
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, những giá trị văn hoá luôn được tỉnh Quảng Ninh trân trọng, bảo tồn và phát huy. Tự hào thừa hưởng kho báu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá, Quảng Ninh không chỉ nỗ lực bảo vệ, gìn giữ di sản của tiền nhân mà còn luôn sáng tạo, thăng hoa để nhân lên giá trị mới, tạo nguồn động lực mạnh mẽ cho quê hương bứt phá, tự tin, bản lĩnh trong dòng chảy hội nhập quốc tế. Tỉnh xác định, trong quá trình phát triển, thiên nhiên, con người và văn hóa được xác định là 3 trụ cột để Quảng Ninh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định một trong những khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025 là kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.

Qua các kỳ Đại hội XIII, XIV, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn xác định kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã xác định một trong ba khâu đột phá của giai đoạn 2020 - 2025 là “xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh”. Tỉnh ủy cũng ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 09/3/2018 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; trở thành nguồn lực quan trọng để hiện thực hóa khát vọng xây dựng, phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh với các đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.

Phong trào thể thao quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trong ảnh: Bộ môn bóng chuyền hơi được đông đảo nhân dân yêu thích tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX. Ảnh: Tạ Quân
Phong trào thể thao quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trong ảnh: Bộ môn bóng chuyền hơi được đông đảo nhân dân yêu thích tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX. Ảnh: Tạ Quân
Tỉnh cũng có bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại với các công trình nổi bật như Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh; Quảng trường 30/10; Thư viện, Bảo tàng Quảng Ninh; Công viên hoa Hạ Long; Cung văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh; Trung tâm văn hóa, thể thao vùng Đông Bắc (huyện Tiên Yên)... Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm thu hút tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao quốc gia, quốc tế.

Ngày hội Văn hóa Thể thao dân tộc Tày xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên: Phụ nữ Tày thi gói bánh cốc mò (Ảnh: Xuân Thao)
Ngày hội Văn hóa Thể thao dân tộc Tày xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên: Phụ nữ Tày thi gói bánh cốc mò (Ảnh: Xuân Thao)
Đặc biệt, trong quá trình đầu tư phát triển hạ tầng, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm, gắn với việc hưởng thụ văn hóa, rèn luyện thể thao của nhân dân. Tỉnh đã hoàn thành đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả hình thành trục đường bao biển đồng bộ kéo dài từ cầu Bãi Cháy (thành phố Hạ Long) đến trung tâm thành phố Cẩm Phả vừa có chức năng giao thông kết nối vừa là công viên ven biển mang lại lợi ích tối đa cho người dân và du khách. Tỉnh cũng đã xây dựng Quy hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị một số Làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đến nay, 100% các thôn vùng dân tộc thiểu số có nhà văn hóa, 50% các xã có Nhà văn hóa xã và sân chơi thể thao.
Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được tăng cường hiệu quả quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị với mô hình quản lý mới gắn trách nhiệm trực tiếp của ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long. Các di tích quốc gia đặc biệt và trên 600 di tích khác của tỉnh được quan tâm đầu tư, bảo tồn, phát huy bền vững giá trị trở thành nguồn lực phục vụ trực tiếp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Công nghiệp văn hóa bước đầu được hình thành, đã có một số sản phẩm văn hóa đặc trưng thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch và góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Chương trình dân vũ "Phụ nữ Hạ Long - Vũ điệu bên bờ di sản".
Chương trình dân vũ "Phụ nữ Hạ Long - Vũ điệu bên bờ di sản".
Đặc biệt, việc xây dựng môi trường văn hóa đã đạt được một số kết quả tích cực, nhất là xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong gia đình và cộng đồng dân cư, trong các doanh nghiệp. Các cấp, ngành và địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng các tiêu chí cụ thể đối với các danh hiệu thi đua, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng có hiệu quả, thiết thực. Hàng năm, các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh đều triển khai đăng ký nội dung “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Dân vận khéo”, “Cơ quan văn hóa”, tổ chức cho các hộ gia đình, các thôn bản, khu phố đăng ký xây dựng “Làng văn hóa, khu phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Doanh nghiệp giỏi, Cơ quan văn hóa”; 100% cơ quan đơn vị xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quy chế văn hóa công sở... thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa văn minh ở các cơ quan, công sở trên địa bàn.

