Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 15:02 (GMT +7)
Tết này có còn cam Sen...
Thứ 7, 12/10/2024 | 11:19:07 [GMT +7] A A
Đã bao năm nay, người dân xã đảo Bản Sen (Vân Đồn) luôn tự hào sở hữu giống cam quý với tên gọi cam Sen. Cam Sen cả năm có một vụ thu hoạch duy nhất vào dịp áp Tết Nguyên đán nên rất thuận lợi để tiêu thụ. Người nông dân nào trồng cây cũng đều mong ngóng đến mùa gặt hái quả ngọt. Vậy nhưng bởi hậu quả cơn bão số 3 (Yagi), quả chưa kịp đến kỳ hái đã rụng la liệt khắp vườn đồi.
Vàng trên đá
Ấy là chuyện của cây cam Sen, một sản vật quý của xã Bản Sen. Theo những người già thì đây là giống cam bản địa quý có từ hàng trăm năm nay. Nhìn vẻ bề ngoài thì hình dáng nhang nhác cam Bố Hạ (Hưng Yên) nhưng cam Sen ngon, ngọt hơn.
Vị ngọt sắc của cam Sen được lý giải là do cây trồng ở những khu vực có hốc đá, nước mưa rửa trôi, hoà tan đá vôi tạo hỗn hợp khử chua, giúp cam thơm, ngọt hơn. Minh chứng là cam ở các thôn Nà Sắn những khu vực có áng hoặc gần núi đá cho quả thơm, ngọt, to, mọng, nhiều nước, ngon hơn những nơi khác. Khi bổ cam ra, nước cam giống như màu mật ong, ăn rất ngọt.
Khi xưa, những người đầu tiên ra bản Sen khai hoang lập nghiệp di dân từ vùng Đồng bằng sông Hồng. Thời gian đầu, họ chưa quen với đánh cá nên sống bám vào rừng, vào thung lũng để trồng lúa, dựa vào sườn núi để nhân giống cam ra trồng. Người nông dân trồng cây phải nộp lợi tức hàng tháng cho Chánh tổng Vân Hải (là người Ngọc Vừng) gọi là thuế rừng. Gọi như thế bởi đời sống của bà con bám lấy rừng. Cam được trồng thành rừng ở sườn núi. Thậm chí ở Bản Sen, có riêng một xóm là xóm Trà Bản chuyên trồng cam trồng chè đổi lấy gạo và thực phẩm từ các thuyền buôn mang ra. Cũng có một áng trồng nhiều cam, người dân bản địa gọi luôn là áng Cam.
Những năm kinh tế kế hoạch tập trung, Bản Sen có 5 tổ đổi công, trong đó có 1 tổ trồng cam trồng chè. Vào năm 1960, một hợp tác xã được thành lập lấy tên là HTX Trồng cam chè Bản Sen bên cạnh các hợp tác xã trồng lúa và đánh cá. Sau này, các hợp tác xã không còn nữa, nhưng Bản Sen vẫn có hàng chục gia đình gắn bó, gìn giữ giống quý này qua nhiều thế hệ.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bản Sen, kể: Không biết nguồn gốc của giống cây quý từ đâu, nhưng đã có thời cam Sen là những giống cây chủ lực trong việc phát triển kinh tế địa phương, đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Ngoài ý thức bảo tồn nguồn gen quý qua nhiều thế hệ, người trồng cam Bản Sen đã đúc rút kinh nghiệm chăm bón để phát huy tốt những giá trị của cam.
Theo ông Kiều Văn Tân, ở thôn Nà Sắn, đây là một giống cây tương đối khó tính, thường xuyên mắc các bệnh về muội, sâu nên cần chăm bón, bổ sung chất cho cây bằng các phân bón hữu cơ tự nhiên; chữa trị bệnh cho cây bằng phương pháp truyền thống thay vì phun thuốc. Thông thường cam Sen trồng khoảng 5 năm thì bói quả. Thế nhưng bà con không thu hoạch kiểu "gặt lúa non" mà vặt bỏ trái từ sớm để mùa sau cây sẽ khỏe, ra trái to, ngon và bền trong nhiều vụ. Cũng vì trồng trên núi cao nên một số diện tích bà con phải thu hái vất vả hơn, việc chuyển xuống cùng phải dùng tời, ròng rọc.
Cam Sen vào vụ Tết loại đẹp được bán với giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg nhưng cung không đủ cầu, hái tới đâu bán hết tới đó. Sản phẩm cũng đã được gắn nhãn mác, bao bì OCOP, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chị Trần Thị Ngát, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đông Lĩnh cho biết: Người trồng cam ở Bản Sen cũng vì thế mà có của ăn của để. Có năm hộ gia đình bà Hoàng Thị Mận ở thôn Đông Lĩnh thu nhập được 200 triệu đồng từ việc bán cam Sen. Hay như gia đình chị Phạm Thị Thu ở thôn Nà Sắn trồng được hơn 3ha cam trên sườn núi. Vào vụ thu hoạch, hàng ngày gia đình chị phải leo hơn 2km đường núi để hái cam. Vụ cam năm ngoái gia đình chị thu được 10 tấn quả. Có năm hộ gia đình chị Thu bỏ túi trên 500 triệu đồng. Bởi vậy, nhiều người ví von cam Sen là "vàng trên đá núi", được gìn giữ từ hàng trăm năm nay như một “bảo bối” để thoát nghèo.
Qua cơn bĩ cực
Để có được những quả ngọt bán cho thực khách, người trồng cam ở Bản Sen đã phải nếm trải không ít chua cay. Nhiều người còn nhớ như in đợt mưa lụt lịch sử 9 năm về trước. Lũ bùn đẩy những tảng đá hộc nặng tới sáu bảy tấn đổ xuống, chất cao hàng mét, quây bốn xung quanh nhà. Vài chục ngôi nhà trong bản ngập chìm trong biển nước. Có chỗ nước dâng cao lên đến 11m, thứ duy nhất còn trồi lên khỏi mặt nước là hai cây cột điện cao thế. Gần 100 con người đang sống trong cảnh màn trời, chiếu đất nhìn hàng chục ha cam đặc sản bị cuốn trôi, chìm trong bùn đất hoặc ủng thối.
Một năm sau, huyện Vân Đồn đã xây dựng khu tái định cư cho bà con. Nhân dân được cấp đất mới để sản xuất và vẫn được phát triển kinh tế trên diện tích đất nơi ở cũ. Do vậy nhiều người bắt đầu nhen nhóm trong đầu ý tưởng khôi phục lại nghề trồng cam Sen. 9 năm sau trận mưa lụt kinh hoàng đi qua, những cây cam do người dân trồng lại vào năm 2016 nay đã đến độ tuổi trưởng thành sung mãn nhất. Dần dần cây cam phủ xanh những dải đất khô cằn nằm trên vách núi đá cheo leo. Ước tính diện tích cam bản địa ở Bản Sen hiện nay có khoảng gần 20 ha, tập trung ở các thôn Đông Lĩnh và Nà Sắn mỗi nơi chừng 5ha. Còn lại ở áng Cam nơi có núi đá vôi nhiều nhất là 7ha.
Đầu tháng 9 năm nay, nhận những tin tức đầu tiên về cơn bão số 3, người dân Bản Sen không khỏi lo lắng về một kịch bản không hay của năm 2015 sẽ được thiên nhiên "bản cũ soạn lại". Nỗi lo ấy không thừa. Bão về thật. Nhưng khốn nỗi cam chưa đến vụ có hái xuống cũng đắng ngắt thì bán được cho ai.
Trở lại xã Bản Sen sau những ngày bão đi qua, chúng tôi nhận ra mọi thứ còn khá ngổn ngang. Vừa lên cầu cảng gặp bà Vũ Thị Chanh, thôn Nà Sắn, người đã sống trên đảo mấy chục năm nay, sau lời chào, câu đầu tiên tôi hỏi bà là mấy vườn cam Sen thế nào, có đứng vững sau bão. Mặt buồn rười rượi, bà Chanh lắc đầu bảo, rụng hết rồi. Năm nay, làm gì còn cam mà ăn nữa.
Bão như một nhát dao khổng lồ chặt đứt ngang cây. Lá cam to nếu không rụng thì cũng bị bão vò nát khô như vừa táp lửa. Những cây cam cây chè bản địa Làng Vân ở Bản Sen vốn ngon nổi tiếng giờ đã trơ trụi toàn cành. Cam rụng hết quả. Sinh kế của người dân xã đảo Bản Sen bị cơn thịnh nộ của thiên nhiên đe dọa nghiêm trọng.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bản Sen, buồn bã thông tin: Cơn bão làm cho 100% diện tích rừng sản xuất, 30ha lúa mùa thiệt hại nặng. Cam Sen gẫy cành gẫy cây rụng hết quả. Có đến 70% diện tích cam sen thiệt hại không thể khắc phục. Chỉ còn khoảng 30% còn lại là có thể vớt vát cho thu hoạch quả vào dịp Tết này.
Thiên tai qua đi, người nông dân trồng cam lại đối diện với loài địch hại khác. Đó là bướm mắt đỏ còn gọi là bướm ma với khả năng đốt đâu rụng đó. Loại côn trùng này rất thích tấn công những quả cam vào mùa thu hoạch. Đặc biệt, sau bão cam va đập quả nào còn trụ được trên cành cũng trầy xước. Mùi toả ra từ vết nứt rất hấp dẫn côn trùng. Những vết đó còn tiện cho bướm mắt đỏ dễ dàng thâm nhập chả cần phải tốn công chọc vòi hút. Đó là món ăn ưa thích của bướm mắt đỏ.
Vào dịp cuối năm, bướm mắt đỏ sinh sôi nhanh có thể thành dịch bệnh. Ông Hoàng Anh Tuấn thông tin, bướm mắt đỏ nhiều đến nỗi có nhà bắt trong 2 ngày đã được hàng nghìn con. Những quả còn lại trên cành sau bão cũng có nguy cơ rụng nốt vì bướm mắt đỏ.
Bao giờ thái lai?
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bản Sen, cho biết: Sau bão, chúng tôi đã vận động bà con rà soát diện tích cam bị hư hại, đối với những cây bị gãy cành cố gắng tìm giải pháp khôi phục hư hỏng, chăm sóc tốt những quả còn có thể thu hoạch dịp cuối năm. Đồng thời, chúng tôi cũng tiến hành rà soát hộ vay vốn ngân hàng chính sách để trồng cam đồng thời đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con. Xã sẽ có những giải pháp quy hoạch lại vùng trồng, hỗ trợ bà con bảo tồn nguồn gen quý của cam Bản Sen.
Chia tay Bản Sen, chúng tôi lên tàu để về cầu cảng Cái Rồng. Đi tàu gỗ từ Bản Sen về đến Cái Rồng mất hơn một giờ lênh đênh trên Vịnh Bái Tử Long. Như muốn giúp chúng tôi quên đi khoảng thời gian chờ đợi đó, anh chàng chủ tàu vui tính pha một ấm trà đặc biệt để thiết đãi hành khách. Thứ nước trà màu hồng hồng vừa được anh rót ra cốc, tôi đã nhận ra mùi thơm thoang thoảng len lỏi khắp khoang tàu.
Anh chủ tàu đưa chén mời chúng tôi thưởng thức rồi bảo, uống đi thứ trà này cùng với cam sen là đặc sản ngoài này. Năm nay, chỉ còn trà Vân để uống chứ cam thì rụng hết rồi. (Bản Sen cùng với Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng gọi chung là tổng Vân Hải dân gian gọi là Làng Vân có lẽ trà Vân là đặt tên theo làng).
Anh chàng chủ tàu dừng lời, buông lửng câu nói vào chiều thu vàng vọt. Mắt anh đăm chiêu nhìn về những dãy núi đá dần mờ xa. Nơi đó, từng có những cây cam sen sai trĩu quả. Tôi biết, anh đang mường tượng về những vụ cam sau này.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()