Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 07:37 (GMT +7)
Bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh mùa Đông
Thứ 2, 18/01/2021 | 07:45:12 [GMT +7] A A
Mùa Đông, thời tiết lạnh giá, ẩm thấp là môi trường thuận lợi để các loại virus trên đàn vật nuôi phát sinh, lây lan, đặc biệt là dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm, tả lợn châu Phi trên đàn lợn, lở mồm long móng trên đàn trâu, bò... Đây là mối lo lớn cho người nông dân khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của người dân tăng cao, nếu xảy ra dịch sẽ gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Những ngày qua, người chăn nuôi ở huyện Hải Hà như “ngồi trên đống lửa” khi tại địa phương liên tiếp xuất hiện những ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6.
Được biết, ngày 14/1/2021, trong đàn gia cầm của gia đình ông Trần Đăng Xum, thôn 1, xã Quảng Phong, có hiện tượng chết rải rác. Đến ngày 15/1/2021, khi đã có hơn 100 con gia cầm chết, gia đình thông báo với chính quyền địa phương. Phòng NN&PTNT huyện đã ngay lập tức xuống lấy 3 mẫu gửi đi xét nghiệm. Đến sáng 17/1, kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y Vùng 2 đối với 3/3 mẫu đều dương tính với virus cúm A/H5N6.
Ngay khi có kết quả xét nghiệm, huyện Hải Hà đã chỉ đạo các ngành chức năng, xã Quảng Phong lập tức thực hiện các biện pháp khoanh vùng dập dịch. Toàn bộ 2.450 con gia cầm của gia đình ông Trần Đăng Xum bị tiêu hủy theo quy định.
Các lực lượng chức năng sử dụng hóa chất để tiến hành bao vây, khoanh vùng dập dịch cúm gia cầm tại hộ chăn nuôi Hoàng Văn Thành, thôn 8, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà. |
Trước đó, ngày 9/1/2021, cũng trên địa bàn huyện Hải Hà, xuất hiện ổ cúm gia cầm A/H5N6 trên đàn gà của hộ gia đình Hoàng Văn Thành, thôn 8, xã Quảng Minh. 3.000 con gà của gia đình này đã được tiến hành tiêu hủy. Còn ở TX Quảng Yên, ngày 18/12/2020, UBND xã Sông Khoai đã tiến hành tiêu huỷ gần 1.000 con gà bị nhiễm cúm gia cầm A/H5N6 của gia đình ông Nguyễn Văn Xuân, thôn 7.
Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân xuất hiện ổ dịch là do yếu tố bất lợi về thời tiết thời gian gần đây lạnh, ẩm kéo dài, virus vẫn còn tồn lưu trong môi trường tự nhiên, nhất là công tác chăn nuôi của những hộ dân chưa được đảm bảo an toàn sinh học. Cùng với đó, các hộ chăn nuôi còn chủ quan khi tái đàn gia cầm vào thời điểm sau tiêm phòng nhưng lại không thực hiện khai báo nhập đàn để tổ chức tiêm phòng bổ sung. Hay mua giống gia cầm có nguồn gốc không rõ ràng, không có giấy tờ kiểm dịch, không tiêm vắc xin phòng bệnh.
Ngay sau khi xuất hiện những ổ dịch cúm gia cầm, các địa phương đã chủ động tăng cường lực lượng xuống hộ chăn nuôi, bao vây dập dịch, tiêu huỷ hoàn toàn số gia cầm nhiễm cúm, huy động vật tư, phương tiện triển khai ngay các biện pháp cách ly, giám sát, khống chế để thanh toán dập dịch theo đúng hướng dẫn. Cùng với đó, tiến hành khử trùng toàn bộ vùng có dịch, vùng giáp ranh, đặt biển cảnh báo tại các điểm ra, vào ổ dịch, kiểm soát chặt các hoạt động buôn bán, vận chuyển giết mổ gia cầm, với phương châm tuyệt đối không để dịch lây lan rộng.
Có thể thấy, dịch cúm gia cầm đang có chiều hướng gia tăng, để hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình dịch bệnh cũng như các quy định trong phòng, chống dịch. Ngoài tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo định kỳ, cần coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn, nhất là khi người chăn nuôi bổ sung đàn phải tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, kịp thời… Đặc biệt việc nhập giống phải được kiểm soát chặt chẽ, hộ chăn nuôi phải thực hiện khai báo ban đầu với chính quyền địa phương để nắm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Có như vậy mới bảo vệ được đàn vật nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người nông dân.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()