
Từ năm 2012 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 11 lần quyết định công nhận 265 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia. Mỗi bảo vật quốc gia là một di sản quý giá chứa đựng những thông điệp của quá khứ, tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, phản ánh lịch sử văn hóa lâu đời, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong đó, Quảng Ninh có 13 bảo vật quốc gia được công nhận, là những di sản có một không hai trên đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Tự hào những bảo vật quốc gia
13 bảo vật quốc gia ở Quảng Ninh là tài sản văn hoá vô giá, sự hội tụ những tinh hoa văn hóa dân tộc, được lưu giữ từ bao đời nay, đã và được tỉnh gìn giữ, phát huy giá trị. Đó là những bảo vật gồm: Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử, trống đồng Quảng Chính, bình gốm Đầu Rằm, thống đồng thời Trần, mâm bồng gốm thời Lê sơ, bình gốm hoa sen, bình gốm hoa nâu Kinnari, thạp gốm hoa nâu, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông niên đại thế kỷ 17, thạp đồng Đông Sơn, thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần, thạp gốm hoa nâu thời Trần và bình gốm men vẽ nhiều màu thời Lê sơ.

Những bảo vật này cũng chính là những dấu tích văn hóa người xưa để lại trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Trong đó, để lại dấu ấn đậm nhất là nhà Trần, triều đại có nhiều đóng góp nhất trong lịch sử nước ta, cả về những chiến tích đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, cho đến thành quả trong xây dựng đất nước, phát triển văn hóa, tôn giáo. Di sản văn hóa thời Trần trên đất Quảng Ninh có 2 bảo vật quốc gia là hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử và thống đồng thời Trần. Trong đó, hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử hay còn gọi là hộp vàng hình Hoa Sen, được xác định niên đại nửa đầu thế kỷ 14, là một di vật quan trọng liên quan đến hoàng gia hoặc nghi lễ tôn giáo tôn nghiêm.
Một bảo vật quốc gia nữa cũng có niên đại thời Trần (vào thế kỷ 13-14) tại Quảng Ninh là chiếc thống đồng, một bảo vật có giá trị lớn về mặt lịch sử. Thống còn nguyên vẹn cả hình dáng và hoa văn, nặng 15 kg, cao 37 cm, đường kính miệng 42,5 – 43,5 cm, đường kính thân 45 cm, đường kính đáy 37,5 cm. Thống có các loại hoa văn trang trí của văn hóa nhà Trần như: Hoa sen, hoa chanh, hoa cúc và là sự kế thừa và tiếp biến văn hóa của nhiều thời kỳ. Thống đồng thời Trần là vật dụng lễ khí (tế khí) trong các hoạt động nghi lễ (tế lễ) của đời sống cung đình (miếu, đường) thời Trần.
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông có niên đại thế kỷ 17, hiện được thờ trong tháp Huệ Quang, Yên Tử (TP Uông Bí). Tượng gồm hai phần, bệ và thân tượng, cao tổng thể 83,8 cm, đầu rộng 13,5 cm, đế rộng 59 cm. Hai phần này được tạo tác riêng biệt sau đó gắn nối với nhau bằng hệ thống mộng. Pho tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được tạc thủ công, bằng đá xanh, có cùng nguồn gốc, thành phần khoáng vật và hoá học với loại đá xanh xây tháp thời Trần. Tuy vậy, tượng không phải được tạo tác từ thời Trần mà là thời Lê Trung Hưng. Đây là một điển hình mẫu mực trong nghệ thuật điêu khắc tượng Phật Đại Việt thế kỷ 17.
Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần có niên đại vào thế kỷ 13. Với đường kính hơn 1m, cao hơn 70cm và nặng tới 126kg, thống gốm có kích thước lớn nhất trong toàn bộ hệ thống đồ gốm gia dụng và đồ gốm nghi lễ Việt Nam thời kỳ phong kiến. Thống có hoa văn trang trí được tạo tác tỉ mỉ, nhất là hoa văn 8 con rồng, có thể nhận định đây là đồ dùng của tầng lớp quý tộc hoặc đồ lễ khí trong các hoạt động nghi lễ của đời sống cung đình hay tôn giáo thời Trần.
Còn nguyên vẹn nhưng có kích thước nhỏ hơn thống gốm, thạp gốm hoa nâu thời Trần với hoa văn trang trí đặc trưng là một di vật hiếm gặp và có giá trị tiêu biểu nhất của loại hình gốm hoa nâu thời Trần. Thạp có miệng loe, mép miệng nhọn, vai gãy ngang trang trí cánh sen kép đắp nổi thành dải, được khắc thủ công. Thân thạp được tạo tác nhiều lớp hoa văn trang trí khác nhau. Đây là tác phẩm nghệ thuật quý hiếm bằng gốm men còn tồn tại đến ngày nay với chức năng là vật dụng tế khí trong các nghi lễ của đời sống cung đình và tín ngưỡng tôn giáo dân gian, đồng thời hàm chứa các giá trị văn hóa đương thời.
Cùng với đó, trống đồng Quảng Chính là bảo vật quốc gia là hiện vật minh chứng thời kỳ văn hóa Đông Sơn ở Quảng Ninh. Trống nặng 12,7 kg, cao 31 cm, đường kính mặt 40 cm, đường kính đáy 54 cm, còn tương đối nguyên vẹn, mặt bị thủng một lỗ nhỏ. Trống đồng không chỉ là nhạc khí mà còn có những chức năng khác như biểu tượng cho quyền lực tôn giáo, được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, lễ hội và chiến tranh chống giặc ngoại xâm.
Thạp đồng Đông Sơn cũng là một hiện vật bản sắc của văn hóa Đông Sơn, có niên đại thế kỷ 3 đến thế kỷ 2 trước Công nguyên. Thạp có những nét riêng độc đáo, đó là toàn bộ thân và nắp thạp được đúc bằng kỹ thuật dùng khuôn sáp nóng chảy - một kỹ thuật đòi hỏi sự tích lũy kinh nghiệm lâu dài, thành thạo trong kỹ năng và chuẩn xác. Đây cũng là thạp đầu tiên có hình tượng khỉ trên nắp với 4 khối tượng khỉ quay mặt về 4 hướng khác nhau. Các hoa văn tả thực hình người, chim, thú, sinh vật biển rất sinh động. Hình tượng các động vật biển trên thạp đã góp phần chứng minh yếu tố biển đậm nét trong văn hóa Đông Sơn tại Quảng Ninh.
Trong các bảo vật của Quảng Ninh, có nhiều cổ vật gốm. Bình gốm Hoàng Tân có niên đại văn hóa Phùng Nguyên muộn, cách đây hơn 3.000 năm. Bình nặng 1 kg, cao 25,3 cm, chia làm ba phần: miệng đường kính 6,5 cm, vai bình cao 2,3 cm; thân bình cao 16,2 cm; chân đế bình hình vuông. Bình gốm là vật dụng cao quý, được sử dụng trong các nghi lễ của người Phùng Nguyên vùng đất tổ, của cư dân thời đại kim khí ở Đầu Rằm.
Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu có niên đại thời Lê sơ, thế kỷ 15 được chế tạo bởi đất sét trắng có hàm lượng cao lanh cao, nặng 5,5 kg, cao 27 cm. Các dải băng hoa văn, đồ án hoa văn chủ yếu được sử dụng trang trí mâm bồng như: Cá chép hóa rồng, linh thú, cánh sen, long mã, nhân vật… Căn cứ vào hình dáng, hoa văn trang trí và kích thước, các nhà nghiên cứu đoán định mâm bồng có thể là đồ dành cho vua, quan dùng trong hoàng cung có tính chất cao quý và là vật dụng được sử dụng trong các nghi lễ thờ cúng.
Bình gốm hoa sen có niên đại dưới thời Lý, thế kỷ 11-12. Bình gốm nặng 6,6 kg, cao 24,2cm, rộng 32 cm, đường kính miệng 14 cm, đường kính đáy 15,8 cm. Căn cứ vào hình dáng, hoa văn trang trí và kích thước, bình gốm hoa sen được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng.

