Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 13:41 (GMT +7)
Ba Chẽ: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống người dân
Thứ 5, 21/10/2021 | 08:11:19 [GMT +7] A A
Ba Chẽ là huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Vì thế, để tạo động lực cho địa phương phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, thu hẹp chênh lệch vùng miền; ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân, việc đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những giải pháp cấp bách, quan trọng đã và đang được thực hiện.
Đầu tư tập trung, có trọng điểm
Trong những năm qua, Ba Chẽ đã tập trung huy động nguồn lực, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Với chủ trương, quan điểm, định hướng đúng đắn, sát thực tiễn, huyện tập trung huy động, linh hoạt lồng ghép từ nhiều nguồn để phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Huyện đã thực hiện xây dựng và nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch quan trọng, các công trình cầu lớn, mở mới đường giao thông đến trung tâm các xã, cũng như hệ thống trường, trạm, hồ chứa nước...
Trong 5 năm gần đây tổng mức đầu tư hạ tầng 1.770 tỷ đồng đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện nước, trường, trạm và các công trình công cộng... Trong đó, tổng vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng 1.281 tỷ đồng (nguồn ngân sách nhà nước là 1.180 tỷ đồng, ngoài ngân sách gần 100 tỷ đồng); triển khai thi công và hoàn thành 330 dự án.
|
Ba Chẽ đã hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối từ huyện đến các địa phương như: Tuyến đường 330, 342, 330B, 329 và tuyến đường từ thị trấn lên xã Minh Cầm song song với đường tỉnh 330.
Giao thông kết nối giữa huyện với các xã và thôn bản được bê tông hóa 100%, cải tạo nâng cấp các tuyến đường tránh lũ trung tâm thị trấn, đường tránh lũ tỉnh lộ 329, nâng cấp các điểm ngập lụt đường 330. Xây dựng 2 hồ chứa nước cung cấp nước sạch và tưới tiêu cho người dân (hồ nước Khe Mười xã Đồn Đạc, hồ nước Khe Lọng xã Thanh Sơn)...
Đường tỉnh 330 là tuyến giao thông huyết mạch với tổng chiều dài gần 50km. Đây là tuyến đường kết nối từ Trung tâm thị trấn huyện Ba Chẽ với 5 xã vùng cao là Thanh Sơn, Thanh Lâm, Đạp Thanh, Minh Cầm và Lương Mông. Đồng thời, tuyến đường này cũng kết nối, thông thương giữa huyện Ba Chẽ với tỉnh Bắc Giang. Tuyến đường này được xây dựng đã lâu nhiều đoạn đã bị xuống cấp trầm trọng, mặt đường sụt lún, lầy lội, nhiều khúc cua tay áo dốc nguy hiểm. Tại các điểm ngầm tràn dọc tuyến vào những ngày mưa to nước dâng cao, thậm chí ở một số thôn khe bản tình trạng ngập úng kéo dài, ảnh hưởng đến việc đi lại, và phát triển kinh tế của người dân. Điển hình đợt mưa lũ từ ngày 12-14/8/2017, nước sông Ba Chẽ dâng cao đã gây ra 19 điểm ngập lụt cục bộ dọc theo tỉnh lộ 330. Trong đó, có nhiều điểm ngập sâu đến hơn 2m.
Để từng bước khắc phục tình trạng xuống cấp của tỉnh lộ 330, năm 2018, tỉnh đã đầu tư hoàn thành sửa chữa 6 điểm thấp trũng, gây ngập lụt trên tuyến. Từ tháng 8/2020 đến nay, tuyến đường này tiếp tục được cải tạo các điểm xung yếu dài gần 16km. Trong đó, nâng cấp, thay thế một số ngầm tràn; thực hiện gia cố lề đường; tăng cường móng; mở rộng đường từ 3,5m lên 5,5m; sửa chữa cục bộ nền mặt đường bằng đá dăm tiêu chuẩn và láng nhựa trên cơ sở nền đường hiện có, đảm bảo cho hai làn phương tiện đi lại; bổ sung, thay thế hệ thống rãnh dọc và hạ tầng ATGT.
