Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 08:53 (GMT +7)
TX Đông Triều: Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
Thứ 3, 07/11/2023 | 18:08:12 [GMT +7] A A
Với mục tiêu tập trung phát triển tiềm năng du lịch của địa phương, vừa qua Thị ủy Đông Triều đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch thị xã đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; đồng thời UBND thị xã cũng đã thành lập Đề án phát triển du lịch Đông Triều thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040. Theo đó, xác định du lịch Đông Triều sẽ là ngành kinh tế quan trọng.
Tiềm năng chưa được khai thác tương xứng
Hiện Đông Triều đang phát triển 4 tuyến và 15 điểm du lịch. Trong đó có 3 tuyến du lịch tâm linh, hoặc du lịch tâm linh kết hợp sinh thái, gồm các điểm du lịch là di tích nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều và di tích gắn với lịch sử Đệ tứ Chiến khu Đông Triều.
Theo thống kê, số lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Đông Triều còn rất ít. Trong giai đoạn 2016-2022, trung bình số lượng khách du lịch đến Đông Triều chỉ đạt khoảng 6,83% so với tổng lượng khách đến Quảng Ninh và trung bình số lượng khách quốc tế đến Đông Triều so với số lượng khách du lịch trên toàn thị xã chỉ chiếm 5,62%.
Số lượng khách đến Đông Triều chưa cao đã phản ánh tính liên kết để phát triển tuyến, điểm du lịch của thị xã với các địa phương khác ở trong, ngoài tỉnh chưa nhịp nhàng. Công tác xúc tiến, quảng bá mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch, nên chưa tạo được ấn tượng và thu hút khách du lịch. Đặc biệt, Đông Triều chưa có đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm đầu mối kết nối với các đơn vị lữ hành, đơn vị tổ chức tour du lịch trên địa bàn...
Tổng thu từ du lịch của Đông Triều cũng tỷ lệ thuận với số lượng khách đến địa phương và chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng thu từ du lịch của Quảng Ninh. Về chi tiêu bình quân của khách du lịch đến Đông Triều giai đoạn 2016-2019 là rất thấp, chỉ 130.000 đồng/ngày/khách. Trong khi chi tiêu trung bình của khách du lịch đến Quảng Ninh cùng trong giai đoạn này là hơn 980.000 đồng/ngày khách; thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch tại Quảng Ninh là 2,15 ngày/khách và tổng chi tiêu du lịch cho một khách tại Quảng Ninh là 2,1 triệu đồng bao gồm các dịch vụ thuê phòng, ăn uống, đi lại, tham quan, mua sắm, vui chơi và các dịch vụ khác...
Như vậy, có thể khẳng định khách du lịch đến Đông Triều chủ yếu là khách tham quan trong ngày và mặc dù các điểm du lịch đã được đầu tư để thu hút khách, nhưng sản phẩm, dịch vụ để phục vụ khách du lịch lưu lại chưa nhiều, chưa thực sự hấp dẫn du khách. Chi tiêu của khách du lịch chủ yếu là phục vụ nhu cầu cơ bản của cá nhân chứ không có tiêu dùng cho các dịch vụ tham quan, lưu trú và tiêu dùng khác trong du lịch.
Xây dựng du lịch đạt đẳng cấp khu vực
Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã về phát triển du lịch Đông Triều đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 được ban hành ngày 7/9/2023 và Đề án phát triển du lịch Đông Triều thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 đều nêu rõ quan điểm phát triển du lịch TX Đông Triều theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên - Con người - Văn hóa.
Xây dựng ngành du lịch Đông Triều chất lượng đẳng cấp khu vực, là điểm đến hấp dẫn, khẳng định thương hiệu mạnh và khả năng cạnh tranh cao; phát triển du lịch Đông Triều trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm đón khách du lịch trong và ngoài nước; trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu ngành dịch vụ của thị xã, có vai trò dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh bền vững...
Mục tiêu đến năm 2025 tổng lượng khách du lịch đạt 1,2-1,5 triệu lượt; thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch là 1,25 ngày; trong đó có khoảng 10.000 lượt khách du lịch quốc tế. Mức chi tiêu bình quân của khách du lịch đạt 850.000-1,1 triệu đồng/ngày, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.200-2.000 tỷ đồng, tỷ trọng du lịch trong cơ cấu ngành dịch vụ của thị xã chiếm khoảng 9,8%; tạo việc làm cho 1.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp là 700 người; 35% số lao động trực tiếp đã qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.
Đến năm 2030, tổng lượng khách du lịch đạt 1,5-2,5 triệu lượt; tỷ trọng du lịch trong cơ cấu ngành dịch vụ của thị xã chiếm khoảng 14,8%. Đến năm 2040, tổng lượng khách du lịch đạt 2,5-3,5 triệu lượt; tỷ trọng du lịch trong cơ cấu ngành dịch vụ của thị xã chiếm khoảng 16%...
Để đạt được mục tiêu đó, theo Bí thư Thị ủy Nguyễn Văn Công, thị xã sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng về phát triển du lịch; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển du lịch của địa phương.
Đặc biệt, thị xã sẽ đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; thúc đẩy mạnh mẽ tư nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch, xây dựng các tổ hợp khu nghỉ dưỡng, giải trí tại các điểm du lịch; thu hút đầu tư xây dựng các hạ tầng dịch vụ phục vụ khách du lịch; huy động, khuyến khích, thu hút nguồn lực trong nhân dân vào phát triển các dự án du lịch có quy mô nhỏ; đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa trong công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích, thắng cảnh, khôi phục các lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian... phục vụ phát triển du lịch.
Đấu nối các tuyến đường trung tâm, đường liên tỉnh với đường cao tốc để mở rộng phát triển quỹ đất dọc đường hành hương, nối Khu di tích lịch sử nhà Trần với Khu di tích danh thắng Yên Tử để phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn tự nhiên và khai thác du lịch phù hợp với địa hình đồi núi gắn với cảnh quan hồ đập tự nhiên...
Cùng với đó, thị xã cũng mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm du lịch và tăng cường hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch. Phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động du lịch; thực hiện công tác chuyển đổi số trong ứng dụng và phát triển du lịch; hỗ trợ cộng đồng trong hoạt động du lịch...
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()