Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 21:15 (GMT +7)
“Phố đêm thợ mỏ” ở Cẩm Phả
Chủ nhật, 01/05/2022 | 10:06:38 [GMT +7] A A
Một công trình ấn tượng của TP Cẩm Phả sẽ được khánh thành vào dịp 19/5, đó là phố đi bộ Cẩm Phả với chủ đề "Phố đêm thợ mỏ”. Công trình nằm trên địa bàn phường Cẩm Tây, với điểm khởi đầu là khu vực Nhà văn hoá công nhân Cẩm Phả và điểm cuối tại Quảng trường 12/11.
"Công trình sẽ tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch đêm của TP Cẩm Phả với phương châm: Cẩm Phả hội tụ văn hoá thợ mỏ, lan tỏa tình người vùng than. Công trình tạo sân chơi, điểm giới thiệu các sản phẩm ẩm thực tới nhân dân và du khách. Đây còn là nơi giáo dục cho lớp trẻ về lịch sử đấu tranh hào hùng của nhân dân Cẩm Phả qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ" - Ông Đinh Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cẩm Phả, chia sẻ.
Cũng theo ông Chiến, khu phố ban đầu chỉ đơn giản được gọi là "Phố đi bộ Cẩm Phả", nhưng sau nhiều buổi thảo luận, họp bàn, mọi người cùng thống nhất đặt tên là “Phố đêm thợ mỏ”, với hồn cốt vẫn là phố đi bộ. Sở dĩ được đặt tên như thế vì thành phố muốn tôn vinh những người thợ mỏ. Cẩm Phả là trung tâm khai thác than lớn nhất của cả nước, nơi tập trung đông những người thợ mỏ với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”. Chính tinh thần ấy đã giúp làm nên những chiến thắng trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gian khổ, mà tiêu biểu nhất là Cuộc tổng bãi công của hàng vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936. Do vậy, “Phố đêm thợ mỏ” mang nét riêng độc đáo của phố đi bộ Cẩm Phả, để không lẫn với phố đi bộ ở các địa phương khác.
Đi dạo buổi tối ở “Phố đêm thợ mỏ” dưới ánh đèn lung linh gợi cho chúng tôi nghĩ đến bài hát “Những ngôi sao ca đêm” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, với những lời ca: “Sao lấp lánh trên trời cao, sao lấp lánh cả trên tầng cao, sao lấp lánh thành phố mỏ, ta làm ra bao ánh sao lung linh… Cuộc đời đổi thay rồi, ngày nay đi làm lúc ca đêm, ta thấy rực hồng ánh sáng tương lai”.
Ông Mai Hữu Phần (87 tuổi, sống ở phố Nam Tiến, phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả) rất tâm đắc khi thành phố có phố đi bộ. Ông Phần là một trong những người được trực tiếp đón Bác Hồ trong lần Người về thăm mỏ Đèo Nai tháng 3/1959. Ông rất vui mừng khi Cẩm Phả đề cao người thợ mỏ. Ngoài tên gọi của phố, thành phố còn chú trọng phát huy các địa danh, các công trình mang tính lịch sử của Vùng mỏ Cẩm Phả, trong đó có cả Khu di tích Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai, hiện đang nằm trong khuôn viên khu vực văn phòng Công ty CP Than Đèo Nai. Ông Phần bày tỏ: Thợ mỏ ngày nay khác xưa nhiều rồi, đâu chỉ có sản xuất than, thợ mỏ rất cần một sân chơi cho riêng mình. Tuy nhiên, để họ không quên thế hệ cha ông đã một thời tranh đấu để có cuộc sống hôm nay là điều rất cần thiết.
