Là một cực trong tam giác kinh tế tăng trưởng phía Bắc, Quảng Ninh có 250km bờ biển kéo dài với trên 6.000km2 diện tích mặt biển, nhiều cảng nước sâu ít bồi lắng; tỉnh còn nằm trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc, các tuyến vận tải biển kết nối quốc tế... Đây là những thuận lợi để Quảng Ninh phát huy thế mạnh cảng biển.
Định vị lợi thế
Quảng Ninh hiện có 6 cụm cảng đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng được Chính phủ phê duyệt danh mục phân loại (Quyết định số 70/2013/QĐ-TTg) thuộc nhóm I, là cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng, có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế... Hiện tuyến đường biển của Quảng Ninh đảm nhận khoảng 8,3% khối lượng vận chuyển hàng hóa và 11,3% khối lượng vận chuyển hành khách, chiếm 40,5% tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực phía Bắc.
Vị trí 6 cụm cảng của Quảng Ninh. |
Nổi bật, cụm cảng nước sâu Hòn Gai - Cái Lân nằm trong vùng vịnh kín, luồng vào cảng ít bị sa bồi, được xác định là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực, bao gồm khu bến tổng hợp container Cái Lân và các bến chuyên dùng vệ tinh. Từ năm 2004 đến nay, cảng Cái Lân mở rộng 2 lần, đầu tư đồng bộ với trang thiết bị hiện đại, có thể nói năng lực đứng đầu toàn quốc như: Cẩu bờ STS loại Panamax tầm với 17 hàng container; cẩu ERTG, độ rộng 7 hàng container; dịch vụ xếp dỡ hàng siêu trọng đến 100 tấn tại móc cẩu; xe khung nâng, xe chở container trong bãi… năng lực tiếp nhận tàu lên đến 80.000 tấn vào làm hàng.
Biểu đồ phân bố cảng biển và cảng thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. |
Bến khách Hòn Gai, nằm trong vịnh Hạ Long, sát cầu Bãi Cháy về hạ lưu đang được đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành trong tháng 6. Đây sẽ là cảng tàu khách quốc tế hiện đại và đẳng cấp với cầu dẫn dài 706m, rộng 11,5m; cầu cảng dài 511m, rộng 30m có thể tiếp nhận được tàu du lịch quốc tế lớn nhất hiện nay trên thế giới với sức chở 6.500 hành khách. Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu quy mô công suất lớn, có thể tiếp nhận 2.000 tàu du lịch, đang được khai thác theo mô hình "một điểm đến, nhiều tiện ích".
Ở cụm cảng Cẩm Phả là cảng chuyên dùng của ngành Than và các bến tổng hợp, container, phục vụ chủ yếu cho công nghiệp khai thác than và một số cơ sở công nghiệp tập trung khác trong khu vực. Trong đó, bến Cửa Ông có diện tích 20ha với 2 cầu bến liền bờ dài 550m, độ sâu trước bến 10,5m; hệ thống bến phao neo tại Hòn Nét độ sâu đạt 21m có khả năng tiếp nhận tàu 70.000 tấn.
Các cụm cảng khác như: Hải Hà, Vạn Gia, Khu Tiền Phong - Đầm Nhà Mạc cũng đang được đầu tư khá mạnh mẽ. Cảng Vạn Gia và Hải Hà là cảng tổng hợp có chức năng giao lưu bằng đường biển không chỉ cho riêng khu vực miền Đông của tỉnh mà còn là cửa ngõ giao thương với Trung Quốc. Khu Tiền Phong - Đầm Nhà Mạc đang được nghiên cứu đầu tư để xây dựng thành tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp với hệ thống cảng gồm 10 bến cho tàu 50.000 tấn, dịch vụ logistic trên diện tích hơn 1.000ha...
Kinh tế biển của Quảng Ninh có ưu thế cạnh tranh nổi trội so với các địa phương khác trong khu vực. Đồng thời, phù hợp với xu thế phát triển của vận tải hàng hoá đang được ưa chuộng hiện nay trên thế giới, đó là đường biển, để có hiệu quả kinh doanh cao nhất.
