Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:28 (GMT +7)
Bất cập trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ
Thứ 7, 18/09/2021 | 09:17:39 [GMT +7] A A
Những lùm xùm về phát ngôn, ứng xử và hoạt động của giới nghệ sĩ Việt thời gian qua đã nhận được sự quan tâm rất nhiều của công chúng.
Thời gian gần đây, có nhiều lùm xùm trong phát ngôn, ứng xử, và hoạt động của giới nghệ sỹ, giải trí Việt, cả ngoài đời và trên mạng xã hội. Không chỉ chửi tục, công kích, bôi nhọ nhau, rồi phát tán tin giả, phát ngôn chia rẽ, gây hận thù, nhiều người còn dùng danh tiếng của mình để quảng cáo sản phẩm kém chất lượng. Và gây bức xúc dư luận nhất là những lùm xùm quanh việc làm từ thiện.
Cùng với những thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, hàng loạt ý kiến yêu cầu các nghệ sỹ phải minh bạch trong hoạt động từ thiện. "Trước đây, với việc làm thiện nguyện, người ta sẵn lòng nhưng giờ người ta sẽ phải cân nhắc. Điều này ảnh hưởng đến lòng tin của những người có mong muốn làm từ thiện", PGS.TS Nguyễn Thu Hương - Khoa Tâm lý, Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội chia sẻ về những vụ lùm xùm từ thiện vừa qua.
Không chỉ từ thiện, câu chuyện nghệ sĩ quảng cáo bất chấp cho những sản phẩm kém chất lượng hay không được pháp luật cho phép… cũng khiến dư luận chú ý. Nhiều người nổi tiếng đã phải lên tiếng xin lỗi khi chia sẻ tin giả, tin chưa kiểm chứng, phát ngôn gây chia rẽ.
Nổi tiếng có thể đem lại cho nghệ sỹ nhiều tiền bạc, khiến họ an tâm làm nghệ thuật. Nhưng nếu hành xử thiếu văn hoá, không quan tâm đến trách nhiệm xã hội, họ có thể đánh mất tất cả, đặc biệt là niềm tin yêu của công chúng.
Thực tế là một số người nổi tiếng gồm cả nghệ sỹ, người hoạt động giải trí, thậm chí một số người "nổi tiếng" lại không phải bởi tài năng hay đóng góp cho văn hóa nghệ thuật. Độc giả đặt câu hỏi về tính xác thực của thông tin nhiều nghệ sỹ giãi bày, nhiều độc giả đã mất niềm tin vào những người họ từng gọi là nghệ sỹ.
Mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã biên soạn Dự thảo "Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật"... Đây là động thái tích cực trong nỗ lực nhằm chấn chỉnh môi trường nghệ thuật lành mạnh, quy củ hơn. Bộ quy tắc ứng xử có 11 điều, áp dụng cho người hoạt động nghệ thuật ở cả khối nhà nước, tư nhân và tự do, bao trùm khá đầy đủ các hoạt động của nghệ sỹ trong nghề nghiệp, truyền thông, mạng xã hội và hoạt động cộng đồng
Nổi bật là một số quy tắc như công khai, minh bạch thông tin trong các hoạt động xã hội; Khi tham gia hoạt động quảng cáo, đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm; Không lợi dụng hình ảnh để trục lợi cá nhân, ảnh hưởng danh dự và uy tín của người làm nghệ thuật; Trung thực, có trách nhiệm trong phát ngôn, không gây mâu thuẫn, cạnh tranh không lành mạnh; Phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa đến cộng đồng.
Bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ ra đời đã thu hút sự quan tâm của giới giải trí lẫn công chúng. Nghệ sĩ sẽ được "chấn chỉnh" những gì và liệu hiệu quả của việc chấn chỉnh đến đâu khi bộ quy tắc này được ban hành? Mỗi nghệ sĩ cần phải ý thức về vai trò, giá trị của mình và nhất thiết phải xứng đáng với hai tiếng nghệ sĩ trước công chúng.
Cũng như những bộ quy tắc ứng xử khác như cho cán bộ, cho người dùng mạng…, bộ quy tắc ứng xử mang tính khuyến cáo và không phải công cụ trừng phạt cá nhân. Nhưng với sức ảnh hưởng của mình, là người của công chúng, nghệ sĩ nên có trách nhiệm trước mỗi phát ngôn, việc làm, cẩn trọng suy nghĩ về hệ luỵ xã hội, nhất là giới trẻ. Với văn hoá Á đông, trọng đạo đức, lễ nghĩa, trước hết tôn trọng khán giả cũng là tôn trọng chính mình. Nếu không sẽ sớm bị đào thải bởi những làn sóng tẩy chay, bởi sự trừng trị của pháp luật. Câu chuyện tại Hàn Quốc và Trung Quốc là điển hình.
Cụ thể, đài KBS Hàn Quốc công bố danh sách cấm vĩnh viễn loạt nghệ sĩ như Jung Suk Won, Han Ji Sun… với hành vi sử dụng ma túy, tấn công tình dục, bạo hành, tấn công cảnh sát, lái xe khi say… Không chỉ vậy, những lùm xùm quá khứ cũng không được tha thứ. Nghệ sĩ liên quan đến vấn nạn bắt nạt học đường như: Kim Ji Soo bị hủy vai diễn, Soojin ngừng hoạt động...
Seungri (BigBang) và nhiều nghệ sĩ trẻ bị buộc giải nghệ khi tham gia nhóm chat bình phẩm, chia sẻ những hình ảnh nhạy cảm. Seungri nhận mức án 3 năm tù vì bê bối tình dục và tổ chức đánh bạc.
Tại Trung Quốc, cụm từ "Phong sát" được sử dụng nói về việc cấm tuyệt đối sự xuất hiện của các nghệ sĩ tai tiếng tại Trung Quốc. Ngô Diệc Phàm với cáo buộc xâm hại và dụ dỗ trẻ vị thành niên, đối diện mức án nhiều năm tù. Hành vi được cho là suy đồi đạo đức, ảnh hưởng tới hơn 50 triệu người hâm mộ.
Hiệp hội quản lý văn hóa điều tra xử lý Hoắc Tôn vi phạm điều 14 trong bộ quy tắc với nghệ sĩ "gây ảnh hưởng xấu trong xã hội", tùy mức độ, ngừng hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Ca sĩ này đã lựa chọn giải nghệ. Liên tiếp sau đó là những cái tên Trương Triết Hạn, Triệu Vy bị xóa bỏ.
Ban Tuyên giáo Trung ương Trung Quốc ban hành "Thông báo quản lý toàn diện lĩnh vực văn hóa và giải trí", tăng hình phạt đối với những nghệ sĩ phạm pháp và thiếu đạo đức, nghiêm cấm quay trở lại kể cả trên mạng.
Cục Quản lý không gian mạng ngăn chặn các hành vi lôi kéo gây quỹ, chi tiền bỏ phiếu bảng xếp hạng… Hầu hết nền tảng Internet lớn như Weibo, Tencent Video, QQ... cam kết làm sạch, xóa bỏ hình ảnh nghệ sĩ tai tiếng kiểm soát bài đăng, tương tác, bình luận…
Hiệp hội Công nghiệp biểu diễn yêu cầu đơn vị quản lý nghệ sĩ chịu trách nhiệm giáo dục, tự kiểm tra và kỷ luật. Khi nghệ sĩ vướng bê bối, gửi đơn đến Ủy ban Xây dựng đạo đức để xem xét trở lại hay không, cấm vĩnh viễn với vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()