Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:47 (GMT +7)
Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) Bảo đảm công tác đền bù, tái định cư phải gắn với đầu tư hoàn thành dự án
Thứ 3, 29/10/2024 | 22:48:01 [GMT +7] A A
Cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án, song đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định chặt chẽ tại các điều, khoản để bảo đảm công tác đền bù, tái định cư gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí.
Chiều 29/10, thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đa số ý kiến đều tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật và cho rằng, các nội dung quy định tại dự thảo sẽ góp phần tháo gỡ căn bản những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công thời gian qua.
Góp phần khắc phục tình trạng đầu tư kéo dài và giải ngân chậm
Trong dự thảo luật sửa đổi, Chính phủ đề xuất cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C).
Việc tách giải phóng mặt bằng đối với các dự án phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, xác định được nguồn vốn và được xác định khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; qua đó hạn chế việc giải phóng mặt bằng tràn lan.
Tán thành việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng nhằm khắc phục tình trạng đầu tư kéo dài và giải ngân chậm, song đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị, cần quy định cụ thể về thời gian hoàn thành cho cả dự án giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng công trình.
Hoặc quy định dự án được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn một là thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, giai đoạn 2 thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn thành phố Cần Thơ) dẫn khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật quy định: “Trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định theo thẩm quyền…”.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, bổ sung làm rõ nội dung “trường hợp thật sự cần thiết” là những trường hợp nào để các địa phương thống nhất trong triển khai Luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án thành phần độc lập trong tổng thể dự án đối với tất cả các nhóm dự án.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần quy định chặt chẽ tại các điều, khoản để bảo đảm công tác đền bù, tái định cư gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí và tổng thời gian bố trí vốn thực hiện 2 dự án thành phần độc lập để hoàn thành các chương trình, dự án không được vượt quá quy định về thời gian thực hiện dự án.
Cân nhắc kỹ quy định sử dụng nguồn chi thường xuyên cho lập, thẩm định các dự án
Về chi phí lập, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công, Điều 16 của dự thảo Luật quy định sử dụng nguồn chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị để thực hiện các chi phí lập, thẩm định, theo dõi kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, quy định như vậy nhằm mở rộng phạm vi sử dụng nguồn vốn để chuẩn bị đầu tư công cho các dự án, tạo ra sự linh hoạt cho các bộ, cơ quan, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, nhất là những dự án có tính chiến lược quốc gia hay những dự án quan trọng của địa phương.
Tuy nhiên, nếu không quy định chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến các nguồn chi khác trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục có chủ trương giảm chi thường xuyên. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc và lý giải lý do của việc sửa đổi nội dung này.
Nếu sửa đổi theo hướng trên, cần quy định rất chặt chẽ và chỉ áp dụng đối với những dự án thật sự cấp bách, có tính khả thi và có tác động thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội một cách rõ ràng, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cũng đề nghị cần cân nhắc quy định này, vì việc quy định sử dụng nguồn chi thường xuyên có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ khác từ nguồn chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Tán thành với việc bổ sung nguồn chi thường xuyên cho những hoạt động đầu tư công nêu trên để tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn, song đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) đề nghị, một số nội dung chi cần được cân nhắc kỹ, vì phạm vi chi tương đối rộng, nếu không được quy định chặt chẽ có thể dẫn đến quy mô chi thường xuyên tăng cao, tác động đến thực hiện chủ trương chung là giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển.
“Nhiều nội dung có thể dẫn đến nguồn chi lớn như chi lập, thẩm định, quyết định dự án; chi phí phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài… Các nội dung chi này sử dụng nguồn chi lớn, nếu không phân tách rõ ràng trong sử dụng nguồn chi đầu tư và chi thường xuyên cho những nhiệm vụ này có thể dẫn đến tăng chi thường xuyên”, đại biểu Tú lưu ý.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()