Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 06:16 (GMT +7)
Bảo vệ đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững
Chủ nhật, 22/05/2022 | 08:52:44 [GMT +7] A A
Quảng Ninh không chỉ là một điểm đến có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, một vùng đất giàu giá trị văn hóa và lịch sử mà còn được giới chuyên môn đánh giá rất cao về tính đa dạng sinh học (ĐDSH). Để gìn giữ, phát huy những giá trị đó, tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực trong quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên ĐDSH và coi đó là nhiệm vụ chiến lược nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển hiện tại cũng như sự bền vững cho tương lai.
Đồng bộ những giải pháp bảo tồn ĐDSH
Quảng Ninh hiện có một di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long) và 3 khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) được phê duyệt ở mức phân hạng cao (gồm vườn quốc gia Bái Tử Long, khu BTTN rừng quốc gia Yên Tử và khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng), với tổng diện tích 3 khu bảo tồn là 33.660ha, chiếm khoảng 0,55% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh.
Tỉnh cũng có sự ĐDSH cao với khoảng 4.350 loài, 2.236 chi, 721 họ thuộc 19 ngành, 3 giới động vật, nấm và thực vật và 19 hệ sinh thái chính. Trong đó có 182 loài đặc hữu, 154 loài nguy cấp thuộc Sách đỏ Việt Nam 2007, 56 loài thuộc Nghị định 32/NĐ-CP và 72 loài thuộc Danh mục đỏ IUCN 2009.
Trong nhiều năm qua, xác định bảo vệ tài nguyên ĐDSH là một nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược, là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển hiện tại và bền vững trong tương lai, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Theo đó, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành nổi bật như Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh “Về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022”; Quy hoạch đưa hoạt động nuôi trồng thủy sản ra vùng đệm và vùng phụ khu bảo tồn, khu di sản... Tỉnh cũng đã bố trí ngân sách để duy trì hoạt động thường xuyên tại các khu BTTN, đơn vị quản lý bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh, địa phương. Đồng thời, triển khai các giải pháp kỹ thuật, pháp lý bảo vệ các hệ sinh thái, các loài sinh vật bị cấm đánh bắt trong khu vực bảo vệ tuyệt đối di sản Vịnh Hạ Long...
Công tác tăng cường phối hợp, kiểm tra, tuần tra, giám sát để phát hiện ngăn chặn và xử lý các hoạt động xâm hại các hệ sinh thái, đánh bắt các loài quý hiếm, khai thác đánh bắt thủy hải sản bằng những phương pháp mang tính hủy diệt được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt.
Từ năm 2013 đến nay đã phát hiện 8.073 vụ vi phạm, phạt tiền hơn 29,5 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về Luật ĐDSH, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản... tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về bảo vệ ĐDSH.
Những kết quả đáng khích lệ
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên đã có những kết quả tích cực. Đến nay, tỉnh đã tổ chức lập và triển khai Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020; Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện kiểm kê, bảo vệ khoảng 122.656ha rừng tự nhiên, 19.686ha rừng ngập mặn, 850ha cỏ biển, 140 rạn san hô. Tỉnh đã nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 38% năm 2000 lên 55,06% hiện nay, đứng thứ 14 cả nước.
Cùng với đó, việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên tại các khu BTTN và di sản thiên nhiên thế giới cũng được chú trọng. Giai đoạn 2013-2020, 100% khu BTTN và di sản đã được phê duyệt quy hoạch/kế hoạch bảo vệ và phát triển; 100% khu bảo tồn được bảo vệ tốt về ranh giới khu bảo tồn. Tỉnh cũng đã phê duyệt thực hiện hoàn thành 2 dự án quy hoạch thành lập 2 khu BTTN tại khu vực xã Đồng Rui (Tiên Yên) và huyện Cô Tô.
Đồng thời, quy hoạch thành lập 3 hành lang ĐDSH loại không liên tục, gồm: Hành lang ven biển, hành lang núi, hành lang biển với tổng diện tích là 131.525ha để quản lý trong giai đoạn 2021-2030.
Trong đó, ưu tiên thực hiện trước hành lang sinh thái ven biển (giai đoạn 2021-2025) với các dự án, như: Dự án gây bồi, tạo bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ Đê Thôn 1, xã Hải Đông (TP Móng Cái) đã trồng được 88,1ha; dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020 được phê duyệt với quy mô 1.444ha; khoanh vùng 14 khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh...
Đặc biệt, tỉnh đã lập hồ sơ đề cử, bảo vệ thành công và được Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN công nhận khu BTTN vườn quốc gia Bái Tử Long là vườn di sản ASEAN; đang triển khai các thủ tục đề nghị công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO xem xét công nhận là Di sản thế giới; phối hợp xây dựng hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà; lập hồ sơ đề nghị công nhận Khu đất, nước có tầm quan trọng quốc tế cho Khu đất ngập nước Đồng Rui - Tiên Yên.
Về bảo tồn các loài hoang dã và các giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp quý hiếm, Ban quản lý các khu BTTN đã tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, bảo vệ ranh giới, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, môi trường sống của các loài sinh vật tại khu bảo tồn.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn thực hiện các hoạt động điều tra, giám sát định kỳ hoặc theo chuyên đề ĐDSH; thực hiện các chương trình dự án bảo tồn tại chỗ đối với các loài như: Bách bệnh, lá khôi tía; hải sâm trắng... và bảo tồn chuyển chỗ đối với các loài như: Rắn hổ mang chúa, mèo rừng, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn... Đến nay, toàn tỉnh có 63 cơ sở gây nuôi 15 loài (4.119 cá thể) động vật hoang dã nằm trong phụ lục CITES và danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm.
Với những tiềm năng, lợi thế lớn về nguồn ĐDSH, Quảng Ninh từng bước khai thác để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái. Tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; thí điểm phát triển mô hình du lịch sinh thái tại xã đảo Quan Lạn (Vân Đồn); mô hình dự án thí điểm nuôi trồng thủy sản bền vững gắn với du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long tại khu vực Vung Viêng...
Thời gian tới, để tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn ĐDSH tại địa phương, tỉnh đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Củng cố về thể chế, hệ thống quản lý nhà nước về ĐDSH; tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật ĐDSH; phát triển nguồn lực cho bảo tồn ĐDSH; củng cố thông tin và cơ sở dữ liệu về ĐDSH; đầu tư nguồn lực để thực hiện các chính sách về bảo tồn ĐDSH trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đặc biệt, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 đạt kết quả tốt.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()