4
18
/
957529
Bài 2: Nơi đảo là nhà…
longform
Bài 2: Nơi đảo là nhà…

 

 

Nếu đảo chìm ở Trường Sa được ví như những “pháo đài” trên biển, thì đảo nổi lại giống một làng quê quen thuộc, mang lại cảm giác yên bình, thân quen. Đến đảo vào những ngày tháng 5, cảm nhận rõ sức sống nơi đây đang căng tràn, càng khiến chúng tôi thêm tin yêu và tự hào về quê hương mình hơn.

Trong chuyến hải trình 9 ngày, chúng tôi đi qua 8 điểm đảo thì có đến 5 đảo chìm. Nhìn từ xa, những đảo chìm Đá Thị, Đá Lớn A, Tốc Tan… như ngọn hải đăng giữa sóng biển Trường Sa. Các đảo có kiến trúc khá giống nhau. Từ cầu cảng, nơi cập xuồng và canô, đến bia chủ quyền, khu nhà bếp, phòng ở, hội trường... đều được xây dựng kiên cố. Hiện các đảo đã được trang bị hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời, một số đảo có máy lọc nước biển để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt thiết yếu cho các chiến sĩ. 

Điểm đảo đầu tiên trong hải trình của chúng tôi là đảo Đá Thị, hay còn có tên gọi khác là đảo Núi Thị. Khi đặt chân lên đảo, sức sống mãnh liệt nơi đây khiến ai cũng phải ngỡ ngàng. Nơi sắt thép, bê tông quanh năm trần mình cùng sóng gió, bão biển, vẫn hiện lên những ô vuông rau xanh mát, mơn mởn. Rau được các chiến sĩ trồng trong thùng xốp hay thùng nhựa chắc chắn, rào cẩn thận bằng tấm gỗ lớn, mái tôn và lưới. Vườn rau với đủ loại từ rau muống, mùng tơi, rau cải đến cả rau gia vị như húng, gừng, xả, bạc hà...

Nhưng để có những vườn rau như vậy không hề dễ dàng. Đại úy Trần Như Hùng, chính trị viên đảo Đá Lớn kể với chúng tôi: “Ở đây, gió xoay theo mùa và có thể đổi chiều trong ngày, vì vậy chúng tôi làm vườn theo hình lục giác, đặt ở nơi kín gió để tránh hơi nước biển mặn. Đất màu đã quý, rau với chiến sĩ còn quý hơn vàng, vì thế, nhiều khi chúng tôi phải thường xuyên di chuyển các vườn rau hay gọi vui là “chạy rau”, chăm tưới hàng ngày để đảm bảo rau luôn xanh tốt. Đây cũng được coi là một nhiệm vụ quan trọng đối với chiến sĩ. Có những lúc thiếu nước ngọt, chiến sĩ có thể không tắm nhưng rau nhất định phải tưới bằng mọi cách”.

Trồng rau, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng ở đảo chìm như Đá Lớn A, Tốc Tan, Phan Vinh B, Đá Đông C, nơi tấc đất quý hơn vàng thì đó là sự kỳ công. Màu xanh của vuông rau, sắc thắm của những bông hoa mười giờ, hoa giấy khiến tôi nhớ đến câu hát “Đảo vẫn hiên ngang giữa muôn trùng sóng/Có sức người đảo bắt sóng vẽ hoa” trong bài “Sức sống Trường Sa”. Không chỉ trồng rau, chăm hoa, các chiến sĩ còn tận dụng những khu đất trống để làm chuồng nuôi gà, chuồng lợn.

 

Nghe thấy bảo có đàn lợn trên đảo, ai nấy trong đoàn phải ra xem bằng được. Lần đầu tiên nhìn thấy những chú lợn đen ục ịch, béo núc nằm quay tròn vì no bụng khiến các thành viên trong đoàn không khỏi thích thú. Ở đảo Phan Vinh B, chúng tôi còn được ngắm đàn vịt... chạy sóng. Gần hai mươi con vịt, trở thành “quân số đặc biệt” của đảo. Việc tăng gia sản xuất, không chỉ cải thiện bữa ăn hằng ngày, mà còn giúp các anh cảm thấy được gần gũi hơn với đất liền, vơi bớt đi nỗi nhớ nhà. Từ đó, quyết tâm chắc tay súng gìn giữ biển đảo thiêng liêng.

Đến thăm các đảo chìm mới thấy, đảo càng chìm sâu dưới nước bao nhiêu, thì ý chí, khát vọng và lòng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ càng cao bấy nhiêu. Ở đảo nổi đã khó khăn, đảo chìm còn khắc nghiệt hơn rất nhiều. Nếu đã từng đọc tác phẩm “Đảo chìm” của nhà văn Trần Đăng Khoa, có lẽ mỗi người sẽ tìm thấy một sự rung cảm, khâm phục và biết ơn đặc biệt dành cho những người lính đảo. Trong câu chuyện của Trần Đăng Khoa, ông kể rất chân thực, những khó khăn như con sóng to khi biển động chỉ trực đánh sập căn cứ, cơn khát thiếu nước ngọt, về tình đồng đội giữa những người lính trên biển, và cả sự hi sinh quên mình vì Tổ quốc... Như chia sẻ của tác giả Trần Đăng Khoa khi ra mắt “Đảo chìm”, “Ra Trường Sa, tôi mới hiểu tại sao nước biển lại mặn...”, cái mặn ấy không chỉ mang tính chất vật lý mà nó chứa đựng mồ hôi, nước mắt và cả máu những người chiến sĩ. Hành trình đến với Trường Sa đã cho tôi và các thành viên trên tàu nhiều trải nghiệm, cảm xúc mạnh mẽ như vậy.