Phố đi bộ sẽ chính thức khai trương vào dịp 19/5, sau đó sẽ duy trì vào các tối thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần. Nhà văn hoá công nhân Cẩm Phả, điểm đầu của phố đi bộ sẽ tổ chức các chương trình ca nhạc phòng trà, có sự tham gia của các nghệ sĩ và người đam mê ca hát ở Cẩm Phả. Phía đối diện là Vườn hoa Cẩm Phả, được thành phố nâng cấp cải tạo, trồng thêm nhiều loại hoa và đã đưa vào sử dụng từ đầu năm 2020, giúp người dân có khoảng không gian công cộng xanh, văn minh trong nội thị để vui chơi, thư giãn, rèn luyện thể dục tăng cường sức khỏe… Công trình này có hè đường dài hơn 100m, rộng 5m, đủ để tổ chức những chương trình nhảy hip hop, khiêu vũ cho các nhóm trẻ và là nơi hoạt động của các ban nhạc đường phố khi phố đi bộ hoạt động, hứa hẹn sự sôi động, hấp dẫn không nhỏ, bởi chỉ riêng TP Cẩm Phả hiện đã có hơn 30 CLB khiêu vũ, dân vũ của thanh niên.
Nối tiếp đó là đến khu vực phố Minh Khai, phố Phan Đình Phùng, phố Lê Hồng Phong (phường Cẩm Tây), nơi có tập trung các công trình kiến trúc mang tính lịch sử, cách mạng của địa phương. Một công trình ấn tượng thời Pháp thuộc, là Khu lưu niệm vùng than có nhiều dãy nhà do người Pháp xây dựng trước đây ở phố Lê Lợi. Đây là nhà ở và nơi làm việc của Quan Đại lý Vavasseur, là viên quan người Pháp có chức vụ cao nhất ở Cẩm Phả lúc bấy giờ. Sau khi Vùng mỏ được giải phóng năm 1955, khu nhà này trở thành Văn phòng Thị ủy Cẩm Phả, hiện nay công trình này do Trung tâm Hợp tác đào tạo Hồng Cẩm (Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam) quản lý.
Ở phố Lê Lợi còn có hàng dâu da thơ mộng rất nổi tiếng khi được cố nhà nhơ, nhà báo Ngô Tiến Cảnh đưa vào trong ca khúc “Về với quê anh Cẩm Phả” của ông, qua câu hát “Trăng sáng mơ màng đường hoa dâu da, ríu rít tiếng cười vào đêm ca 3”, đã in dấu trong lòng bao thế hệ người dân Cẩm Phả.
Phố đi bộ còn có di tích phố Lê Hồng Phong, là nơi máy bay giặc Mỹ đã ném bom hủy diệt phố cũ và khu vực Nhà thờ Cẩm Phả vào lúc 11h ngày 19/4/1966, phá hủy hàng trăm ngôi nhà và công trình công cộng, giết hại hơn 30 người, trong đó có nhiều cụ già và em nhỏ. Nhà thờ giáo xứ Cẩm Phả là công trình mang kiến trúc châu Âu thời kỳ Phục hưng (khoảng thế kỷ 16-17) và là một trong số ít nhà thờ lớn trên địa bàn tỉnh.
Điểm cuối của phố đi bộ là ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai - Di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 3457/VH-QĐ, ngày 5/11/1997 của Bộ Văn hoá - Thông tin cùng với Quảng trường 12/11. Nơi đây đã diễn ra Cuộc tổng bãi công của hàng vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936, liên tục 17 ngày đêm và nay là nơi tổ chức các sự kiện lớn của TP Cẩm Phả.
Người dân trên địa bàn đều háo hức chờ đợi sự ra đời của phố đi bộ. Anh Đinh Văn Hải (phố Minh Khai, phường Cẩm Tây), chia sẻ: Những người thợ mỏ, hay những người có thu nhập trung bình như chúng tôi ở Cẩm Phả vẫn đang chờ đợi một sân chơi bình dân cho tất cả mọi người, ai cũng có thể tham gia được. Vì thế, phố đi bộ là phù hợp nhất, nếu không ghé vào hàng quán, thì có thể đi dạo phố cho khây khỏa, vừa luyện tập thể dục cho khỏe người, vừa được hưởng thụ âm nhạc đường phố… Phố đi bộ được khánh thành đúng ngày Giải phóng miền Nam, ngày Quốc tế Lao động, là điểm nhấn đầy mong chờ của người dân Cẩm Phả chúng tôi.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()