Mỗi nhà nghiên cứu nhìn văn hóa Quảng Ninh ở một khía cạnh, một giai đoạn khác nhau nhưng gần như đều đi đến một điểm chung thống nhất về sự đa dạng, phong phú và đặc sắc. Do vậy, văn hóa Quảng Ninh qua con mắt các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa, lịch sử đều đa sắc màu, hấp dẫn và gọi mời sự tìm hiểu, khám phá. 

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:

“Đất và người, lịch sử và văn hoá của Quảng Ninh hết sức đặc biệt”

Quảng Ninh là nơi đi đầu, khai mở phát triển mạnh mẽ nhất về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, giữ vững chủ quyền quốc gia lãnh thổ, lãnh hải. Quảng Ninh là nơi hội tụ sức sống của cả nước, làm nên chiến thắng Bạch Đằng, trở thành biểu tượng cao nhất của truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc. Trận Bạch Đằng năm 1288 được các chuyên gia nghiên cứu khá nhiều. Theo nghiên cứu của tôi, chiến dịch này kéo dài từ Phả Lại đến tận cửa sông Bạch Đằng nhưng có 3 trung tâm lớn. Thứ nhất là khu vực thị xã Đông Triều hiện nay có thể mở rộng sang phía Kinh Môn. Đây là chỉ huy sở đầu tiên của hai vua Trần. Nó là không gian rất quan trọng và ở vào trung tâm của TX Đông Triều hiện nay. Không gian thứ hai cũng là chỉ huy sở của vua Trần chính là Thiên Long Uyển xã Yên Đức, TX Đông Triều. Không gian này vừa là bảo vệ cho lực lượng cho trận địa quyết chiến mà chúng ta đang bố trí sẵn ở sông Bạch Đằng. Không gian quan trọng nhất và cuối cùng là không gian quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng.

Những cột, cọc gỗ tìm thấy ở Thiên Long Uyển, xã Yên Đức, TX Đông Triều, có niên đại 2.300 năm.

Những cột, cọc gỗ tìm thấy ở Thiên Long Uyển, xã Yên Đức, TX Đông Triều, có niên đại 2.300 năm.

Các nguồn tư liệu đều xác nhận Quảng Ninh là vùng đất địa linh nhân kiệt có vị trí chiến lược đời đời bảo vệ chở che cho toàn bộ vùng trung tâm đất nước này lại chính là quê hương đầu tiên của nhà Trần, nơi nhà Trần xây dựng thành khu thánh địa, trung tâm Phật giáo, trung tâm văn hóa tâm linh lớn nhất đất nước. Nơi đây luôn giữ được độ an toàn cần thiết nên việc huy động cao độ các nguồn lực vật chất và tinh thần tại chỗ cho trận quyết chiến chiến lược tại vùng sông Bạch Đằng cận kề là điều đương nhiên.

Quảng Ninh là nơi vua Lê Thánh Tông đã đẩy truyền thống giữ vững từng thước núi, từng tấc biển của Tổ quốc lên đỉnh cao nhất của thời quân chủ, mà dấu ấn sâu đậm nhất, ngời sáng nhất là tuyên ngôn qua bài thơ được khắc trên vách núi Truyền Đăng “giữ cho muôn thuở Trời Nam núi sông còn mãi” (Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại). Vị trí của biển đảo Quảng Ninh càng ngày càng trở nên đặc biệt trọng yếu khi nơi đây trở thành tuyến đầu đối mặt với tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược, các chiến dịch nô dịch và đồng hoá xuất phát từ phương Bắc. Đến giữa thế kỷ XII, dưới vương triều Lý Anh Tông, nhà Lý đã có cả một chiến lược biển đảo hoàn chỉnh với việc xây dựng hành dinh trại Yên Hưng tại khu vực TX Quảng Yên năm 1147 và thương cảng Vân Đồn ở huyện đảo Vân Đồn vào năm 1149. Hành dinh trại Yên Hưng là cơ quan của triều đình có nhiệm vụ quản lý cửa biển yết hầu của kinh đô Thăng Long và toàn bộ các vùng biển đảo của quốc gia Đại Việt, còn thương cảng Vân Đồn là cửa ngõ giao thương quốc tế chính thức và quan trọng nhất không chỉ của nhà Lý, mà của các vương triều Trần, Lê về sau.

