4
18
/
1014393
Bài 3: Khơi thông nguồn lực con người và xã hội
longform
Bài 3: Khơi thông nguồn lực con người và xã hội

 

Theo các nhà nghiên cứu về phát triển, đến thời điểm này các tiềm năng tĩnh đã tới giới hạn, phải chuyển sang các tiềm năng động là sự sáng tạo, thể chế, mô hình, để tạo ra cú huých mới. Với Quảng Ninh, khát vọng sáng tạo được thực hiện thời gian qua như cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, biên chế, sử dụng linh hoạt các hình thức đầu tư… là bước chuyển vượt qua giới hạn về tư duy, tầm nhìn trong sử dụng các tiềm năng tĩnh để khơi gợi được những tiềm năng động trong nguồn lực con người, xã hội. Qua đó, đã và đang mang lại cho Quảng Ninh những kết quả vượt bậc.

Để công tác quản lý, thu hút dự án theo hình thức đối tác công - tư hiệu quả, cải thiện và khơi thông dòng vốn ngoài ngân sách, huy động mọi nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, đòi hỏi một môi trường đầu tư càng phải minh bạch hơn. Bởi vậy, ngoài cơ chế, chính sách là yếu tố để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư, điều quan trọng là thực hiện cơ chế, chính sách đó như thế nào, thái độ phục vụ doanh nghiệp chuyên nghiệp đến đâu để họ tin, họ đến và ở lại với mình. Thực tiễn luôn luôn vận động không ngừng, nếu chỉ so sánh mình với trước đây, chỉ nhìn vào lợi thế, chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Vì vậy cải thiện mình, nâng cao năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư phải là việc làm thường xuyên, liên tục, quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Quảng Ninh trong quá trình phát triển, để doanh nghiệp không chỉ là đối tác của tỉnh, mà tỉnh và doanh nghiệp, nhà đầu tư phải cùng tiếng nói, cùng quan điểm và cùng hành động để xây dựng Quảng Ninh là một tỉnh giàu đẹp, văn minh.

Bài học kinh nghiệm mà Quảng Ninh có được trong lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư cũng như nhiều thành công khác, chính là được bắt nguồn từ tư duy đổi mới, kiến tạo và hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nguồn lực được Quảng Ninh tập trung khơi thông đó không phải là tiền, là ngân sách trung ương đầu tư, hỗ trợ, mà đó là đổi mới từ khâu ban hành nghị quyết, hướng dẫn, kế hoạch cụ thể, gắn với kiểm tra, giám sát, định kỳ đánh giá hiệu quả, nguyên nhân hạn chế, hướng giải quyết, phát huy mô hình sản xuất hiệu quả. Chủ động đề xuất chính sách cơ chế tính đặc thù, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiều giải pháp tăng thu ngân sách, đẩy mạnh xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh gọn…

Nguồn lực được Quảng Ninh khơi thông trong những năm qua là sự đồng bộ từ những sáng kiến có tính đột phá trong việc đổi mới tổ chức, hoàn thiện bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tạo ra động lực quan trọng cho sự phát triển. Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư - đó là cách làm sáng tạo, là sự tiên phong thí điểm của Quảng Ninh nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong đầu tư kết cấu hạ tầng cũng như dịch vụ công trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp hiện nay. Như nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với tỉnh Quảng Ninh, đó là: Mở ra tư duy mới trong thu hút đầu tư tư nhân, là cách làm sáng tạo, phù hợp với nhu cầu phát triển của Quảng Ninh và là minh chứng sống động để Chính phủ ban hành các nghị quyết, chỉ đạo mới về thu hút đầu tư để thực hiện trong cả nước. Từ sự đi trước, đón đầu này cũng tạo cho Quảng Ninh ưu thế của người tiên phong, để ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương có dịp về làm việc với tỉnh Quảng Ninh trong thời gian gần đây, đều khẳng định: Quảng Ninh như cái nôi của những ý tưởng và mô hình cải cách táo bạo. Tỉnh đã huy động được những nguồn lực lớn, không phải từ ngân sách, mà từ chính sự đoàn kết, đổi mới tư duy, cách làm, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng. Những kinh nghiệm của Quảng Ninh là bài học quý để các địa phương trong cả nước học tập...

Nói đến Quảng Ninh hiện nay là nhắc đến những ý tưởng đổi mới, những mô hình thí điểm. Nổi bật hơn cả, tỉnh đầu tiên tự bỏ vốn để làm đường cao tốc, huy động nguồn lực để đầu tư sân bay tư nhân đầu tiên, cảng tàu chuyên biệt đầu tiên, mở rộng "cánh cửa" kết nối nhanh hơn với thế giới từ hợp tác PPP. Trong giai đoạn phát triển mới, với nền tảng vững chắc, động lực từ các dự án giao thông PPP, tỉnh đã nhanh chóng bám sát thực tiễn, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan để quyết tâm tạo đột phá bằng việc cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Trung ương; nhận thức sâu hơn về những mâu thuẫn, thách thức giữa tiềm năng thế mạnh địa phương và cơ chế chính sách còn hạn hẹp; giữa khai thác than đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với du lịch trên cùng một địa bàn... để tiếp tục khởi phát những ý tưởng phù hợp, tạo ra một Quảng Ninh khác biệt.

Tỉnh luôn chủ động nhận định điểm không còn phù hợp, từ đó mạnh dạn chuyển đổi sang hướng phát triển mới, bền vững. Đặc biệt là chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", đẩy mạnh cơ cấu ngành dịch vụ - du lịch mới, xây dựng con đường cho sự kiến tạo, đột phá và phát triển vượt trội về đẳng cấp. Quan điểm phát triển của tỉnh là phải dựa vào các nguồn lực khác nhau, Nhà nước sẽ không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn được nhắc lại nhiều lần. Từ đó, những ý tưởng mới, mô hình thí điểm trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được tỉnh triển khai một cách bài bản, cụ thể và đồng bộ. Mô hình này đã cắt giảm thời gian, đầu mối làm việc, kết nối nhanh nhất dưới sự chỉ đạo thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Quảng Ninh đang phấn đấu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp, hiện đại, phát triển kinh tế xanh dựa vào khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao; là trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm cảng biển vùng, một trong những đầu tàu kinh tế miền Bắc, thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025. Để hạ tầng tiếp tục là động lực mạnh cho sự phát triển, tỉnh đã hoàn thành xây dựng quy hoạch phát triển giao thông đáp ứng được các tiêu chí bền vững - đồng bộ - hiện đại; đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức PPP, đồng bộ tuyến cao tốc dọc tỉnh với tổng chiều dài gần 200km; hoàn thiện các tuyến đường ven biển kết nối các trung tâm du lịch; xây dựng Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, với 8 chỉ tiêu cụ thể trong 3 giai đoạn 2019-2025, 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Để đạt mục tiêu này, Quảng Ninh tiếp tục đổi mới, thí điểm, vận dụng sáng kiến, năng lực, kinh nghiệm quản lý cũng như nguồn lực đầu tư của kinh tế tư nhân, dành nguồn ngân sách tỉnh ưu tiên cho các nhiệm vụ khác, nhất là công tác an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn. Với nền tảng và quyết tâm mới, Quảng Ninh đang bước tiếp chặng đường phát triển, chinh phục đỉnh cao mới.

Thực hiện: Minh Thu - Đỗ Phương - Mạnh Trường

Trình bày: Đỗ Quang

Bài 4: Kinh nghiệm của Quảng Ninh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu