Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 07:33 (GMT +7)
Nghiên cứu sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội
Thứ 7, 30/11/2024 | 22:53:22 [GMT +7] A A
Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, bên cạnh đó đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Chiều 30/11, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo kết quả kỳ họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang nêu rõ, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công rất tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Tại phiên khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội.
Sau 29,5 ngày làm việc (đợt 1: từ ngày 21/10 đến ngày 13/11; đợt 2: từ ngày 20-30/11) với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với việc xem xét 51 nội dung, nhóm nội dung.
Trong đó có 33 nội dung thuộc công tác lập pháp, 18 nhóm nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, bên cạnh đó đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Cùng với đó, Quốc hội đã xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và nhiều vấn đề quan trọng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Đồng thời giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Tại cuộc họp báo, trao đổi với báo chí về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nêu rõ, Trung ương đã đưa ra định hướng rất quan trọng về tinh gọn bộ máy, tinh gọn không phải giảm đi mà phải “tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả,” bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Để triển khai công việc này, Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo và Chủ tịch Quốc hội trực tiếp là Trưởng Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo đang tiến hành công tác tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó tiến hành rà soát, nghiên cứu tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
“Chúng tôi đang trong lộ trình thực hiện, rà soát và sẽ thông báo sớm các kết quả, phương án được báo cáo với Bộ Chính trị và Đảng đoàn Quốc hội để các phóng viên kịp thời thông tin, tuyên truyền đến với cử tri, nhân dân,” Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết.
Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra vấn đề tiếp tục đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp.
Nêu vấn đề này, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là Tổng Bí thư, lãnh đạo Quốc hội, chúng ta đã áp dụng ngay tại Kỳ họp này.
“Trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã nêu rất rõ, các quy trình, quy phạm, trình tự, thủ tục được quy định trong văn bản dưới luật. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do mong muốn áp dụng ngay nên các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội đều mong muốn đưa ngay các quy trình, thủ tục vào luật, dẫn đến thực tế khi có sự thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế-xã hội, chúng ta phải liên tục sửa luật,” ông Nguyễn Trường Giang cho biết.
Theo Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, lần này giao quy trình, quy phạm cho Chính phủ quy định và phải bảo đảm ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành cùng với Luật.
Thời gian gần đây, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết ngày càng giảm đi. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội phải tăng cường giám sát để bảo đảm luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực theo.
Liên quan đến việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, qua kiến nghị cử tri đều rất bức xúc.
Quan trọng nhất là tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 8, các đại biểu đều thống nhất, đây là vấn đề cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và đối với trẻ em. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, vì vậy Quốc hội quyết định đưa nội dung này vào Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8.
Về vấn đề tại sao không tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng cả năm 2025, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Vũ Tuấn Anh cho biết, việc giảm thuế cần tính toán đến việc cân đối ngân sách của các địa phương.
Việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết ngày 30/6/2025 là phù hợp để thuế suất thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/7/2025./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()