Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:16 (GMT +7)
Bình Phước: Bài 1: "Nông dân số" nhìn từ người trẻ
Thứ 5, 08/06/2023 | 18:50:39 [GMT +7] A A
Hàng triệu hộ nông dân Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Phước nói riêng sẽ trở thành những nông dân thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Có thể ví chuyển đổi số như một chuyến tàu mà người làm nông nghiệp không được phép bỏ lỡ.
Với lợi thế trẻ tuổi, nhạy bén thị trường, đặc biệt thông qua “công cụ số” nhiều bạn trẻ ở Bình Phước đã làm chủ quy trình từ sản xuất đến bàn ăn, góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản.
Số hoá đông trùng hạ thảo
Đến thăm cơ ngơi sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của chị Nguyễn Thị Tiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) đông trùng hạ thảo PN Bình Phước tại thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp, chúng tôi ngạc nhiên trước thành quả sản xuất của chị. Dù là thế hệ 9X nhưng chị đã làm chủ công nghệ sản xuất đông trùng hạ thảo, một trong những dược liệu được xem là quý hiếm và đắt đỏ hiện nay.
Dẫn chúng tôi thăm từng công đoạn sản xuất nấm với các trang thiết bị tiên tiến, vận hành tự động, chị Tiên cho biết: Sau khi tốt nghiệp THPT, chị chọn học ngành công nghệ sinh học với mong muốn tìm hướng đi mới cho ngành nông nghiệp địa phương. Trong quá trình học tập, chị có cơ duyên tiếp xúc với anh Ngô Kim Lai, người đầu tiên đăng ký bản quyền cho quy trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo ở Việt Nam.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhận thấy sức khỏe cần được ưu tiên hàng đầu, chị Tiên quyết định chọn đông trùng hạ thảo để khởi nghiệp.
Theo chị Tiên, để có cơ ngơi như hiện nay, chị đã phải trả giá rất nhiều, thậm chí có lúc tưởng chừng bỏ cuộc bởi đông trùng hạ thảo là dược liệu quý, phôi giống gốc phải nhập khẩu với giá rất đắt. Mặt khác, loài nấm này thường sống ở vùng cao nguyên lạnh giá quanh năm, đòi hỏi nguồn dinh dưỡng, vật ký sinh phù hợp để phát triển. Trong khi Bình Phước khí hậu khá nóng, không ít lần trong quá trình nuôi, do sốc nhiệt, nấm chậm phát triển, chưa kể do lơ là khâu kiểm tra giá thể nuôi dẫn đến bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và các tác nhân gây hại khiến nấm chết hàng loạt.
Không nản chí và mạnh dạn thử nghiệm công nghệ mới, chị Tiên đã từng bước giải được bài toán sản xuất. Theo đó, để nuôi cấy và sản xuất thành công đòi hỏi khâu chọn giống và giá thể nuôi cấy phải kỹ, môi trường nuôi cấy nấm tuyệt đối sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, không khí… Các công đoạn cấy, nhân giống, tạo giống và nuôi trồng buộc phải đầu tư, trang bị hệ thống thiết bị tự động để giảm tác động của con người và thời tiết.
Để tăng tính cạnh tranh, bình dân hóa sản phẩm theo phương châm từ sản xuất đến bàn ăn, chị Tiên đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số vào tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, để minh bạch sản phẩm, mọi quy trình sản xuất đều được chị sử dụng camera ghi lại. Sau đó, đưa dữ liệu lên các sàn thương mại điện tử kết hợp livestream giới thiệu công dụng và hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm…
“Đời sống người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cao cấp khá nhiều. Hiện 80% sản phẩm của HTX đang được bán trên các nền tảng công nghệ và kênh bán hàng trực tuyến của các sàn thương mại điện tử. 20% sản phẩm chủ yếu cung ứng cho các đối tác nhà yến trên địa bàn tỉnh để họ sản xuất yến đông trùng hạ thảo. Đặc biệt, hầu hết giá các sản phẩm HTX làm ra rất “mềm”, dao động từ 300-500 ngàn đồng/hộp 10g nấm đã sấy thăng hoa, nông dân, người lao động tại địa phương ai cũng mua dùng được” - chị Tiên cho biết thêm.
Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp cho biết: “Nấm đông trùng hạ thảo của HTX đông trùng hạ thảo PN Bình Phước là mô hình phát triển kinh tế còn khá mới tại huyện Bù Đốp nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung. Qua thực tế cho thấy, mô hình đã có những thành công nhất định. Chúng tôi đang hỗ trợ HTX xây dựng sản phẩm OCOP, tạo dựng thương hiệu từ bao bì, đóng gói… để sản phẩm ngày càng hoàn thiện và từng bước nhân rộng mô hình.