Liên hoan tiếng hát khu dân cư năm 2023 đang trở thành dịp sinh hoạt văn hóa tinh thần sôi nổi trên địa bàn toàn tỉnh.
Liên hoan tiếng hát khu dân cư năm 2023 đang trở thành dịp sinh hoạt văn hóa tinh thần sôi nổi trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong cộng đồng dân cư, tập trung xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, cơ sở thờ tự tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân loại bỏ dần các yếu tố mê tín, dị đoan trong đời sống sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng. Trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã xây dựng thành công nhiều làng, thôn, bản văn hóa, góp phần tích cực đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trong thôn, bản. Từ năm 2018 - 2022, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, chuồng trại đảm bảo đúng quy định.

Nghi lễ leo dao của người Sán Dìu tại Lễ hội Đại phan xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên.
Nghi lễ leo dao của người Sán Dìu tại Lễ hội Đại phan xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên.
Cùng với đó là việc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ những hủ tục, nếp sống sinh hoạt lạc hậu và tiếp thu có chọn lọc những yếu tố văn hóa mới phù hợp với bản sắc vùng, miền, địa phương. Năm 2018, toàn tỉnh có 7.313/7.548 (đạt 96,9%) đám cưới, 4.920/4.975 (đạt 98,9%) đám tang thực hiện nếp sống văn minh. Năm 2022, toàn tỉnh ước có 99,7% số đám cưới và 99,6% số đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh. Trong năm 2020 - 2022, ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người dân, tỉnh đã thực hiện tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc chấp hành đảm bảo công tác phòng chống dịch, bệnh. Thực hiện điều chỉnh thời gian, hình thức tổ chức các lễ cưới, tiệc cưới, đám tang phù hợp trong phạm vi gia đình; thực hiện hình thức báo hỷ thay cho lễ cưới, tiệc cưới, việc hiếu chỉ tổ chức gọn nhẹ, đảm bảo tuyệt đối công tác phòng chống dịch.

Nghi lễ đám cưới của người Sán Chỉ, huyện Bình Liêu.
Nghi lễ đám cưới của người Sán Chỉ, huyện Bình Liêu.
Công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hương ước, quy ước được các địa phương duy trì và thực hiện hiệu quả. Hằng năm, các địa phương thành lập đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn các phường và khu phố trong việc xây dựng quy ước, thực hiện nghiêm các quy định về soạn thảo, lấy ý kiến dự thảo, thông qua, lập hồ sơ trình UBND cấp huyện ra quyết định phê duyệt công nhận, sửa đổi bổ sung quy ước, nội dung các quy ước, hương ước cơ bản đảm bảo giải quyết được những vấn đề đặc thù của từng thôn, xã, làng bản. Đến nay, toàn tỉnh có 1.452/1.452 quy ước, hương ước, trong đó năm 2022 có 509/1.452 quy ước, hương ước được sửa đổi, bổ sung. Nhiều mô hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa, giúp đỡ lẫn nhau ổn định phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư về môi trường, an ninh; trồng cây xanh, vườn cây kiểu mẫu; câu lạc bộ văn hóa, gia đình hạnh phúc... được hình thành và duy trì hiệu quả; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhiều phong trào thi đua với các hình thức phong phú.

