Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:52 (GMT +7)
Gìn giữ và phát huy giá trị cây di sản
Chủ nhật, 03/04/2022 | 08:49:15 [GMT +7] A A
Bảo vệ cây di sản gắn liền với các di tích sẽ góp phần khơi dậy tinh thần bảo vệ môi trường, giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ các di sản văn hóa của cha ông.
Cây di sản là những cây thân gỗ lớn, đang sống trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên, có một hoặc một số giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hóa, lịch sử... được cộng đồng đề xuất, được chủ sở hữu cây đăng ký, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận và được bảo tồn tốt nhất theo khả năng. Cây di sản không đơn thuần là một cá thể thực vật mà nó gắn với văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh của cộng đồng.
Quảng Ninh là tỉnh có bề dày lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước nên có không ít cây di sản, chủ yếu gắn liền với các địa danh, đền, chùa lớn, với hàng trăm cây có tuổi đời trăm năm ở Cẩm Phả, Yên Tử (TP Uông Bí), Quảng Yên..., có những giá trị lớn về mặt khoa học, văn hóa, lịch sử, tôn giáo...
Cách đây mấy năm, 144 cây thuộc Khu di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Cụ thể, gồm: 1 cây đa tía, 1 cây thị, 102 cây hồng tùng (xích tùng), 10 cây thông nhựa, 21 cây mai vàng Yên Tử và 9 cây đại. Đây là niềm tự hào rất lớn, góp phần tăng thêm giá trị cho Yên Tử, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Ở Quảng Yên, riêng làng Hưng Học (phường Nam Hòa) đã có 2 cây di sản Việt Nam là cây bồ đề chùa Hưng Linh và cây đa đình Hưng Học. Đây là 2 cây cổ thụ gần 500 năm tuổi với tán lá xòe rộng, tạo cảnh quan môi trường thanh tịnh, trong lành tại chùa Hưng Linh và đình Hưng Học.
Cây đa được đánh số CDTLSQN 001 có tên khoa học là Ficus Bengalensis nằm ngay sau đình làng, rễ phụ buông xuống hai bên như thể chiếc cổng làng. Cây bồ đề ở chùa Hưng Linh được đánh số CDTLSQN 002 có tên khoa học là Ficus Religiosa. Đặc biệt hơn, cây bồ đề này mọc tự nhiên trên tháp mộ vị sư trụ trì. Hiện tại, phần rễ cây đã bao kín ngôi tháp mộ này.
Gần đây nhất, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận cây di sản Việt Nam đối với cây thị và cây gạo trong khuôn viên chùa Đống Phúc. Cây thị ở chùa Đống Phúc có tuổi đời hơn 900 năm, dáng cây bề thế với chiều cao 19m, chu vi thân 5,17m, tán thị trùm rộng tỏa bóng mát quanh năm.
Cây thị vốn có ý nghĩa lớn trong Phật giáo, bởi gỗ thị rất đẹp, bền, không bị mối mọt, nứt, co giãn… là loại gỗ duy nhất dùng để khắc kinh Phật. Cây gắn liền với làng cổ và hành dinh Trại Yên Hưng ủng hộ quan quân nhà Trần đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288. Cây thị cách không xa khu trung tâm Di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng.
Cây gạo sau chùa Đống Phúc có lịch sử hơn 400 năm, cao 18m, chu vi thân 5,9m. Trong tiềm thức dân gian, cây gạo biểu tượng cho sự phồn thịnh, sung túc. Vào tháng 3 âm lịch, hoa gạo nở đỏ mờ ảo trong mưa xuân đã tạo thành hình ảnh đẹp. Ngoài 2 cây thị, cây gạo trong khuôn viên chùa Đống Phúc, TX Quảng Yên còn có 2 cây lim Giếng Rừng, 1 cây quếch cổ thụ ở miếu Vua Bà.
Trải qua khắc nghiệt của thiên nhiên và biến cố lịch sử, những cây di sản vẫn sừng sững uy nghi chứng minh các giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của vùng đất và con người Quảng Yên. Đó là di sản sống, là minh chứng cho lịch sử hùng hồn và lâu đời của vùng đất Quảng Yên lịch sử. Những cây cổ thụ này còn là hồn cốt của không ít các di tích có giá trị.
Vì vậy, nhiều người dân Quảng Yên đã chủ động bảo vệ cây cổ thụ. Phật tử chùa Đống Phúc đã ra sức bảo vệ cây thị, cây gạo. Dân làng Hưng Học cũng chăm sóc cây tạo cảnh quan cho đình, chùa. Ông Phạm Thạnh, một doanh nhân quê ở làng Hưng Học, đã bỏ tiền xây dựng khuôn viên bao quanh cây bồ đề và cây đa, thuê xe chở đất phù sa không chua mặn từ xa về bón, tu bổ cho cây.
Việc công nhận cây di sản không chỉ giúp lưu giữ nguồn gen quý, bảo vệ những cây cổ thụ lâu năm, đây còn là thông điệp về đạo lý, nhân văn, bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân có công trồng và gìn giữ cây. Cây di sản gắn với các di tích nên nếu bảo tồn và phát huy tốt những giá trị hiện có thì sẽ trở thành sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, lịch sử độc đáo cũng như kết nối với hệ thống di tích, danh thắng ở các địa phương lân cận.
Huỳnh Đăng
- Độc đáo 14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam
- Bộ VHTTDL công bố Danh mục 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa
- Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch
- Quảng Yên có thêm 1 di sản văn hóa quốc gia, 1 di tích quốc gia
Liên kết website
Ý kiến ()