Bình gốm hoa nâu Kinnari có niên đại thời Lý, thế kỷ 11-12, cao 12,1 cm, rộng trước sau 14 cm, chiều rộng hai bên 7,6 cm thân dày trung bình 0,5 - 0,7 cm… Bình có dáng quả đào, thành cong khum, gờ miệng sau loe. Thân phình rộng, đáy thót nhỏ. Phần vòi tạo hình tượng đầu người mình chim ôm vòi là hình dáng đặc biệt hiếm có của loại hình bình gốm hoa nâu thời Lý đã phát hiện ở miền Bắc Việt Nam. Bình gốm hoa nâu Kinnari là đồ dùng của tầng lớp quyền quý, hoặc là đồ lễ khí (tế khí) của đời sống cung đình (miếu, đường) hoặc đời sống tôn giáo.
Thạp gốm hoa nâu có niên đại thời Lý, thế kỷ 11 – 12 nặng 9,3 kg, cao 35,5 cm. Thạp có thể là đồ dùng của tầng lớp quyền quý, hoặc là đồ lễ khí (tế khí) trong các hoạt động nghi lễ của đời sống cung đình (miếu, đường) hoặc đời sống tôn giáo (chùa) thời Lý.
Bình gốm men vẽ nhiều màu thời Lê sơ, có niên đại thế kỷ 15. Khác với dòng gốm này của Trung Hoa, ngoài việc sử dụng các màu lam, lục, đỏ, vàng… thì gốm men vẽ nhiều màu Đại Việt còn dùng kim loại vàng như một màu để vẽ trên men. Điều này đòi hỏi người thợ có kỹ thuật cao. Giá trị nổi bật của bình gốm thể hiện qua các đề tài và màu sắc hoa văn trang trí, trong đó, các họa tiết hoa lá, hình học làm nền tôn lên hoa văn rồng vờn ngọc báu rất độc đáo.
Để di sản trường tồn với thời gian
Trong nhiều năm qua, nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai làm tốt công tác kiểm kê, phân loại di tích. Từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành 76 đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, trong đó 6 đợt khai quật khẩn. Các di tích khảo cổ học trên địa bàn bước đầu đã được bảo vệ và thực hiện nghiên cứu để lập quy hoạch di tích để bảo tồn và phát huy giá trị như: Di chỉ khảo cổ học Hòn Ngò, di chỉ Khảo cổ học hang Tiên Ông, di tích khảo cổ thuộc khu di tích nhà Trần tại Đông Triều. Một số di tích có giá trị đã được lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích loại hình khảo cổ trong đó tỉnh Quảng Ninh hiện có 2 di tích khảo cổ được xếp hạng cấp quốc gia là di tích khảo cổ Hòn Hai- Cô Tiên ở Hạ Long và di tích khảo cổ Đầu Rằm ở Quảng Yên…

Hiện vật phát lộ tại hố khai quật ở Thiên Long Uyển (xã Yên Đức, thị xã Đông Triều).
Hiện vật phát lộ tại hố khai quật ở Thiên Long Uyển (xã Yên Đức, thị xã Đông Triều).
Cùng với đó, tỉnh cũng huy động mọi nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích và quan tâm công tác bảo vệ môi trường tại di tích. Các di tích thường gắn với lễ hội để thoả mãn nhu cầu tâm linh, niềm tự hào truyền thống của mỗi làng quê đồng thời góp phần thúc đẩy du lịch của địa phương phát triển. Nhiều lễ hội mang tính hội vùng, thường cuốn hút du khách nhiều tỉnh thành về dự. Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá từ lễ hội truyền thống được thực hiện đúng định hướng, các hoạt động trong lễ hội phong phú, lành mạnh, thực hành tín ngưỡng một cách văn minh, trang trọng nhưng cũng không kém phần sinh động, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân, đồng thời tạo nên những giá trị cố kết cộng đồng, hun đúc thuần phong mỹ tục, tạo ra lối sống, lối ứng xử hòa nhã, tình người. Hoạt động hướng dẫn tham quan tại các di tích đã được quan tâm, giúp cho người tham quan vừa trực tiếp trải nghiệm vừa tiếp nhận thông tin về lịch sử văn hóa, giá trị của di sản.

Du khách tham quan di chỉ Hòn Ngò.
Du khách tham quan di chỉ Hòn Ngò.

Các nhà khoa học tìm thấy cọc gỗ và một số di vật gốm thô tại hố thăm dò 2 ở đồng Vạn Muối (Quảng Yên).
Các nhà khoa học tìm thấy cọc gỗ và một số di vật gốm thô tại hố thăm dò 2 ở đồng Vạn Muối (Quảng Yên).

Vật liệu kiến trúc xuất lộ tại mặt bằng khai quật khảo cổ chùa Bảo Đài 1 (phường Vàng Danh, TP Uông Bí).
Vật liệu kiến trúc xuất lộ tại mặt bằng khai quật khảo cổ chùa Bảo Đài 1 (phường Vàng Danh, TP Uông Bí).

Các di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc do tổ chức, cá nhân phát hiện được đưa về Bảo tàng Quảng Ninh để lưu giữ và phát huy giá trị. Khi có những phát hiện mới về di vật trong quá trình thi công, xây dựng hoặc trong nhân dân, các tổ chức và cá nhân đã kịp thời báo cho chính quyền cơ sở và cấp có thẩm quyền về văn hóa có biện pháp xử lí kịp thời, như: Việc phát hiện thạp cổ tại TP Móng Cái năm 2011, phát hiện hộp hoa sen bằng vàng tại TX Đông Triều năm 2012. Đồng thời các địa điểm khảo cổ sau thăm dò, khai quật được tiến hành các biện pháp bảo vệ theo quy trình, yêu cầu về khảo cổ học.

Công tác bảo quản phòng ngừa đối với Bảo vật quốc gia Thống đồng thời Trần.
Công tác bảo quản phòng ngừa đối với Bảo vật quốc gia Thống đồng thời Trần.
Các bảo vật quốc gia được bảo vệ theo quy định của Luật di sản văn hóa và các quy định pháp luật liên quan. Hiện nay, các bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặt biệt, được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo quản phù hợp với từng bảo vật. Bảo tàng đã bố trí nhân lực có chuyên môn trông coi, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu và cá nhân được phân công công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật; đặc biệt áp dụng khoa học kỹ thuật trong bảo đảm an ninh, an toàn cho hiện vật, phòng chống trộm cắp, cháy nổ, thiên tai; xây dựng phương án tuyên truyền giới thiệu giá trị đến đông đảo nhân dân và du khách.

Tủ chuyên dụng được sử dụng để bảo quản Bình gốm Đầu Rằm.
Tủ chuyên dụng được sử dụng để bảo quản Bình gốm Đầu Rằm.
Cùng với đó, Bảo tàng Quảng Ninh cũng quan tâm, chú trọng hoạt động nghiên cứu, sưu tầm hiện vật thông qua các cuộc nghiên cứu khảo cổ học. Cụ thể đã tiếp nhận hiện vật mẫu theo nhiều chất liệu tại điểm khai quật khảo cổ học: Di tích Hồ Thiên; Am Ngọa Vân; Ba Bậc; Đá Chồng; Đền Sinh; Di tích Thông Đàn; Cửa Phủ; Đô Kiệu thuộc hệ thống di tích Nhà Trần tại Đông Triều... Đồng thời, sưu tầm thông qua việc tiếp nhận hiện vật hiến tặng từ các tổ chức, cá nhân; sưu tầm thông qua kế hoạch sưu tầm hàng năm; sưu tầm thông qua dự án sưu tầm, bổ sung hiện vật bảo tàng của Sở Văn hóa- Thể thao.

Bảo tàng Quảng Ninh tiếp nhận hiện vật gốm sứ Móng Cái.
Bảo tàng Quảng Ninh tiếp nhận hiện vật gốm sứ Móng Cái.
Hiện nay bảo tàng Quảng Ninh có 135.000 hiện vật. Trong đó tiến hành xây dựng được 5 bộ sưu tập hiện vật: Sưu tập di chỉ Ba Vũng, sưu tập bảo vật quốc gia, sưu tập gốm sứ Vạn Ninh - Móng Cái, sưu tập trang phục dân tộc Dao Thanh Y, sưu tập trang phục dân tộc Dao Thanh Phán.
Hiện vật sau khi sưu tầm về được làm lý lịch cẩn trọng, thông tin chính xác, xét duyệt trước hội đồng khoa học, sau đó nhập kho cơ sở. Hiện vật được phân loại, đánh số, bảo quản theo từng chất liệu. Hiện nay, Bảo tàng Quảng Ninh đã vào sổ kiểm kê được tổng số 21.391 hiện vật tương đương với 6.231 hồ sơ, tài liệu, hiện vật gồm nhiều chất liệu khác nhau theo 4 kho chính: Kho gốm, đá, xương; kho kim loại, vải, gỗ, nhựa, da; kho tư liệu phim - ảnh và kho phụ tổng hợp.

Không gian trưng bày hiện vật phong phú, độc đáo thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Không gian trưng bày hiện vật phong phú, độc đáo thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Về trưng bày, Bảo tàng Quảng Ninh có các không gian trưng bày với hai khối trưng bày ngoài trời và trong nhà, bao gồm 13 không gian trưng bày cố định trên diện tích 9316m2 và 1400m2 là diện tích trưng bày chuyên đề, trưng bày gần 7.000 hiện vật. Hệ thống hiện vật trưng bày đã mang đến sự đa dạng, phản ánh từ thiên nhiên đến con người, từ lịch sử và văn hóa của vùng đất Quảng Ninh.
Ngày xuất bản: 3/8/2023
Nội dung: HUỲNH ĐĂNG
Trình bày: MẠNH HÀ
Văn hóa Quảng Ninh - Vốn quý từ ngàn đời