Đưa công nghệ từ thế giới về nông dân Việt
Với khát vọng giúp nông dân Việt trở thành “nông dân số”, sau khi du học tại Pháp, là Thạc sĩ chuyên ngành hệ thống tự động và công nghệ thông tin, ngay khi về nước, anh Đặng Dương Minh Hoàng đã ứng dụng vào vườn cây của gia đình. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Hoàng còn là đại sứ “truyền lửa” cho các bạn trẻ và nông dân địa phương.
Đến Nông trại Thiên Nông rộng 50 ha, trong đó có 30 ha cao su trồng xung quanh có vai trò như vùng đệm hữu cơ, vùng lõi có 8 ha tiêu và 12 ha bơ được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, AseanGAP của anh Hoàng ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, thời điểm bơ đang vào vụ, chúng tôi như bước vào thế giới công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Từ gốc đến từng trái bơ được anh Hoàng gắn mã QR (nhật ký số), chỉ cần đưa smartphone vào quét mã, mọi thông tin từ chăm bón, ngày giờ thu hoạch, phương tiện vận chuyển đến cửa hàng, siêu thị, tiêu chuẩn của sản phẩm… đều được minh bạch. Song song đó, anh Hoàng cũng phát triển marketing trên mạng xã hội và các chợ thương mại điện tử.
Anh Hoàng chia sẻ, xuất thân từ gia đình nhiều đời làm nông nghiệp nên anh đã quá quen thuộc với hình ảnh người nông dân Việt quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống vẫn khó khăn. Đây là lý do sau khi hoàn thành chương trình kỹ sư, thạc sĩ tại Viện Công nghệ Grenoble (Pháp), chuyên ngành hệ thống tự động và công nghệ thông tin, anh Hoàng trở về quê hương và quyết tâm trở thành “nông dân số”.
Theo đó, ngay khi bắt tay vào sản xuất, vận dụng kiến thức, anh Hoàng và các cộng sự nghiên cứu app AutoAgri dựa trên nền tảng IoT (internet kết nối vạn vật) kết hợp các thiết bị cảm biến đo độ ẩm, nhiệt độ, độ pH, ánh sáng. Trên cơ sở tự phân tích tình trạng sức khỏe cây trồng, app đưa ra những chỉ thị phù hợp để cung cấp lượng nước, lượng phân tương thích đến từng gốc cây. Nhờ vậy, anh Hoàng có thể ngồi ở bất cứ nơi đâu mà vẫn có thể giám sát và điều khiển tưới nước, bón phân… cho từng gốc cây trồng trong nông trại của mình qua những cái “chạm tay” trên điện thoại thông minh.
“Chi phí để đầu tư một hệ thống hoàn chỉnh gần 80 triệu đồng/ha. Đổi lại tôi tiết kiệm được 80% nước tưới, 40% phân thuốc, hàng trăm công lao động mà vẫn giữ được năng suất ổn định, chất lượng vượt trội. Bên cạnh cung cấp bơ cho các hệ thống siêu thị trong nước, sản phẩm bơ của nông trại còn được xuất sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và từng bước xuất sang EU, Nhật Bản” - anh Hoàng khẳng định.
Để nông dân đi trên con tàu chuyển đổi số của mình, đầu năm 2021, anh Hoàng và các cộng sự đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước với 16 thành viên. Trong vai trò Giám đốc HTX, từ hiệu quả thực tế của mình, anh Hoàng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên cũng như nông dân trong vùng.
“HTX có chức năng phổ cập sổ nhật ký điện tử vườn cho các thành viên, cũng như những nông dân, bạn trẻ tại địa phương có nhu cầu tiếp cận từ hệ thống số hóa dữ liệu, công nghệ, công cụ trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, HTX chủ động xây dựng chuỗi liên kết, kết nối nông dân với kênh thu mua cuối cùng nhằm giảm khâu trung gian, mang lại giá trị cũng như sự ổn định của nông sản” - anh Hoàng chia sẻ.
Với sự cố gắng, tâm huyết và nỗ lực không ngừng, năm 2022, anh Hoàng vinh dự đạt giải thưởng Nông dân Việt Nam xuất sắc của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và trong top 20 start-up tiêu biểu của Tuổi trẻ Start-up Award 2023.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()