 

Trong hải trình, chúng tôi được ghé thăm 3 đảo nổi: Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa lớn. Ngay ngày đầu tiên đến quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã được thăm đảo Nam Yết. Nam Yết được mệnh danh là đảo ngọc, xanh nhất Trường Sa với hệ thực vật phong phú, cây trái và rau xanh đủ loại gần giống như ở đất liền…. Bước chân lên đảo, đón chúng tôi là hàng cây xanh ngắt, tươi tốt đổ bóng mát dọc tuyến đường chính dẫn từ cầu cảng vào khu vực trung tâm khiến các thành viên trong đoàn ai nấy đều trầm trồ, thích thú. Cảm giác bước trên những con đường bê tông nhỏ rợp bóng cây và hoa trên hòn đảo rộng 10ha này giống như ở trong một công viên sinh thái, xua đi cái nắng gió gay gắt ngoài kia.

Nam Yết còn có biệt danh là “đảo dừa” vì trên đảo hiện có trên 500 cây dừa, chiếm tới hơn 2/3 diện tích của đảo. Dọc các đường đi lối lại trên đảo, dừa đứng thành từng hàng thẳng tắp, nhiều cây sống lâu thân to, sần sùi và cao chót vót. Dừa không chỉ giúp phủ xanh đảo, giữ đất, mà còn là món ăn trong các dịp đặc biệt. Bên cạnh đó, trên đảo cũng có nhiều loại cây khác được nhân giống và trồng phổ biến như: Đu đủ, chuối, ổi, dưa chuột, bầu, bí, mướp, rau muống, mùng tơi…, góp phần cải thiện bữa ăn hằng ngày cho cán bộ, chiến sĩ. Được biết, việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh, tăng gia sản xuất đã trở thành một tiêu chí thi đua của đơn vị. Khí hậu trên đảo khắc nghiệt, dưới lòng đất không có nước ngọt nên để có thảm thực vật phong phú, đa dạng như hiện nay, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã phải dày công trồng và chăm sóc từng cây non. Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn thể hiện tình yêu của người lính đảo với thiên nhiên, với từng tấc đất giữa trùng khơi nơi đầu sóng…

Đến thăm đảo Sinh Tồn, từ trên tàu, chúng tôi đã thấy một hòn đảo rộng lớn, được phủ kín cây xanh. “Sinh Tồn nghĩa là trời đất sinh ra để trường tồn cùng thời gian”. Câu nói từ đài phát thanh trên tàu vẫn văng vẳng trong đầu tôi.

Vừa đón và dẫn đoàn đi tham quan đảo, Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn vừa giới thiệu với chúng tôi: Đảo Sinh Tồn có diện tích khoảng 12ha. Trên đảo có nhiều công trình dân sinh như chùa, trường học, nhà văn hóa, nhà ở, nơi làm việc, âu tàu... được xây dựng khang trang, vững chắc. Đặc biệt, đảo được đầu tư xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hệ thống điện thoại, nhà kính trồng rau, góp phần nâng cao đời sống, như đưa đảo về gần với đất liền hơn. Nhờ vậy, đảo giống như một bức thành đồng trong hệ thống phòng thủ giữa biển Đông, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đảo Sinh Tồn không có giếng nước ngọt. Tuy nhiên, hiện nay, đảo đã có các bể ngầm nên nước ngọt phục vụ sinh hoạt hàng ngày đảm bảo đến mức tối thiểu cho dân và bộ đội. Từ đảo đá cằn cỗi năm xưa, Sinh Tồn nay đã xanh mướt một màu bởi mồ hôi công sức của bao lớp thế hệ cán bộ chiến sĩ và người dân nơi đây.

 

Một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất của chúng tôi khi lên đảo Sinh Tồn là được đón mưa. Chỉ một tiếng sau khi lên đảo, trời bắt đầu tối sầm lại, gió thổi mỗi lúc một mạnh hơn. Cây cối xao xác như hò reo chuẩn bị đón mưa. Quả nhiên, 10 phút sau, bắt đầu chỉ vài giọt, mưa rơi lộp bộp rồi đổ ào xuống đảo. Sân bê tông đang nóng rực, khô cong bỗng chốc ngập nước. Mưa mỗi lúc một to khiến ai nấy đều háo hức. Chúng tôi có lẽ là những người may mắn khi được ngắm nhìn cơn mưa đầu tiên trên đảo sau gần 6 tháng. Nhìn những tán cây xanh biếc trĩu mình, vườn rau, giàn mướp như tươi tốt, tràn đầy sức sống hơn. Cảm giác hân hoan, vui lây với niềm vui của người dân, chiến sĩ nơi đây.

Đến thăm mỗi đảo, cảm giác bước chân trên mảnh đất quê hương nơi đầu sóng ngọn gió để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc. Đó là niềm tự hào, khâm phục trước những người lính đã và đang ngày đêm bảo vệ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, khi đến với đảo Trường Sa lớn, chưa bao giờ, tôi cảm nhận tình yêu quê hương đất nước lại dâng trào mãnh liệt như vậy…

Bài 3: Trường Sa – “Thủ đô” giữa trùng khơi

Hoàng Quỳnh -Lý Cường

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu