Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:23 (GMT +7)
Bảo tồn, phát triển đàn lợn Móng Cái
Thứ 6, 04/08/2023 | 11:33:04 [GMT +7] A A
Lợn Móng Cái là giống lợn quý bản địa nhưng lại đang dần mai một, lai tạp ít nhiều với các giống lợn khác. Các ngành chức năng, nhà chuyên môn đang tìm tòi, nghiên cứu giải pháp khôi phục lại giống vật nuôi thuần chủng, phát triển lại đàn lợn Móng Cái.
Theo giới chuyên môn, lợn Móng Cái là giống vật nuôi nguồn gốc hoang dã, được thuần hóa về chăn nuôi tại gia đình. Điểm nổi bật của giống lợn này là có sức đề kháng bệnh tốt, ít khi bị các bệnh truyền nhiễm, chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt. Chất lượng thịt lợn khá nổi bật nhờ một số đặc tính: Da mỏng, thịt mềm, ngọt giòn, không ngấy, giàu dinh dưỡng. Đồng thời, khả năng sinh sản của giống lợn này cũng được đánh giá cao, bình quân mỗi con lợn nái có thể sinh sản 2 lứa/năm, 12 con/lứa; con sữa 40 ngày đạt 68kg/lứa... Trước đây, người dân một số xã biên giới như Hải Sơn, Bắc Sơn, Quảng Nghĩa... làm kinh tế từ việc chăn nuôi lợn Móng Cái với quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Do phương pháp nuôi truyền thống kém hiệu quả, năng suất thấp, nên đàn lợn dần suy giảm, dần lai tạp với các giống lợn khác, mất đi tính thuần chủng.
Để bảo vệ, phát triển lại đàn lợn Móng Cái, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, như: Tìm lại nguồn giống quốc gia lưu trữ tại các trung tâm giống trong cả nước; kêu gọi, hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho người chăn nuôi. Năm 2019 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4495/QĐ-UBND “Phê duyệt phương án bảo tồn giống lợn Móng Cái trên địa bàn tỉnh dưới dạng tinh dịch đông lạnh, phôi đông lạnh; tái tạo giống lợn Móng Cái bằng thụ tinh nhân tạo và cấy truyền phối”. Phương án được thực hiện tại 3 cơ sở: Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường Quảng Ninh (TP Cẩm Phả); Công ty TNHH MTV phát triển NLN Quảng Ninh (TP Móng Cái); Công ty CP Nông nghiệp Tuấn Long (huyện Hải Hà); 100% kinh phí do UBND tỉnh hỗ trợ, từ xét nghiệm bệnh tả lợn châu Phi, giám sát, nghiệm thu, đông lạnh tinh và phôi... Doanh nghiệp tham gia được hưởng thụ kết quả tái tạo giống lợn Móng Cái bằng thụ tinh nhân tạo và cấy truyền phôi; cam kết hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng lợn đực, lợn cái tham gia phương án.
Giai đoạn 2021-2025, Sở KH&CN cũng đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai nội dung nhiệm vụ “Bảo tồn nguồn gen lợn Móng Cái trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” thuộc Đề án khung bảo tồn nguồn gen tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu chung của nhiệm vụ nhằm phục tráng và phát triển đàn lợn Móng Cái thuần chủng bằng ứng dụng công nghệ gen, công nghệ hỗ trợ sinh sản và công nghệ dinh dưỡng.
Để duy trì đàn lợn Móng Cái thì yếu tố đầu ra cho sản phẩm cũng đang được chú trọng. Những năm gần đây, những món ngon từ lợn Móng Cái đã từng bước trở thành điểm nhấn trong thương hiệu du lịch của thành phố vùng biên nhờ có sự liên kết giữa HTX chăn nuôi và nhà hàng tiêu chuẩn đứng chân ngay trên địa bàn. Đơn cử như tại HTX Nông Nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Vạn Thành Phát đang duy trì nuôi bình quân từ 500- 600 con/ năm. HTX này đã ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Duyên Hải Quảng Ninh cho ra mắt sản phẩm “Lợn Móng Cái đủ món” phục vụ chính tại Khách sạn Viktor Legends (phường Hòa Lạc, TP Móng Cái). Một chu trình sản xuất- ẩm thực khép kín, khai thác nguồn thực phẩm chất lượng cao ngay tại địa phương chính là sản phẩm du lịch độc đáo được nhiều người quan tâm, ưa chuộng...
TP Móng Cái có 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao cấp tỉnh, có 22 sản phẩm được chấp thuận tham gia chu trình OCOP. Trong đó, riêng lợn Móng Cái được công nhận là sản phẩm chủ lực cấp Quốc gia, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ. Với tiềm năng như vậy, đàn lợn Móng Cái được bảo vệ, phát triển sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế nông nghiệp của người dân TP Móng Cái theo hướng nhanh và bền vững.
Ngoài lợn Móng Cái, thành phố Móng Cái còn có 2 sản phẩm nông nghiệp khác cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, là Tôm thẻ chân trắng Móng Cái và Ghẹ Trà Cổ. Trong đó, sản phẩm Tôm thẻ chân trắng là sản phẩm chủ lực cấp tỉnh.
Có thể nói, Chương trình OCOP đã khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của các hộ nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp; khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tích cực nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh, thay đổi tích cực về tư duy phát triển kinh tế tiếp cận với thị trường, chú trọng yếu tố chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm.
Phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn TP Móng Cái dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa tri thức bản địa theo ba trụ cột “Thiên nhiên - Văn hóa - Con người”, định hướng kinh tế tuần hoàn thông minh, bảo đảm sinh thái bền vững. Trong đó, tập trung thực hiện xây dựng thương hiệu “3 con, 2 cây, 1 điểm đến”: Con lợn Móng Cái, con bò thịt, con tôm; cây khoai lang, cây dược liệu và điểm đến Khu du lịch quốc gia Trà Cổ.
|
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()