Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 08:16 (GMT +7)
Bất ngờ tạm dừng phiên tòa xét xử vụ “chuyến bay giải cứu”
Thứ 2, 17/07/2023 | 11:29:19 [GMT +7] A A
Thay vì đọc bản luận tội đề nghị mức án đối với các bị cáo và nêu hướng giải quyết vụ án “chuyến bay giải cứu” như kế hoạch, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa để các bị cáo có thời gian khắc phục hậu quả.
Sáng 17/7, phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” sang ngày làm việc thứ 5. Và theo lịch dự kiến thì đại diện Viện kiểm sát sẽ luận tội các bị cáo và nêu quan điểm giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, kế hoạch đã thay đổi khi đại diện Viện kiểm sát không luận tội các bị cáo mà đề nghị Hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa cho các bị cáo có thời gian trao đổi với luật sư bào chữa và gia đình để khắc phục hậu quả vụ án. Căn cứ vào chứng cứ mới là “các bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả hoặc một phần hậu quả của vụ án”, đại diện Viện kiểm sát sẽ luận tội và đề nghị mức án phù hợp đối với các bị cáo.
Trước đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, chủ tọa phiên tòa thông báo, tạm dừng phiên tòa. Thời gian mở lại phiên tòa chưa được chủ tọa thông báo.
Trong số 54 bị cáo bị truy tố ở 4 nhóm tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Môi giới hối lộ”, nhiều bị cáo đã khắc phục được khoảng 60 tỷ đồng, trong tổng 165 tỷ đồng hậu quả vụ án. Riêng cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã khắc phục hơn 16 tỷ đồng. Ngoài ra, cựu phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng và cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cũng đã khắc phục hậu quả của tội nhận hối lộ. Một số bị cáo khác bị truy tố về tội nhận hối lộ, trong đó có cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên đã khắc phục một phần hậu quả vụ án.
Trước đó, trong 4 ngày xét xử, Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát và các luật sư bào chữa đã thẩm vấn 54 bị cáo nhiều lần về các nội dung khác nhau. Ngoài bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) không nhận tội, còn lại các bị cáo khác cơ bản đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã xác định.
21 bị cáo bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” cùng khai, do thời gian đã lâu, công việc bận rộn, hoặc không nhớ chính xác số lần nhận tiền, nhưng đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Quá trình điều tra, các bị cáo cảm thấy ân hận, lo sợ và tích cực khắc phục hậu quả vụ án.
23 bị cáo là doanh nghiệp bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” khai là “tự nguyện đưa tiền bồi dưỡng” cho các cán bộ để được tạo điều kiện cho doanh nghiệp được giải quyết thủ tục nhiều chuyến bay. Nhưng có một số bị cáo khai “buộc phải chi tiền cho các bộ do bị gây khó khăn, ngâm hồ sơ, xếp lịch bay sát ngày" hoặc bị yêu cầu “chuyển tiền thì mới có dấu”.
Theo CAND
- Vụ Chuyến bay giải cứu: Cựu điều tra viên đề cập việc bỏ lọt tội phạm
- Vụ “chuyến bay giải cứu”: Cựu Đại sứ tại Malaysia thu quá 11 tỷ đồng của dân để giữ lại và chia nhau
- Cựu Đại sứ và cựu Tổng lãnh sự hối hận vì nhận nhiều tỷ đồng trong vụ "chuyến bay giải cứu"
- Lời khai của doanh nghiệp về những lần hối lộ hàng tỷ đồng để được cấp phép "chuyến bay giải cứu"
- Cơ quan quản lý cố tình gây khó khăn cho các “chuyến bay giải cứu” như thế nào?
- Vụ 'chuyến bay giải cứu': Nhiều bị cáo khai bị ép đưa hối lộ
Liên kết website
Ý kiến ()