Quảng Ninh là nơi sinh thành giai cấp công nhân Việt Nam, nơi khởi nguồn của các phong trào đấu tranh cách mạng và xây dựng quê hương đất nước mạnh giàu. Quảng Ninh còn là điểm đến của cả nhân loại với kỳ quan Vịnh Hạ Long, là nơi được cả thế giới ngưỡng vọng ở tinh thần hoà giải và yêu thương của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đất và người, lịch sử và văn hoá của Quảng Ninh thật hết sức đặc biệt. Dấu tích văn hoá Hạ Long thuộc Hậu kỳ thời đại Đồ Đá mới là văn hoá hết sức đặc trưng của cư dân khai thác biển. Văn hoá Hạ Long đồng thời là một dòng văn hoá bản địa góp phần tạo thành nền văn minh Việt cổ và tô đậm thêm yếu tố biển của nền văn minh của thời đại dựng nước đầu tiên của Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam:

Yên Tử là tập hợp được rất nhiều giá trị văn hóa của Quảng Ninh, có sự kết nối giữa các nơi để thành một không gian văn hóa tâm linh hết sức hấp dẫn”


Vấn đề không gian văn hóa có tính tổng hợp, bao quát và đa dạng của nó. Khi đề cập đến không gian văn hóa Yên Tử chúng ta sẽ lấy dãy Yên Tử làm xương sống để tập hợp tất cả các giá trị văn hóa xung quanh nó của cả 3 tỉnh: Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh. Như vậy rất phù hợp với mục đích là dùng văn hóa để kết nối các khu vực địa lý và các cộng đồng dân cư khác nhau liên quan đến nó, tôn trọng sự đa dạng văn hóa của từng địa phương. Trong những nội dung kể trên thì chỉ riêng di sản văn hóa phi vật thể đã đa dạng và phong phú chưa kể đến các di sản vật thể và danh thắng khác.

Ở đây, tôi chỉ xin dừng lại ở một loại hình để thấy được sự phong phú của không gian văn hóa Yên Tử đó là lễ hội dân gian. Theo không gian của dãy Yên Tử thì lễ hội dân gian trong khu vực này không chỉ thuộc khu vực Yên Tử mà còn là một hệ thống chuỗi lễ hội suốt dãy Yên Tử trải qua các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh. Vì thế, lễ hội dân gian cũng như các loại hình khác không dừng lại ở một điểm mà trải rộng trên một không gian lớn và có sự kết nối giữa các nơi để thành một không gian văn hóa tâm linh hết sức hấp dẫn. Hơn nữa, các lễ hội này không phải chỉ là những lễ hội tôn giáo đơn thuần như hành hương về nơi đất Phật mà là rất nhiều lễ hội dân gian diễn ra xung quanh khu vực này để tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng hấp dẫn và linh thiêng lôi kéo người hành hương khắp mọi miền đất nước. Có thể bắt đầu từ Côn Sơn - Kiếp Bạc của Hải Dương sang Đông Triều, Uông Bí kéo dài tiếp qua các địa phương của Quảng Ninh. Còn có cả một phần phía Tây đó là Tây Yên Tử của Bắc Giang cũng kết nối với các khu vực khác của Bắc Giang giống như phía Hải Dương và Quảng Ninh.

Riêng ở Quảng Ninh có thể điểm ra các lễ hội như: Lễ hội đền An Sinh, lễ hội của các làng ven dãy Yên Tử, lễ hội chùa Ba Vàng. Kết nối với các lễ hội theo dãy Yên Tử là nhiều lễ hội khác liên quan đến nhà Trần trên đất Quảng Ninh như: Lễ hội Bạch Đằng, lễ hội chùa Long Tiên, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội chùa Cái Bầu v.v.. Như vậy, ở khía cạnh không gian văn hóa nói chung hay không gian văn hóa tâm linh nói riêng thì Yên Tử là tập hợp được rất nhiều giá trị văn hóa của Quảng Ninh nói riêng, của các địa phương khác liên quan đến khu vực Yên Tử nói chung.

Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á:

"Vùng sông nước Bạch Đằng từng có những hoạt động giao thương quốc tế dựa trên một nền tảng kinh tế, văn hóa, xã hội rất phát triển"

