Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:22 (GMT +7)
Nâng cao đời sống văn hóa
Thứ 5, 19/01/2023 | 06:59:26 [GMT +7] A A
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, những năm qua Ba Chẽ luôn chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba Chẽ là nơi hội tụ của 10 dân tộc với những đặc trưng văn hóa khác nhau, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao, Kinh, Sán Chay, Tày, Hoa, Sán Dìu, Mường, Mông, Thái, Nùng. Những năm qua, nhằm xây dựng đời sống văn hóa cho người dân, huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn cụ thể với nhiều giải pháp linh hoạt và các chỉ tiêu chủ yếu như: Số hộ được công nhận gia đình văn hóa, số bản khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, các giải thi đấu thể thao...
Xác định văn hóa giữ vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc và phát triển du lịch cộng đồng, các ban ngành, đoàn thể của huyện đã phát động thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào thi đua yêu nước, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua đó đã giúp bà con thay đổi về nhận thức, xóa bỏ nhiều hủ tục, tạo động lực vươn lên trong cuộc sống, duy trì bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
Năm 2019, huyện xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, được UBND tỉnh phê duyệt (Quyết định số 3857/QĐ-UBND ngày 13/9/2019). Huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch và tổ chức các lễ hội mang bản sắc riêng, như: Lễ hội Trà Hoa vàng, Lễ hội Đình Làng Dạ, Lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà, Lễ hội Bàn Vương, nhằm quảng bá hình ảnh Ba Chẽ gắn với nét văn hóa tiêu biểu, đặc trưng địa phương. Huyện dành nhiều nguồn lực để đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa; mở 12 lớp dạy hát dân ca, thêu hoa văn của dân tộc Dao, hát Soóng cọ của dân tộc Sán Chay và hát then - đàn tính của dân tộc Tày.
Đến nay 7/7 xã của huyện đã đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó 2 xã Lương Mông, Minh Cầm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 72/73 nhà văn hóa thôn, khu phố được đầu tư sửa chữa, xây mới; 100% thôn, khu phố được trang bị hệ thống loa FM phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Theo bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh đã trở thành phong trào thi đua rộng lớn, thu hút mọi tầng lớp nhân dân huyện tham gia. Qua đó đã làm chuyển biến nhận thức và nêu cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, huy động và vận động nhân dân tích cực đóng góp các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng văn hóa, tạo chuyển biến bộ mặt nông thôn.
Thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển văn hóa đi đôi với tăng trưởng kinh tế; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; gắn kết chặt chẽ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với phong trào "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đi vào chiều sâu; tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ.
Chu Tuân
Liên kết website
Ý kiến ()