Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 13:40 (GMT +7)
Bánh gio, từ truyền thống tới sản phẩm OCOP
Chủ nhật, 06/08/2017 | 14:54:06 [GMT +7] A A
Bánh gio có rất nhiều ở các địa phương, nhưng bánh gio Quảng Yên vẫn nổi tiếng thơm ngon hơn cả và được thực khách mọi miền yêu thích. Bánh đặc trưng bởi màu hồng mật, ngon mắt, óng ánh, trong suốt với vị ngai ngái đặc trưng. Vốn là loại bánh truyền thống lâu đời, ngày nay bánh gio Quảng Yên đã trở thành món quà quê hấp dẫn và là sản phẩm truyền thống được công nhận sản phẩm OCOP.
Nghệ nhân Bùi Văn Vần, xã Phong Cốc, TX Quảng Yên cẩn thận thực hiện khâu luộc bánh gio. |
Theo những cụ cao niên trong vùng kể thì trước bánh gio (hay còn gọi là bánh tro) là loại bánh truyền thống được làm trong những dịp lễ, Tết. Từ lâu, nhiều hộ coi làm bánh gio là nghề phụ truyền thống của gia đình mình. Vì thế mỗi dịp lễ, Tết, trên mâm cỗ không thể thiếu vắng đĩa bánh gio nóng hổi, màu hồng mật, trông rất ngon mắt.
Được giới thiệu, chúng tôi tới thăm hộ gia đình ông Bùi Văn Vần (khu 6, phường Phong Cốc, Quảng Yên), một trong những hộ sản xuất bánh gio lớn của địa phương. Ông Vần là nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm, gia đình có 4 đời truyền thống làm nghề bánh gio, cho biết: Sở dĩ có tên gọi đặc biệt trên bởi bánh gio được chế biến từ gạo nếp ngon và nước cốt gio của cây giá, một loại cây ngập mặn chỉ có ven sông Bạch Đằng, khu đầm nhà Mạc phía giáp với TP Hải Phòng... Nhờ loại cây đặc biệt này mà bánh gio Quảng Yên khác biệt và ngon nổi tiếng với màu hồng mật đẹp mắt, hương vị riêng có.
Sau nhiều năm kinh nghiệm, ông Vần đã đúc kết được quy trình, kinh nghiệm chế biến bánh ngon. Tuy vậy, theo nghệ nhân để làm bánh gio ngon không hề đơn giản, phải cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu tới khâu luộc bánh.
Nguyên liệu chính của bánh gio là gạo nếp. Muốn làm được bánh ngon phải chọn gạo tốt, ngon nhất là nếp cái. Thông thường nhất vẫn là nếp mùa mới, trắng, có vị thơm, hạt tròn đều. Gạo phải được sàng sảy kỹ, bỏ hạt xấu, loại gạo tẻ lẫn vào bởi dù chỉ một vài hạt gạo tẻ sẽ làm bánh mất hết độ dẻo, thơm vốn có. Sau đó, gạo được vo, mang hong khô rồi ngâm nước 5-6 tiếng.
Bánh gio Quảng Yên với vị thơm, màu hồng mật hấp dẫn. |
Nguyên liệu quan trọng nhất chính là nước gio, thứ nước chắt ra từ quá trình ngâm, lắng lọc kỹ nhiều lần nước tro cây giá cho thật trong. Nhiều nơi còn hoà với chút nước vôi lắng trong cho sạch rồi mới đem đi trộn với gạo nếp.
Tiếp theo là khâu làm khuôn bánh. Bánh gio gói bằng lá dong hoặc lá chuối. Nghệ nhân làm bánh chọn lá đẹp, phơi qua đem luộc cho mềm rồi rửa sạch để làm khuôn gói phía trong. Phía ngoài gói một lớp lá dong và chuối xanh để định hình cho bánh. Lá luộc rồi được đặt bên trong, bao bọc bên ngoài là một lớp lá chuối và lá dong xanh, cuộn lại thành khuôn.
Gạo nếp ngâm kỹ, ngậm nước căng hạt rồi đổ gạo vào khuôn lá, gói đều tay bằng dây ni lông. Cuối cùng khâu luộc bánh cũng cần cẩn thận xếp bánh chiều dọc, kín nồi, rồi để lửa đủ độ cho bánh chín đều, mềm mà không nát bánh. Với cách làm này, thông thường dịp mùa hè, cơ sở ông tiêu thụ từ 200-300 chiếc, tăng mạnh vào mùa đông, dịp lễ, Tết với 1.000-2.000 chiếc/ngày.
“Dù được biết đến rộng rãi, được cải tiến mẫu mã, nhãn hiệu nhưng loại bánh truyền thống này vẫn chủ yếu chế biến thủ công. Bánh hoàn toàn không hề có phụ gia hoặc hoá chất nào. Các khâu đều được làm rất cẩn thận, đảm bảo vệ sinh. Chính sự cầu kỳ ở nguyên liệu, tìm tòi cây giá; sự cần cù của nghệ nhân quyết định chất lượng và sự khác biệt của bánh gio Quảng Yên với các vùng khác” - nghệ nhân Vần chia sẻ.
Bánh gio Quảng Yên ăn rất mát, tiêu hoá nhanh, có lợi cho sức khoẻ. Hiện sản phẩm được công nhận là OCOP và được thực khách ưa chuộng, tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()