên duy nhất ở huyện Tiên Yên, ra đời từ năm 1965 với mục đích làm nơi mua bán trao đổi hàng hóa của bà con các dân tộc trong vùng, sau đó bị mai một dần. Đến năm 2001, chợ phiên Hà Lâu được khởi dựng lại, đi vào hoạt động nề nếp từ năm 2003. Hơn 15 năm qua, chợ phiên Hà Lâu đã duy trì hoạt động thường xuyên vào buổi sáng các ngày chủ nhật hàng tuần. Vào những ngày chợ phiên, người dân từ các thôn, khe bản tụ họp, trao đổi, buôn bán những nông sản như gà, lợn, rau, củ quả, thảo dược...

Xuất phát từ như cầu thực tế, huyện Tiên Yên đã khôi phục, phát triển chợ phiên Hà Lâu thành một sản phẩm du lịch của địa phương. Đến với chợ phiên Hà Lâu, du khách sẽ được thưởng thức những nông lâm sản đặc trưng của địa phương như: Mật ong rừng, măng mai khô, trứng gà bản, gà Tiên Yên, lợn bản, rau quả sạch, cá suối, ốc khe và nhiều thảo dược quý...

Tại Bình Liêu, chợ phiên Đồng Văn từ lâu nổi tiếng với phiên chợ ngày 4/4 âm lịch hay còn gọi ngày hội Kiêng gió của đồng bào Dao Thanh Phán.

Từ Cốc Pài trở về, mấy đồng nghiệp Cẩm Phả đi cùng tiếc rẻ, bàn luận, Quảng Ninh cũng có các chợ phiên. Làm thế nào để các chợ phiên của Quảng Ninh bên cạnh mục đích trao đổi hàng hoá là chính có thể từng bước trở thành các địa chỉ du lịch hấp dẫn như chợ phiên ở Hà Giang, Lào Cai thì hay biết mấy. Có lẽ, để đạt được như thế không gì khác là đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ chính quyền đến các ngành du lịch, văn hoá đến chính người dân địa phương.

Bài, ảnh: Đại Dương

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu