Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 09:10 (GMT +7)
Bài hát về người thợ mỏ Anh hùng
Thứ 3, 24/01/2023 | 08:32:26 [GMT +7] A A
Có một người lính tự vệ ngành Than đã anh dũng hy sinh trong những ngày máy bay Mỹ oanh tạc miền Bắc. Tên ông đã được đặt cho một khu tưởng niệm, một con đường và đi vào ca khúc “Bài ca Đặng Bá Hát” của nhạc sĩ Bùi Hội.
Người anh hùng của công nhân mỏ
Bà Đặng Thị Mát, 84 tuổi, vợ Anh hùng LLVTND Đặng Bá Hát, kể cho chúng tôi nghe về người chồng thân yêu. Đặng Bá Hát sinh năm 1936 trong một gia đình nông dân ở huyện Tứ Lộc (nay là huyện Gia Lộc), tỉnh Hải Dương. Ông là bộ đội trở về từ cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi đầu quân cho Xí nghiệp Bến Hồng Gai (nay là Công ty Tuyển than Hòn Gai) từ năm 1960, làm Tổ trưởng sản xuất Tổ máy trục hơi số 5, rồi Phó Quản đốc Phân xưởng Cầu Đống. Năm 1967, Đại đội tự vệ pháo 37 ly thuộc Tiểu đoàn Tự vệ bến Hòn Gai ra đời, ông được phân công làm Bí thư Chi bộ, Đại đội trưởng.
Ngay khi nhận nhiệm vụ, ông đã mang kinh nghiệm từ những tháng năm trong quân ngũ vận dụng vào việc xây dựng lực lượng tự vệ bán vũ trang với 58 chiến sĩ, chốt ở đồi Khí tượng, khu Lán Đạo. Đơn vị ông được điều sang chốt giữa và khống chế địch từ xa tại trận địa pháo 102. Dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Đặng Bá Hát, đơn vị đã bắn hạ 1 máy bay F4, 1 máy bay F8, đánh 37 trận, tháo gỡ 104 quả bom, phá hơn 2.500 quả bom.
Ông Vũ Trọng Hiếu, nguyên pháo thủ số 3, Đại đội tự vệ pháo 37 ly, còn nhớ như in buổi chiều 12/7/1972. Đặng Bá Hát và toàn khẩu đội tập trung cao độ quan sát, tiêu diệt mục tiêu, nã đạn pháo lên liên tục. Nhưng bọn địch thâm độc đã nghi binh, dùng 2 máy bay từ hướng Hoành Bồ với thủ đoạn bay thấp, đánh lén bỏ bom xuyên, bao trùm cả trận địa. Đặng Bá Hát bất ngờ bị mảnh bom xuyên thủng bụng, một tay giữ chặt vết thương, tay kia vẫn phất cờ lệnh.
"Nhưng vết thương quá nặng, anh Hát hy sinh bên tháp pháo. Sau đó, chúng tôi bổ sung, củng cố lực lượng và lấy tên anh đặt cho đơn vị; lấy ngày anh hy sinh làm ngày truyền thống", ông Hiếu xúc động nhớ lại.
Ghi nhớ chiến công của ông, người ta còn lấy tên ông đặt cho tên một con đường và một khu phố. Năm 1995, liệt sĩ Đặng Bá Hát được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. "Anh chỉ huy sản xuất thế nào thì chỉ huy chiến đấu kỷ luật còn cao hơn. Dù chúng tôi chỉ là dân quân tự vệ, nhưng tinh thần không kém gì đơn vị chủ lực. Chúng tôi luôn ghi lòng tạc dạ hình ảnh của anh và những lời anh dặn", ông Hiếu xúc động nói.
Người chồng mẫu mực, người cha thần tượng
Bà Mát đã ngoài 80 tuổi, nhưng những ký ức về người chồng thân yêu vẫn còn vẹn nguyên trong bà. Bà kể: “Anh ấy là người ít nói, thẳng tính. Chúng tôi làm cùng cơ quan. Anh Hát phụ trách lớp học bổ túc văn hóa của chúng tôi. Ai cũng quý mến anh. Anh đẹp trai, chững chạc hơn những người cùng trang lứa. Không biết tự bao giờ, tôi đã phải lòng ông thầy dạy của mình. Và rồi khi anh ngỏ lời, tôi đồng ý...”.
Hai ông bà đã phải vượt qua một chặng đường gian khổ để có thể đến được với nhau trong hạnh phúc. “Chúng tôi cứ yêu nhau như thế được khoảng 2 năm. Thấy chúng tôi yêu thương nhau, ai cũng vui mừng, nhưng cha mẹ tôi lại cấm đoán. Thế là chúng tôi phải nhờ một anh cùng cơ quan hằng ngày đến thuyết phục cha tôi. Dần dà, cha tôi cũng nghe theo.
Năm 1962, chúng tôi đã thành vợ thành chồng. Mặc dù không được như đám cưới của chúng bạn, nhưng vợ chồng tôi lại sống rất hạnh phúc và thương yêu nhau lắm” - Bà Mát chia sẻ.
Ông Hát rất ít khi về thăm nhà. nhưng mỗi lần về thăm nhà là ông lại quấn quýt với vợ con. Vợ chồng con cái sống rất đầm ấm. “Ông ấy thương vợ con vô cùng, nhưng cũng rất nghiêm khắc. Ông ấy không cho phép mẹ con tôi nhặt bất kỳ hòn than nào của nhà máy về để sưởi ấm. Con tôi ốm nhẹ, tôi đòi nghỉ chăm con là ông mắng ngay” - Bà Mát kể.
Cuộc sống hạnh phúc sẽ kéo dài mãi nếu không có cái ngày ông Hát hy sinh bên tháp pháo. Bà Mát chợt nghẹn ngào: “Chiều 11/7, anh ấy có về thăm nhà một lúc. Do chiến tranh ác liệt, nên tôi đã gửi 3 đứa con nhỏ đi sơ tán. Vì thế anh ấy bảo sau đợt này, mình đi thăm các con vì nhớ chúng lắm rồi! Sáng sớm 12/7, máy bay Mỹ bắn phá ác liệt TX Hòn Gai. Tầm chiều muộn, khi đang trú bom trong hầm, tự nhiên tôi thấy lạnh toát xương sống nên hớt hải về nhà. Đúng lúc ấy có người đến báo tin, anh Hát hy sinh rồi. Tôi như người mất hồn, băng qua các hố bom tìm đến nơi để thi thể anh ấy. Tôi nhìn anh đau đớn đứt ruột. Vậy là lời hứa cùng tôi đi thăm các con của anh đã không thành”.
Ngày ông hy sinh, các con còn nhỏ, cuộc sống của mấy mẹ con bà Mát hết sức khó khăn. Bà Mát phải gửi 2 con lớn về Hải Dương sơ tán, nhờ ông bà nội nuôi giúp. Hai con nhỏ ở lại Hòn Gai với mẹ và ông bà ngoại.
Đến nay, cả 4 người con của ông bà đều trưởng thành. 2 người con nối nghiệp cha mẹ công tác ở Công ty Tuyển than Hòn Gai: Chị Đặng Thị Huệ, con thứ ba, đang làm việc ở Phân xưởng Đời sống; anh Đặng Bá Dương, con út, làm ở Phân xưởng Vận tải.
Chị Đặng Thị Huệ nhớ lại: "Mặc dù thời gian sống bên bố không nhiều, nhưng đối với tôi, bố như một thần tượng. Ông là một người cha chu đáo vừa nghiêm khắc vừa gần gũi tình cảm...".
Qua lời mẹ, các cô, chú và đồng đội của bố kể lại, được đọc những bài báo viết về những chiến công oanh liệt của bố, từ sâu thẳm trong tim, chị Huệ thấy tự hào lắm. Những ký ức ấy đã như một điểm tựa vững chắc để chị không ngừng vươn lên.
Những ký ức năm nào lại ùa về, chị Huệ rưng rưng hát: "Con yêu bố Đặng Bá Hát/ Làm công nhân trên đất Quảng Ninh/ Bắn rơi máy bay giặc Mỹ/ Để quê hương sướng vui hòa bình/ Con biết rồi, bố thường lên đồi trực chiến/ Nhìn trời cao, mắt bố sáng như sao/ Ầm ầm vang, con nghe pháo thét/ Con Ma, Thần Sấm/ Gẫy đuôi, mất đầu....".
Thấy tôi ngạc nhiên, chị từ tốn giải thích, đó là bài hát về bố chị mà các bạn thiếu nhi của chị hay hát khi xưa. Sau nửa thế kỷ rồi chị không còn nhớ tên tác giả bài hát đó là ai nữa, nhưng từng câu từng chữ trong bài hát thì chị vẫn thuộc nằm lòng. Khi chị hát, chị sửa câu đầu "Cháu yêu chú Đặng Bá Hát" thành "Con yêu bố Đặng Bá Hát", chị đã hát lên với niềm tự hào vô hạn vì được làm con của một người cha Anh hùng. Sau này, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ còn viết nhiều bài về người thợ mỏ Anh hùng, nhưng với chị Huệ, bản thân cuộc đời cha mình đã là một bài hát, niềm tự hào đúng như cái tên mà ông bà đã đặt cho bố chị.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()