Cơ hội bứt phá
Định hướng đến năm 2020, Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp, vì vậy cảng biển được tỉnh xác định có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong xu thế vận tải đường biển của các hãng tàu biển trên thế giới hiện nay “đóng tàu to, vượt biển lớn”, Quảng Ninh sử dụng ưu thế là cảng nước sâu, luồng lạch thông thoáng để đẩy mạnh quảng bá, thu hút nguồn hàng bằng nhiều giải pháp cụ thể.
Thông điệp đưa ra là thực hiện miễn, giảm phí cơ sở hạ tầng cảng biển; thành lập bộ phận cải cách thủ tục hành chính thường trực tại các cảng; chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hãng tàu làm thủ tục thông quan hàng hóa...
Hạ tầng cảng Cái Lân. |
Thông điệp của Quảng Ninh phù hợp với nhu cầu thực tế của vận tải biển hiện nay, việc sử dụng tàu to sẽ tiết kiệm được chi phí vận tải, thời gian chờ đợi làm hàng do không phải chuyển tải hàng hóa tại cảng trung gian, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, đảm bảo chất lượng hàng hóa... Đây chính là thiện chí và quyết tâm dành ưu tiên cho phát triển dịch vụ cảng biển của tỉnh và đã được các hãng tàu, chủ hàng đánh giá cao.
Tàu HS BAFIN, sức chở 5.000 Teus, là tàu container đầu tiên cập Cảng Cái Lân trong tuyến tàu mới ACS. |
Từ những cách làm đó, thông điệp cởi mở và đầy tính cầu thị của Quảng Ninh đã nhanh chóng lan tỏa. Chỉ sau thời gian ngắn, những hãng tàu biển quốc tế đã quan tâm và hợp tác xây dựng các tuyến để làm hàng tại cảng của Quảng Ninh.
Điển hình, tháng 6/2017 cảng CICT đã công bố khai trương tuyến tàu mới ACS (liên minh giữa Hãng tàu Hyundai Merchant Marine và Gold Star Line), đón các tàu chở container cỡ lớn trên 5.000 Teus vào làm hàng mỗi tuần một chuyến theo tuyến Ấn Độ - Malaysia - Singapore - Cái Lân (Việt Nam) - Hàn Quốc - Trung Quốc và ngược lại.
Đây là sự kiện nổi bật thời điểm đó của cả hệ thống cảng biển khu vực phía Bắc, bởi lần đầu tiên cũng là cảng duy nhất miền Bắc, cảng Cái Lân tiếp nhận tàu container cỡ lớn lên đến hơn 5.000 Teus vào làm hàng. Sau một năm khai thác, đến nay có 169 chuyến tàu đều đặn qua cảng với sản lượng khai thác đạt 119.430 Teus.
Bản đồ tuyến tàu ACS kết nối các quốc gia trong hành trình. |
Những tiện ích của hạ tầng cảng Quảng Ninh bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ. Số lượng tàu đến cảng và chủng loại mặt hàng đều tăng so với trước đây. Như đầu tháng 5 vừa qua, tàu MV Dareen xuất phát từ Townsville (tiểu bang Queensland, Australia) lần đầu tiên đã cập cảng CICT, chở hơn 4.000 con bò thịt cho Công ty Phú Lâm chăn nuôi, phục hồi tại trang trại xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái để phân phối tới các trại nuôi và lò mổ liên kết khác. Theo lịch trình, mỗi tháng sẽ có một chuyến tàu quốc tế như vậy đến làm hàng tại cảng Cái Lân...
Tương tự, trong thời gian qua, tại các cụm cảng khác nhu cầu làm hàng cũng tăng đáng kể. Theo thống kê từ Cơ quan Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, năm 2017 sản lượng hàng hóa thông quan đạt 86,5 triệu tấn, đã có 16.392 lượt tàu biển và 98.041 lượt hành khách đến với Quảng Ninh qua các cảng.
Những tín hiệu tích cực này là cơ hội mới để Quảng Ninh tiếp tục nâng tầm kinh tế từ cảng biển, phù hợp với quy hoạch tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp.
Đỗ Phương
Bài 2: Kịch bản mới cho Quảng Ninh
Ý kiến ()