Nhà văn hoá mới ở thôn Đông Dương, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên được xây dựng năm 2023.
Nhà văn hoá mới ở thôn Đông Dương, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên được xây dựng năm 2023.
Chú trọng chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan, tổ chức Đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, trọng tâm là cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, có phong cách ứng xử chuẩn mực trong thực thi công vụ: Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng đưa nội dung xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng hằng năm. Các cấp ủy đảng, các sở, ban, ngành và các địa phương đã xây dựng nội quy, quy chế, các quy định chuẩn mực về đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, triển khai xây dựng quy chế văn minh công sở; duy trì thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong công nghiệp, tinh thần làm việc chủ động, thái độ phục vụ, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân có nhiều chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Trong xu hướng hiện nay, việc định vị thương hiệu địa phương nhờ công nghiệp văn hóa đã được nhiều tỉnh, thành trong cả nước quan tâm và thu hút nhiều nhà đầu tư, đội ngũ sáng tạo với những chương trình nghệ thuật đẳng cấp quốc tế. Và Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch lớn trên cả nước đã thành công trong sáng tạo văn hóa với sự bắt tay giữa Nhà nước, nhà đầu tư và giới sáng tạo với cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư. Nhiều chuyên gia nhận định, thành công của mô hình này tại Ninh Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc trong 3 năm qua đang thay đổi nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, TP Móng Cái.
Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, TP Móng Cái.
Thực tế cho thấy, Quảng Ninh đã thực hiện rất tốt việc bảo tồn, phát huy một số bộ môn nghệ thuật dân tộc để trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch. Cụ thể là cùng với hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của Đoàn nghệ thuật của tỉnh, các đơn vị nghệ thuật do tư nhân đầu tư quản lý và tổ chức hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng đã dần hình thành, bước đầu hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tạo thêm sản phẩm văn hoá góp phần thu hút khách du lịch, nhất là các bộ môn nghệ thuật truyền thống (múa rối, hát chèo, cải lương, các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số…), được biểu diễn tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, sân bay Vân Đồn, tại các lễ hội và cùng du khách trên các hành trình, tuyến điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Một số sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch tiêu biểu như: Các chương trình văn hóa, văn nghệ hát chèo, múa rối truyền thống khu du lịch làng quê Yên Đức; khu du lịch Quảng Ninh Gate (Đông Triều); Hát Đối, hát Giao duyên trên thuyền của cư dân làng chài Cửa Vạn (TP Hạ Long); sinh hoạt văn hóa, tìm hiểu về phong tục tập quán sinh hoạt của cộng đồng nhân dân cùng thưởng thức hát Then của người Tày, hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ (huyện Bình Liêu và Tiên Yên); Chương trình du lịch “Cốc Cốc đảo Hà Nam” cùng điệu hát Đúm ở đảo Hà Nam (TX Quảng Yên); hát Nhà tơ, hát múa Cửa đình ở Vạn Ninh (TP Móng Cái)...

Hát then dân tộc Tày Bình Liêu.
Hát then dân tộc Tày Bình Liêu.
Tỉnh đã thành lập đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh trên cơ sở hợp nhất 3 đoàn nghệ thuật và thực hiện tự chủ 100% kinh phí hoạt động; ưu tiên thực hiện cơ chế đặt hàng để đoàn nghệ thuật thực hiện các nhiệm vụ chính trị phục vụ nhân dân du khách, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, lực lượng vũ trang; đặt hàng sáng tác một số tác phẩm nghệ thuật truyền thống để bảo tồn (chèo, cải lương…).

Lễ hội truyền thống Bạch Đằng được tổ chức vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm. Ảnh: Dương Văn Toàn (CTV)
Lễ hội truyền thống Bạch Đằng được tổ chức vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm. Ảnh: Dương Văn Toàn (CTV)

Trải nghiệm không gian văn hóa làng Việt cổ tại Làng Nương, Yên Tử.
Trải nghiệm không gian văn hóa làng Việt cổ tại Làng Nương, Yên Tử.
Để xây dựng công nghiệp văn hóa, Quảng Ninh cũng xây dựng mô hình một số thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch. Theo đó quy hoạch 4 thôn, bản thực hiện bảo tồn, phục vụ phát triển du lịch, gồm: Bản (thôn 1, 2, 3) dân tộc Dao Thanh Y, xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ; Bản Lục Nà, bản Cáu dân tộc Tày, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu; Làng truyền thống người Sán Dìu, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn; Bản Nà Ếch người Sán Chay, xã Húc Động, huyện Bình Liêu. Đến nay đã hoàn thành việc xây dựng bản Dao Thanh Y, xã Bằng Cả, thành phố Hạ Long trở thành một điểm du lịch văn hóa với các điệu múa trống trong lễ cấp sắc, múa lễ cầu mùa, hát sáng cố do người dân trong xã Bằng Cả biểu diễn; ẩm thực với những món ăn truyền thống của người Dao; gìn giữ các nét văn hóa đặc trưng, vừa để bảo tồn truyền thống, vừa để làm du lịch.

Phụ nữ thôn Làng Ngang, xã Quảng An, huyện Đầm Hà giữ gìn nghề thêu truyền thống Dao Thanh Phán.
Phụ nữ thôn Làng Ngang, xã Quảng An, huyện Đầm Hà giữ gìn nghề thêu truyền thống Dao Thanh Phán.
UBND huyện Bình Liêu hoàn thiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 (tại Bản Cáu, xã Lục Hồn)”. Hiện huyện đang hoàn thiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
UBND huyện Vân Đồn ban hành Quyết định số 2427/QĐ-UBND ngày 26/6/2020 phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn giai đoạn 2020 - 2022”, xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã kết hợp với Nhà truyền thống Sán Dìu, tổ chức ngày hội văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn năm 2021.

