Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:30 (GMT +7)
Bảo vệ môi trường đa dạng sinh học
Thứ 5, 18/01/2024 | 16:24:58 [GMT +7] A A
Với bờ biển dài 250km, vùng biển rộng hơn 6.000km2, tỉnh xác định bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược. Với những định hướng đúng đắn và nhiều giải pháp đồng bộ, công tác bảo vệ môi trường sinh học trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển KT-XH theo hướng bền vững.
Với quyết tâm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, chống đánh bắt tận diệt, góp phần tái tạo các loài thuỷ sản tự nhiên, ngày 1/9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18 về “Tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”; ban hành Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm; Nghị quyết số 12 (ngày 12/3/2018) “Về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022”; Nghị quyết số 10 (ngày 26/9/2022) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030...
Các địa phương, sở, ban, ngành liên quan, đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, xử lý nghiêm tình trạng tàu sử dụng nghề, ngư cụ cấm, tận diệt trong khai thác hải sản. Đến nay, Quảng Ninh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trên địa bàn tỉnh có 233 tàu cá từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi đã đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản và cấp chứng nhận ATTP đạt 100%. Toàn bộ 100% tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên (4.574 tàu) được cập nhật thông tin vào phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase. 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (233 tàu) đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS).
Nhận định về công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh học trên địa bàn tỉnh, Tiến sĩ Lê Hồng Anh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đánh giá cao mức độ đa dạng sinh học từ cạn đến trên biển của Quảng Ninh. Đây là nguồn lợi hết sức đa dạng, phong phú và có giá trị tài nguyên, phát triển rất cao. Quảng Ninh cũng luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường trong những năm qua với nhiều dự án trọng tâm được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Thông qua những dự án này, đã giúp cho Quảng Ninh có thêm những dữ liệu về sinh vật, sinh thái quan trọng để nhận định và phát triển, bảo vệ bền vững, qua đó sẽ giúp cho công tác quản lý tốt hơn.
Cùng với đó, để cụ thể hóa các nghị quyết, quy hoạch, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long và hướng tới nâng cấp thành Vườn Quốc gia; đề xuất công nhận Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar); phê duyệt quy hoạch chi tiết khu bảo tồn biển Cô Tô, Đảo Trần; thông qua đề án thành lập Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Quảng Nam Châu… Đặc biệt năm 2023, tỉnh hoàn thành chuyển đổi 6,85 triệu phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang phao nhựa thân thiện môi trường; quyết liệt xử lý nuôi trồng thủy sản trái phép và chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, hướng tới phát triển nghề cá bền vững và hội nhập quốc tế, bảo đảm sinh kế của người dân…
Thời gian gần đây, trên vùng biển thuộc huyện Cô Tô liên tục xuất hiện nhiều đàn cá voi, rùa biển, cá heo vào kiếm ăn, sinh sản, điều này cho thấy môi trường biển của Quảng Ninh ngày càng tốt lên, công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, chống đánh bắt tận diệt được thực hiện tốt, nhiều loài thuỷ hải sản phục hồi.
Bà Đinh Thị Hà (thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô) cho biết: Người dân huyện đảo luôn cố gắng giữ gìn được môi trường biển sạch, như vậy mới có thể thu hút sự sinh sản, phát triển của các loài thủy, hải sản. Và hơn hết, chính người dân được hưởng lợi trong đánh bắt, khai thác và phát triển du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương...
Mới đây, tại Hội thảo tổng kết “Nhiệm vụ điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh”, cho thấy số sinh vật trên toàn tỉnh được các nhà khoa học kiểm kê hiện lên tới 6.264 loài, nhiều hơn 1.900 loài so với lần kiểm kê năm 2016... Qua đó, đã khẳng định tính đa dạng sinh học nổi bật của ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Ông Nguyễn Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Từ nay tới năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu từng bước ngăn chặn, đẩy lùi gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường và ngăn chặn sự suy giảm bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng gắn định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, tham mưu tỉnh củng cố về thể chế, hệ thống quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, phát triển nguồn lực cho bảo tồn. Đồng thời, củng cố thông tin và cơ sở dữ liệu, đầu tư nguồn lực để thực hiện các chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đặc biệt, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 đạt kết quả tốt. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()