Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 07:51 (GMT +7)
Bảo hiểm y tế học sinh: Lình xình, vì đâu?
Thứ 7, 12/09/2015 | 05:14:07 [GMT +7] A A
Bên cạnh điểm mới được tiếp nhận hồ hởi là sự thống nhất về lễ khai giảng năm học 2015-2016, thì có một cái mới lại vấp phải phản ứng của nhiều người dân có con trong độ tuổi đến trường. Đó là việc đóng bảo hiểm y tế học sinh. Với sự điều chỉnh tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5% cùng với quy định đóng 15 tháng, mức thu bảo hiểm y tế của năm học 2015-2016 là 543.375 đồng (năm học trước mức thu là 289.800 đồng).
Trước hết, cần khẳng định, đây là khoản thu bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và đối tượng tham gia là học sinh, sinh viên tất yếu được thụ hưởng quyền lợi khi khám, chữa bệnh. Song, với sự thông báo gần như có tính chất bất ngờ cùng mức đóng dồn cục cao như đã nói ở trên khiến cho phụ huynh học sinh, nhất là người lao động có thu nhập thấp cảm thấy bức xúc. Làm một bài toán đơn giản, trong gia đình có 2 con đi học, như vậy, chỉ riêng khoản bảo hiểm y tế đã hơn triệu bạc, chưa nói tới các khoản đóng góp khác mang tính chất thường kỳ của năm học mới. Có thể nhìn nhận, sự “lình xình” của câu chuyện bảo hiểm y tế học sinh năm học 2015-2016 dưới những góc độ sau:
Một là, với những quy định mới dẫn tới sự thay đổi về mức đóng cũng như thời gian đóng, ngành Bảo hiểm và ngành Giáo dục cần phối hợp làm tốt công tác thông tin sớm. Giá như, ngành Bảo hiểm có tờ thông tin giải thích để phát đến các cơ sở giáo dục nhằm hỗ trợ cùng với đội ngũ giáo viên trong quá trình triển khai thu thì có lẽ sự thắc mắc không nhiều đến vậy. Qua nắm bắt từ thực tế cho thấy, có nhiều nhà trường cũng rất lúng túng trước những câu hỏi “Vì sao bảo hiểm y tế năm nay tăng cao?” của phụ huynh. Và, nếu như chỉ trả lời rằng “Theo quy định mới của Luật”, tất yếu không thoả mãn.
Được biết, một trong những điểm mới của bảo hiểm y tế năm học 2015-2016 là thu theo năm tài chính chứ không thu theo năm học như trước đây. Theo đó, thẻ bảo hiểm y tế học sinh sẽ có giá trị theo năm tài chính từ 1-1 đến 31-12 hàng năm. Do là năm đầu tiên triển khai theo Luật Bảo hiểm y tế mới nên năm học này sẽ có thêm 3 tháng của năm 2015 và 12 tháng của năm 2016 nên tổng thu là 15 tháng. Đây là tình huống chỉ xảy ra trong năm đầu tiên áp dụng luật mới. Theo tìm hiểu, cách thu theo năm tài chính sẽ phát huy tác dụng từ năm học 2016-2017 trở đi. Điều này có nghĩa là, từ năm học đó, phụ huynh sẽ không phải đóng bảo hiểm y tế cho con em mình vào mùa tựu trường nữa, mà có thể đóng vào thời điểm cuối học kỳ 1. Song, để có được những thông tin giải thích mang tính chất ngọn ngành này, thì dường như phụ huynh chưa nhận được từ phía đơn vị đang làm nhiệm vụ thu cho ngành Bảo hiểm đó là các cơ sở giáo dục. Quả thật, cùng với rất nhiều nhiệm vụ phải triển khai cho năm học mới thì với ngành Giáo dục, việc hoàn thành chỉ tiêu thu bảo hiểm y tế đang là một khó khăn. Do vậy, các đơn vị bảo hiểm xã hội trên mỗi địa bàn cần phải vào cuộc kịp thời để giúp người dân hiểu rõ.
Hai là, với việc quy định về thời gian thu 15 tháng, dẫn tới số tiền đóng một lúc cao như vậy khiến cho phụ huynh học sinh cảm thấy “căng” vì còn phải lo nhiều khoản đóng góp khác. Trả lời phỏng vấn trên Báo điện tử Vietnamnet, ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Y tế nghiên cứu điều chỉnh Thông tư liên tịch số 41 và kiến nghị Liên Bộ thay đổi phương thức đóng theo phân kỳ. Song, cách làm này đã được Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh triển khai bằng việc ban hành văn bản hướng dẫn các trường học có thể chia làm 2 đợt thu; đợt 1 từ 1-10 đến 31-3-2016 và đợt 2 từ 1-4-2016 đến 31-12-2016. Như vậy, với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn cũng sẽ được giảm bớt gánh nặng trong thời điểm đầu năm học mới.
Mong rằng, sự “nóng” của câu chuyện bảo hiểm y tế học sinh sẽ nhanh chóng được giảm nhiệt bằng những tháo gỡ kịp thời bởi nhiều cách làm hiệu quả, từ thông tin giải thích đến điều chỉnh những vấn đề cần thiết trong các văn bản hướng dẫn để người thực hiện sẽ không thấy áp lực.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()