CLB hát truyền thống dân tộc Sán Dìu xã Bình Dân, huyện Vân Đồn.
CLB hát truyền thống dân tộc Sán Dìu xã Bình Dân, huyện Vân Đồn.
Tỉnh cũng phục dựng các lễ hội truyền thống, bảo tồn lễ hội đồng bào các dân tộc, các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa văn nghệ trong lễ hội được quan tâm tổ chức. Quảng Ninh hiện có 12/13 địa phương tổ chức lễ hội (huyện Cô Tô không tổ chức lễ hội) với tổng số 118 lễ hội. Trong đó có nhiều lễ hội mới được xây dựng thành sản phẩm văn hóa thường niên như lễ hội Carnaval, lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, lễ hội Hoa sở, lễ hội Trà hoa vàng… vừa bảo tồn được di sản văn hóa, vừa tạo thành sản phẩm văn hóa riêng có. Nhiều lễ hội đã được phục dựng thành công, bài bản, đúng bản sắc truyền thống của dân tộc (Lễ hội văn hóa thể thao dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu...). Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Đề án “Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 12/3/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ xây dựng Đề án), qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân và du khách. Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh từng bước được bảo tồn đã trở thành nguồn lực góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Rực rỡ sắc màu Carnaval Hạ Long năm 2023.
Rực rỡ sắc màu Carnaval Hạ Long năm 2023.
Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh biên giới nên công tác đối ngoại, ngoại giao Nhân dân được tỉnh xác định là việc hết sức quan trọng. Tỉnh đã chỉ đạo phát triển văn hóa, hội nhập quốc tế và thông tin đối ngoại, thực hiện gắn kết các hoạt động ngoại giao văn hóa với các hoạt động thông tin đối ngoại với các đối tác, trọng tâm là Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; Nga và các nước ASEAN... Hoạt động giao lưu nghệ thuật cũng được tăng cường, các đoàn nghệ thuật của tỉnh thường xuyên tham gia biểu diễn tại một số nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Lào... nhiều đoàn nghệ thuật của các nước trên thế giới cũng đến giao lưu, biểu diễn nghệ thuật tại Quảng Ninh như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia... Hàng năm, tỉnh tổ chức đoàn vận động viên thi đấu giao hữu thể thao tại Đông Hưng, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc.

Lưu học sinh Lào tại Đại học Hạ Long, TP Uông Bí biểu diễn tiết mục múa truyền thống chào đón Tết Bunpimay. Ảnh: Nguyễn Dung
Lưu học sinh Lào tại Đại học Hạ Long, TP Uông Bí biểu diễn tiết mục múa truyền thống chào đón Tết Bunpimay. Ảnh: Nguyễn Dung
Cùng với đó, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa trong kinh doanh. Với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư uy tín, tiềm năng đến nghiên cứu và đầu tư trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức các chương trình gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, cafe doanh nhân... thân thiện, cởi mở giữa chính quyền và doanh nghiệp, tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển đầu tư có hiệu quả. Tích cực tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nền nếp, tác phong, kỷ luật lao động, không để xảy ra vụ việc đình công phức tạp, kéo dài, góp phần làm nên văn hóa doanh nghiệp và giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, tạo được uy tín với khách hàng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh văn hóa, lành mạnh. Năm 2017, có 994/1.525 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (tỷ lệ 65,1%), năm 2021, có 1.172/1.652 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa (tỷ lệ 70,9%).

Giao lưu văn nghệ “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát” tại Khu công nghiệp Hải Yên Móng Cái. Ảnh: Phạm Học
Giao lưu văn nghệ “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát” tại Khu công nghiệp Hải Yên Móng Cái. Ảnh: Phạm Học
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam". Trước đó, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ khẳng định "Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân".

Chuỗi sự kiện "Những ngày văn hóa Nga" tại TP Hạ Long do đoàn nghệ sĩ Nhà hát múa hàn lâm quốc gia Moscow “Gzhel” và đoàn múa dân gian hàn lâm quốc gia Adygea “Nalmes” biểu diễn.
Chuỗi sự kiện "Những ngày văn hóa Nga" tại TP Hạ Long do đoàn nghệ sĩ Nhà hát múa hàn lâm quốc gia Moscow “Gzhel” và đoàn múa dân gian hàn lâm quốc gia Adygea “Nalmes” biểu diễn.
Ngày đăng: 3/8/2023
Thực hiện: LAN ANH
Trình bày: ĐỖ QUANG