Hiện nay, chỗ Bảo tàng tiền sử của chúng tôi có 20 chiếc thuyền cổ vớt được trên sông Kinh Thầy có liên quan đến bến bãi, chợ trên sông. Với những bằng chứng hết sức quý giá mà bây giờ chúng ta đã có được, cho thấy trên vùng sông nước Bạch Đằng từng có những hoạt động giao thương dựa trên một nền tảng kinh tế, văn hóa, xã hội rất phát triển trước trận Bạch Đằng khoảng hơn 1.000 năm. Phát hiện của chúng tôi trên sông Kinh Thầy là 7 cái cột gần như còn nguyên. Đó không phải là cột nhà mà dường như chỉ để làm cọc bến. Chúng đã được nghiên cứu đồng vị phóng xạ và xác định niên đại ngang với niên đại của văn hoá Đông Sơn. Các cọc gỗ phát hiện ở Cao Quỳ (Hải Phòng) phải nói là rất giống với cột, cọc gỗ tìm thấy ở Thiên Long Uyển, có niên đại 2.300 năm. Đồng thời, nó cũng mở ra cho chúng ta một hệ thống tư liệu mới dường như đến từ một nền văn hóa còn cổ xưa hơn thời của trận Bạch Đằng năm 1288, đó là dấu tích liên quan đến văn hóa Đông Sơn, chứng tỏ rằng ở đây đã có một thời kỳ rất sầm uất mà niên đại của nó rơi vào thời kỳ Âu Lạc.

Tiến sĩ Nguyễn Việt đã dày công sưu tầm nghiên cứu những hiện vật liên quan đến Bạch Đằng.

Tiến sĩ Nguyễn Việt đã dày công sưu tầm nghiên cứu những hiện vật liên quan đến Bạch Đằng.

Từ những gì nghiên cứu, tôi muốn hệ thống hóa lại mật độ dân cư, sự trù mật của vùng đất này thời kỳ Âu Lạc. Chính nó là nền tảng để sinh ra cả một thời kỳ giao thương sầm uất của Giao Chỉ. Khu vực này còn có hàng ngàn mộ Hán của những người rất giàu có. Số lượng mộ táng cả thân cây khoét rộng bó mành, mộ cũi, mộ gạch tập trung ở vùng Đông Triều và Quảng Yên không phải là vựa lúa này đã lên con số hàng ngàn. Trong đó, có rất nhiều mộ của người giàu có đã phản ánh và ghi nhận hiện tượng cửa ngõ của một trung tâm thương mại quốc tế này. Thực tế, tuyến giao thương ven biển giữa vùng đất phía Đông Nam Trung Quốc với nước ta đã có từ lâu, tạo thành một vùng văn hóa tiền sử chung, thấy khá rõ từ thời biển tiến. Từ cuối thời kỳ Chiến Quốc đầu Tần Hán, vùng này mới phát triển sôi động nhờ làn sóng chạy loạn và di dân từ các vùng Sở, Ngô, Việt ở Trường Giang xuống. Khi Giao Châu trở thành một điểm đi và đến của con đường tơ lụa trên biển khoảng trước Công nguyên thì cửa Bạch Đằng và tuyến đường thủy, đường bộ đi sâu vào Giao Chỉ phải là tuyến thương mại chính của cả vùng. Đây là một khu vực cảng có tính chất cổ họng của đất nước. Không chỉ là cổ họng chống xâm lược mà còn là cổ họng của hoạt động giao thương. Theo thời gian, chúng ta càng có thêm bằng chứng để chứng tỏ sự sầm uất của nơi này trước khi trận Bạch Đằng diễn ra khá lâu. Vai trò quan trọng của cửa sông Bạch Đằng như một trung tâm thương mại vùng từ 4.000 năm trước và bùng phát vào thời Âu Lạc, Nam Việt, Giao Châu, thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển, thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội:

“Vùng biển đảo Quảng Ninh rất độc đáo, chứa đựng những giá trị di sản tầm quốc gia và toàn cầu”

Thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh Quảng Ninh một vịnh Hạ Long với khoảng 2.400 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm cả phần vịnh Bái Tử Long ở phía bắc và quần đảo Long Châu phía nam Cát Bà thuộc TP Hải Phòng. Quần thể này là di sản thiên nhiên độc đáo, đặc hữu hiếm thấy trên thế giới, mà vịnh Hạ Long là tâm điểm, với các giá trị di sản ngoại hạng cấp toàn cầu và quốc gia. Ông cha ta đã nói đơn giản rằng những thứ gọi là di sản chính là “của để đời” mà thiên nhiên và nhân loại gửi gắm cho nhân dân Quảng Ninh thay mặt gìn giữ, phát huy giá trị đích thực và vốn có của nó cho muôn đời sau. Nhận thức đúng như vậy, Quảng Ninh có quyền kiêu hãnh, tự hào về vùng đất, vùng biển quê hương mình, bên cạnh đó cũng phải ý thức rõ về trách nhiệm toàn cầu với “viên ngọc xanh” trên nền biển bạc này.

