Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 05:22 (GMT +7)
Biến chứng của đái tháo đường và cách phòng ngừa
Thứ 2, 12/11/2018 | 14:44:44 [GMT +7] A A
Hiện nay, số người mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường) trên địa bàn tỉnh đang gia tăng. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã trò chuyện cùng bác sĩ Trần Khanh, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, về biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường và cách phòng ngừa.
Xét nghiệm đo lượng đường trong máu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
- Xin bác sĩ cho biết biến chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường?
+ Đái tháo đường là bệnh tăng lượng đường glucose trong máu. Hiện nay số người bị bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng. Ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng có trên 2.000 bệnh nhân đang điều trị ngoại trú. Thực tế cho thấy, đái tháo đường không chỉ gặp ở những người có gen di truyền từ người thân, người thường xuyên dung nạp nhiều chất đường glucose, bột; mà ngay cả trẻ em cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
Đái tháo đường có thể gây nhiều biến chứng, nhất là với những trường hợp không kiểm soát tốt đường huyết (lượng đường trong máu). Cụ thể với mắt, người bệnh có thể bị suy giảm thị lực, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, thậm chí có thể dẫn tới mù lòa. Còn với hệ thần kinh, bệnh nhân có thể bị tổn thương thần kinh ngoại vi làm thay đổi cảm giác, giảm cảm giác, tê bì hoặc kim châm, yếu cơ hoặc ảnh hưởng đến thần kinh kiểm soát hoạt động tự động như nhịp tim, nhịp thở, tiêu hoá.
Bên cạnh đó, bệnh đái tháo đường còn gây biến chứng đến các vi mạch máu thận làm tổn thương thận. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình lọc cũng như bài tiết của thận; thậm chí có thể gây suy thận không thể phục hồi. Bệnh nhân còn dễ gặp biến chứng về tim mạch, hạ đường huyết.
Khi lượng đường trong máu cao tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển cũng làm hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu, người bệnh dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, như: Nhiễm trùng tiết niệu, sinh dục, nhiễm trùng răng lợi, nhiễm trùng da gây mụn nhọt, nấm... ngoài ra còn rất nhiều biến chứng khác.
- Bệnh đái tháo đường có điều trị dứt điểm được không, thưa bác sĩ?
+ Khi có dấu hiệu bị đái tháo đường, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chỉ định phác đồ điều trị. Hiện nay chưa có thuốc điều trị dứt điểm bệnh này mà chỉ có thuốc để giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở mức ổn định. Đối với bệnh đái tháo đường tuýp 1, bệnh nhân cần phải được điều trị bằng insulin do các tế bào beta không tiết được hoặc tiết quá ít insulin cho cơ thể. Còn đối với đái tháo đường tuýp 2, người bệnh cần phải dùng các thuốc hạ đường huyết cơ bản hoặc kết hợp với insulin. Việc dùng thuốc phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý dùng thuốc vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân đái tháo đường điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
- Cần làm gì để phòng các biến chứng của bệnh, thưa bác sĩ?
+ Khi đã xác định bị đái tháo đường, nếu lượng đường trong máu quá cao, cần phải điều trị hạ lượng đường trong máu ở mức ổn định. Trong quá trình điều trị cần tuân thủ dùng thuốc và thực hiện chế độ ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Nên trang bị cho người bệnh máy đo đường huyết để đo vào lúc cần thiết. Chịu khó tập luyện thể dục để kiểm soát lượng đường được tốt hơn. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu. Cần có chế độ dinh dưỡng thích hợp, hạn chế các món ăn nhiều bột, đường để tránh nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Cùng với đó, người bệnh đái tháo đường cần khám mắt, kiểm tra sức khỏe tối thiểu 6 tháng/lần. Nếu thị lực giảm đột ngột, nhìn mờ hay có cảm giác ruồi bay trước mắt, ấn vào quầng mắt thấy đau, nhức... bạn phải ngay lập tức đi khám để điều trị kịp thời. Không đi chân đất hoặc mang giầy quá chật, tránh các vết chai sẹo gây nguy cơ nhiễm trùng, cắt móng chân đúng cách tránh làm tổn thương da. Khi thấy bất ổn về sức khoẻ, cần đến các cơ sở y tế để được khám, xem xét, điều trị kịp thời.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
Thu Nguyệt (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()