Trao đổi với báo chí sáng 29/9, ông Đinh Tiến Dũng cho hay trong gần hai tuần qua, thành phố đã lần lượt nới lỏng một số hoạt động, mới nhất là cho phép thể dục, thể thao ngoài trời (không được tập trung quá 10 người)...
Lý giải việc trong hơn 10 ngày, thành phố ba lần ban hành văn bản nới lỏng biện pháp phòng dịch, ông Dũng nói sở dĩ phải mở từng bước, thận trọng như vậy vì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, biến chủng mới rất nguy hiểm, khó lường, có tốc độ lây lan nhanh. Bên cạnh đó, thành phố đã phủ xong mũi một vaccine cho người dân, song tỷ lệ tiêm mũi 2 còn rất thấp, chưa tạo được miễn dịch cộng đồng.
Ngoài ra, theo ông Dũng, tâm lý một bộ phận người dân rất chủ quan. Ông dẫn chứng, mặc dù thành phố cho phép hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời với yêu cầu không được tập trung quá 10 người, nhưng nhiều nơi công cộng đã có hiện tượng tụ tập đông người, một số người còn không đeo khẩu trang.
Từ thực tế trên, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm quy định phòng, chống dịch vì "chỉ cần một chút lơ là, dịch bùng phát trở lại và thành quả sẽ mất".
Về phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, Bí thư Hà Nội thông tin, thành phố giãn cách xã hội nhưng không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích mà chỉ điều chỉnh lại hoạt động để bảo đảm phòng, chống dịch. Trong 60 ngày giãn cách vừa qua, việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh không bị đứt gãy; hoạt động thương mại được duy trì, bảo đảm sản xuất một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp...
Thành phố cũng đã triển khai tổ chức sản xuất an toàn, ổn định ở "vùng xanh" để cung ứng hàng hóa cho "vùng đỏ"; tổ chức cho người dân thu hoạch rau màu, vụ lúa hè thu...; chỉ đạo bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay với người lao động có nhu cầu.
Trong bối cảnh dịch bệnh, Hà Nội vẫn thu được một số kết quả khả quan như: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II tăng 6,61%, cao hơn quý trước (quý I tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy chung tăng trưởng chung 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn mức chung của cả nước (5,64%).
Tám tháng đầu năm 2021, thu ngân sách của Hà Nội đạt 69,8% dự toán Trung ương giao, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp cũng tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020...
Theo ông Dũng, thời gian tới thành phố sẽ "đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh" nhằm phục hồi và phát triển kinh tế.
Hà Nội đề ra 3 biện pháp trọng tâm. Đầu tiên, nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp. Thứ hai, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, chuẩn bị các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm ở mức cao hơn trên nguyên tắc không để F0 phải điều trị tại nhà; phát hiện sớm, điều trị ngay, giảm tối đa các ca bệnh chuyển nặng, các ca tử vong.
Thứ ba, thành phố tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vaccine để trong tháng 10 cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên; chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho người dân dưới 18 tuổi khi có vaccine và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hà Nội sẽ tăng cường tầm soát y tế, xét nghiệm 2-3 ngày/lần tại các điểm phong tỏa, điểm nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; xét nghiệm sàng lọc các trường hợp ho, sốt tại cộng đồng.
Thủ đô đã trải qua bốn đợt giãn cách theo Chỉ thị 16, từ 24/7 đến 6h ngày 21/9. Gần 10 ngày kể từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 15, số ca mắc mới trung bình mỗi ngày dưới 5. Trong đó ngày 26/9, lần đầu tiên Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới sau khoảng 3 tháng.
Cộng dồn đợt dịch thứ tư (từ ngày 24/7 đến nay), Hà Nội ghi nhận 3.973 ca nhiễm Covid-19, trong đó ca mắc ngoài cộng đồng 1.061, còn lại là những trường hợp đã được cách ly.
Ý kiến ()