Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 18:23 (GMT +7)
Đại học Hạ Long với định hướng Đại học số
Chủ nhật, 17/11/2024 | 15:26:27 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, nhất là các trường đại học mới được thành lập nếu muốn thăng hạng trong nước và quốc tế, muốn nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và quản lý cũng như thu hút người học.
Chuyển đổi số chính là để đáp ứng được yêu cầu mới của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng sáng tạo, tiếp thu nhanh trình độ KHCN trên thế giới, phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ giảng viên, giáo viên của Trường Đại học Hạ Long không chỉ trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ mà còn tích cực dạy học theo phương pháp hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Hoàng Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, về nội dung này.
- Chúng tôi được biết, từ tháng 3 năm nay, Trường Đại học Hạ Long đã có một Kế hoạch về chuyển đổi số. Bà có thể chia sẻ đôi nét về nội dung này
+ Đúng là từ tháng 3 năm nay, Trường Đại học Hạ Long đã ban hành Kế hoạch về chuyển đổi số nhằm góp phần hiện thực hoá xã hội số - một trong ba trụ cột chuyển đổi số quốc gia, gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trên cơ sở Kế hoạch này, Trường Đại học Hạ Long đã xây dựng Đề án chuyển đổi số tại nhà trường và hiện Đề án đã được gửi tới các sở, ngành liên quan để xin ý kiến góp ý.
Chúng tôi xác định từ năm 2024 tới 2027, Trường Đại học Hạ Long sẽ hoàn thiện bộ khung của Đại học số và từ 2027 tới 2030 sẽ triển khai các thành phần chi tiết của đại học số. Mục tiêu đặt ra là từ năm 2030, mọi hoạt động quản trị, tổ chức đào tạo của Trường Đại học Hạ Long được vận hành theo mô hình đại học số với sự liên thông, đồng bộ về hệ thống dữ liệu, học liệu để việc vận hành, tổ chức đào tạo ngày càng khoa học, hiệu quả hơn.
- Trong công tác giảng dạy, nội dung chuyển đổi số được giảng viên, giáo viên Trường Đại học Hạ Long thực hiện như thế nào?
+ Trên nền tảng của tin học hoá và công nghệ số, đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Hạ Long đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số với những kết quả đáng ghi nhận. Việc số hoá đã giúp công tác tổ chức đào tạo được tiến hành nhanh, hiệu quả, công khai, minh bạch. Từ việc giảng viên xây dựng học liệu với nhiều dạng thức phong phú, việc giao - nhận nhiệm vụ học tập giữa giảng viên với sinh viên, việc nghiên cứu tài liệu, thực hiện nhiệm vụ và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập tới việc giảng viên điểm danh, chấm bài, công bố điểm..., tất cả đều được thực hiện trên nền tảng số. Điều này giúp công tác tổ chức đào tạo được thực hiện với tốc độ nhanh, thuận tiện, lượng kiến thức trao đổi giữa các bên lớn nhưng lại tiết kiệm thời gian. Điều đó giúp cải thiện, nâng cao đáng kể hiệu quả cũng như chất lượng đào tạo.
- Còn việc đào tạo giáo viên của Trường Đại học Hạ Long đang được thực hiện như thế nào?
+ Hiện nay, Trường Đại học Hạ Long đang đào tạo 7 ngành sư phạm, trong đó có 1 ngành cao đẳng Giáo dục mầm non và 6 ngành trình độ đại học (gồm Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Sư phạm Anh, Sư phạm Văn, Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Tin học). Trong tiến trình chuyển đổi theo mô hình đại học số, việc tổ chức đào tạo giảng viên của Trường Đại học Hạ Long cũng đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ.
Các bài giảng từng bước được phát triển trên nền tảng ứng dụng CNTT, thiết bị kỹ thuật hiện đại, giảng viên và sinh viên cập nhật và tương tác với hệ thống học liệu điện tử của trường, các công nghệ mới cũng được ứng dụng vào hoạt động dạy và học, kiểm tra, đánh giá, ứng dụng nền tảng trực tuyến để tổ chức các buổi toạ đàm, sinh hoạt chuyên môn. Công bố danh thiếp giảng viên trên nền tảng số hỗ trợ liên lạc giữa giảng viên và sinh viên trong tiến trình dạy - học. Một số học phần liên quan đến đào tạo năng lực số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào tổ chức dạy học được quan tâm nghiên cứu, ứng dụng. Đội ngũ giảng viên được cử và khuyến khích tham gia các hội thảo, khoá học liên quan đến ứng dụng công nghệ số trong dạy học tích cực, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thời đại và xu thế giáo dục hiện đại.
- Được biết, đoàn đại biểu của nhà trường vừa tham gia hội thảo quốc tế "Đổi mới sáng tạo và phát triển trong đào tạo văn hoá nghệ thuật". Vấn đề này ở Trường Đại học Hạ Long đang được thực hiện như thế nào, thưa bà?
+ Như đã biết, Trường Đại học Hạ Long có truyền thống và có điều kiện tốt để đào tạo văn hóa và nghệ thuật. Ngành Quản lý văn hóa của nhà trường đã có truyền thống đào tạo hơn 20 năm, với 10 năm đào tạo trình độ đại học. Các ngành đào tạo lĩnh vực nghệ thuật của nhà trường cũng luôn đạt nhiều thành tích cao và phục vụ tốt các chương trình văn hóa nghệ thuật, lễ hội của tỉnh và các địa phương. Nhà trường luôn quan tâm, đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa, nghệ thuật và trăn trở tìm những hướng đi mới để phát triển văn hóa, nghệ thuật sao cho vừa gìn giữ các giá trị truyền thống vừa cập nhật những hơi thở đương đại, hội nhập quốc tế.
Ngày 30/10/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Nhằm triển khai Nghị quyết này, hiện nay Trường Đại học Hạ Long một mặt phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và các cơ quan liên quan tham mưu tỉnh ban hành chính sách thu hút đội ngũ giảng viên nghệ thuật có trình độ tiến sĩ về công tác tại trường, làm cơ sở để có thể sớm mở được các ngành đào tạo nghệ thuật trình độ đại học.
Song song với đó, chúng tôi đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các chuyên ngành nghệ thuật đang có của Trường Đại học Hạ Long. Trước mắt, với năm 2025, Trường Đại học Hạ Long đề xuất tỉnh phê duyệt mở ngành Sư phạm Âm nhạc trình độ đại học, nghiên cứu, xây dựng thí điểm mô hình đào tạo văn hóa nghệ thuật truyền thống có sự tham gia truyền dạy của các nghệ nhân, nghệ sĩ.
- Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bà có chia sẻ gì với đội ngũ giảng viên, giáo viên hiện đang công tác tại trường?
+ Tháng 10 vừa qua, Trường Đại học Hạ Long đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm truyền thống, 10 năm thành lập trường. Nhân dịp này, chúng tôi đã cùng nhìn lại hành trình 10 năm phát triển Trường Đại học Hạ Long và đúc kết nhiều bài học quý báu, trong đó quan trọng nhất là sự đồng tâm, nỗ lực phấn đấu với tâm huyết của toàn thể giảng viên, nhân viên nhà trường. Chúng tôi luôn ghi nhận và trân trọng sự cống hiến của đội ngũ nhà giáo nhiều thế hệ. Nhân dịp 20/11, chúng tôi một lần nữa ghi nhận và trân trọng những đóng góp và nỗ lực vươn lên của các thầy cô. Tập thể thầy cô trong Trường Đại học Hạ Long xứng đáng nhận được sự tôn trọng, biết ơn của thế hệ học trò. Chúng tôi luôn tin tưởng các thầy cô sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu, tiến bộ trong chuyên môn và luôn giữ được lòng nhiệt huyết, yêu nghề. Nhà trường luôn đồng hành với thầy cô. Chúc quý thầy cô niềm vui và sức khỏe.
- Cảm ơn Tiến sĩ đã trả lời phỏng vấn!
Phạm Học (Thực hiện)
- Móng Cái: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong trường học
- Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý điều hành giao thông
- Công tác định danh điện tử và sinh trắc học tại Vietcombank trong giai đoạn chuyển đổi số ngành ngân hàng
- Quá trình chuyển đổi số tại Vietcombank
- Hỗ trợ doanh nghiệp trẻ chuyển đổi số
- Đẩy nhanh chuyển đổi số cấp xã
Liên kết website
Ý kiến ()