Ông Mễ Tiến Đào, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Pha Lán, xã Thanh Lâm, cho biết: Tuyến đường tỉnh 330 được tu sửa, nâng cấp đã giúp cho người dân đi lại thuận lợi hơn, an toàn hơn. Nếu như trước các điểm đập tràn mỗi khi mùa mưa về đều bị ngập chia cắt, thì nay đã được thay thế bằng cầu, cống hộp lớn, chấm dứt việc bị cô lập vào mùa mưa bão. Qua đó, đã giúp người dân huyện Ba Chẽ không chỉ thuận lợi trong sản xuất, phát triển kinh tế rừng và vận chuyển hàng hóa trong mùa mưa.
Hay như đầu tháng 10/2021, Ba Chẽ đã hoàn thành đưa vào sử dụng Dự án cấp nước sinh hoạt, sản xuất tập trung cho 4 xã vùng cao: Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm của huyện với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% (84 tỷ đồng) còn lại do ngân sách huyện cân đối, bố trí. Dự án hoàn thành đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng NTM của huyện, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 14.000 người và các nhu cầu dùng nước khác để phát triển KT-XH của đồng bào 4 xã vùng cao. Tạo nguồn nước tưới tự chảy cho khoảng 70ha lúa 2 vụ và 20ha hoa màu tại xã Lương Mông.
Nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần người dân trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã ngày càng được cải thiện. Đến hết năm 2019, Ba Chẽ đã hoàn thành việc đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Huyện cũng hoàn thành Đề án 196 trước 1 năm so với kế hoạch. 100% các xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số xã, 72/73 thôn, khu phố có nhà văn hóa khang trang; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục theo hướng hiện đại, có 21/21 trường được đầu tư phòng học thông minh và 100% trường đạt chuẩn quốc gia...
Động lực để phát triển bền vững
Từ một huyện “khó chồng khó”, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhưng bằng sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ cùng với sự giúp đỡ của Trung ương, tỉnh và các ngành liên quan, cơ sở hạ tầng toàn huyện qua từng năm được đầu tư một cách đồng bộ. Hệ thống điện, đường, trường, trạm... tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện. Qua đó, góp phần không nhỏ giúp người dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Chính vì vậy, ngay sau khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Ba Chẽ đã xác định Nghị quyết 06-NQ/TU là chìa khóa thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS, huyện đã rà soát, xây dựng, ban hành chương trình hành động của BCH Đảng bộ huyện. Huyện phấn đấu thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020, đến năm 2025 đạt tối thiểu 80 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 5%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn. Đến hết năm 2022 không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới.
Để hoàn thành mục tiêu này, bên cạnh một số nội dung trọng tâm, các khâu đột phá, như: Không ngừng đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, năng động; nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương... thì Ba Chẽ tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế...
Ưu tiên tập trung cho các thôn đặc biệt khó khăn, các xã, thôn mới hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; ngân sách nhà nước là “vốn mồi” quan trọng tạo ra động lực để thu hút các nguồn lực khác, tiếp tục “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, ưu tiên hợp lý nguồn lực đầu tư công tập trung vào các công trình giao thông, thủy lợi động lực, chiến lược, có tác động lan tỏa mạnh và những công trình thực sự cấp bách, thiết yếu về y tế, giáo dục, viễn thông, nước sinh hoạt…
Trong năm 2021, tổng kế hoạch vốn Ba Chẽ được giao là trên 255 tỷ đồng cho 50 dự án. Trong đó có nhiều dự án hạ tầng động lực cho phát triển như: Dự án đường Nà Làng (xã Đồn Đạc, Ba Chẽ) - Khe Phương (xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long) có chiều dài gần 4km; đường vào khu sản xuất tập trung thôn Khe Ốn, xã Thanh Lâm; lắp đặt hệ thống đèn đường chiếu sáng từ QL18 vào trung tâm huyện Ba Chẽ...
Việc Ba Chẽ huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư đối với các công trình hạ tầng trọng điểm, công trình có tác động trực tiếp thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện.
Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()