Vịnh Hạ Long sở hữu những giá trị ngoại hạng toàn cầu - là kết quả của quá trình karst diễn ra hàng triệu năm trong một vùng đá vôi tuổi Carbon-Pecmi. Quá trình đó vẫn âm ỷ diễn ra hiện nay và “bàn tay tạo hóa” đã để lại cho vùng biển vịnh Hạ Long một cảnh quan sơn thủy hữu tình, một phong cảnh thiên nhiên kỳ thú của khoảng 1969 hòn đảo đá vôi lớn nhỏ, muôn hình vạn trạng. Vịnh cũng chứa đựng: Mức độ đa dạng cao của các thực thể địa chất khác nhau; tính mỹ học với các cảnh quan nổi và ngầm dưới đáy biển đẹp lung linh; sự kỳ vĩ, độc đáo và đặc sắc của một quần thể đảo đá vôi với các dấu vết của nhiều hóa thạch động thực vật còn hằn trên vách đá, trong các hang động karst; các giá trị sinh thái và đa dạng sinh học tự nhiên đặc biệt của một vùng karst hóa bị ngập chìm dưới biển theo tiêu chí của Công ước Đa dạng sinh học.

Vùng biển đảo này rất độc đáo, chứa đựng những giá trị di sản tầm quốc gia và toàn cầu. Vùng biển từ Vịnh Hạ Long nối với quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) có một quần thể đảo đá vôi độc nhất vô nhị trên thế giới. Các giá trị của vùng biển đảo Quảng Ninh cung cấp tiềm năng bảo tồn biển rất cao và tạo tiền đề, lợi thế cho phát triển các ngành kinh tế biển, trước hết là các lĩnh vực kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên, như du lịch, thuỷ sản, các dịch vụ giải trí đi kèm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Huy, Trưởng Phòng Nghiên cứu hải đảo, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam:

"Những yếu tố văn hóa biển với yếu tố hải đảo tạo nên sự đa dạng trong thống nhất của văn hóa Quảng Ninh"

Quảng Ninh nằm trong không gian lịch sử và văn hóa của cả các vùng lục địa Nam Trung Hoa, Đông Bắc Lào, Bắc Bộ của Việt Nam và ra tới biển Đông. Cư dân vùng biển Đông Bắc Quảng Ninh là nét "gạch nối" trong quá trình phát triển từ đất liền tiến ra biển. Ngoài những cư dân ra biển do áp lực dân số ở đồng bằng thì có không ít người ra biển với mục đích trấn giữ biên ải của Tổ quốc. Lâu dần, họ trở thành người chính gốc ở đây, sinh cơ lập nghiệp và phát triển cho đến tận bây giờ. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong đời sống sinh hoạt gắn với môi trường biển đảo, những chủ nhân của văn hóa biển đảo Đông Bắc đã sáng tạo ra nhiều giá trị quý giá. Đó là những thói quen, hành vi ứng xử, cung cách sinh hoạt thể hiện trong chuyện ăn mặc, đi lại thích ứng với môi trường biển đảo, những phong tục tập quán gắn với môi trường sinh thái xung quanh. Đối với các làng biển, ngư dân xây nhà không cao nhưng vững chãi để chống chọi với gió bão. Trong các thị tứ đã hình thành các dãy nhà cao tầng, tạo nên dãy phố hòa hợp với thiên nhiên. Về phong tục tập quán, ngư dân các làng chài còn lưu giữ lối hát chèo đường, hát cưới, hát đúm thay cho những lời giao đãi. Về văn hóa ẩm thực, vùng biển đảo Đông Bắc vừa có chất ăn sóng nói gió, lại vừa có cái tinh tế thanh cao của người miền Bắc, lại cũng cầu kỳ hình thức kiểu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Khí chất của con người miền biển Quảng Ninh đa số đều mạnh mẽ, chất phác, chịu khó, luôn đoàn kết cùng nhau chống chọi lại thiên tai bão gió để xây dựng làng biển.

Đồng thời, do sinh sống trong môi trường biển nên người dân ở đây đã tích lũy được những tri thức dân gian phong phú về biển. Điều này đã được bao đời trải nghiệm đúc kết và còn tiếp tục làm giàu có, phong phú thêm. Đời sống văn hóa của người dân cũng đã tạo nên một diện mạo văn hóa riêng của mình nhưng cũng nằm trong dòng chảy văn hóa dân tộc Việt. Diện mạo riêng ấy được định hình bởi những yếu tố địa lý đặc thù và môi trường văn hóa. Chính những yếu tố văn hóa biển với yếu tố hải đảo tạo nên sự đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Ngày xuất bản: 3/8/2023
Thực hiện: Phạm Học
Trình bày: Vũ Đức