Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 20:24 (GMT +7)
Bình Liêu: Quảng bá văn hóa, du lịch qua trang phục dân tộc
Chủ nhật, 11/09/2022 | 14:23:53 [GMT +7] A A
Cùng với tiếng nói, trang phục là một di sản văn hóa độc đáo mang đặc trưng rất dễ nhận biết của từng dân tộc. Với 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sở hữu các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, Bình Liêu đã và đang phát huy những thế mạnh này cho phát triển du lịch. Đặc biệt, vẻ đẹp đặc trưng của trang phục truyền thống các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ… nơi đây đã trở thành dấu ấn khó quên đối với du khách.
Nếu đã một lần đến với huyện biên giới Bình Liêu, nhất là vào các dịp lễ hội đình Lục Nà, hội Kiêng gió, Soóng cọ…chắc chắn du khách sẽ không thể quên được hình ảnh chị em đồng bào dân tộc xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống đi trẩy hội. Đó là hình ảnh cô gái Dao Thanh Phán xinh tươi, rực rỡ trong bộ trang phục sặc sỡ sắc màu, là cô gái Tày duyên dáng trong chiếc áo chàm giản dị đánh đàn tính, hát then, là hình ảnh khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng của các cô gái Sán Chỉ vấn khăn, mặc váy dân tộc đá bóng…Vào những ngày mùa nông nhàn, du khách cũng không khó để bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ, các chị người Dao cùng nhau ngồi bên hiên nhà, vệ đường, bờ suối để chỉ dạy nhau cách thêu trang phục truyền thống.
Cứ như vậy, trang phục truyền thống gắn bó với đồng bào dân tộc Bình Liêu từ sinh hoạt, lao động hằng ngày đến các dịp lễ, tết, vui chơi, trở thành nét đẹp văn hóa mà mỗi người dân nơi đây đều đang cố gắng gìn giữ, giới thiệu, quảng bá đến bạn bè bốn phương bằng tất cả tình yêu, niềm trân trọng và tự hào.
Chị Elena Taintey, du khách Nga, cho biết: Đến với Bình Liêu, tôi ấn tượng bởi cuộc sống, nếp sinh hoạt, nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc. Từ những làn điệu dân ca ngọt ngào đến những món ăn, món bánh rất độc đáo và ngon. Đặc biệt, tôi rất thích trang phục truyền thống của bà con, nhất là dân tộc Dao với những họa tiết thêu tay vô cùng tỉ mỉ cùng màu sắc rực rỡ bắt mắt. Vì vậy, tôi đã chụp rất nhiều ảnh kỷ niệm với bà con dân tộc trong trang phục truyền thống của họ. Tôi nghĩ việc cho du khách trải nghiệm, thực hành hoạt động may, thêu trang phục truyền thống của đồng bào hay đưa trang phục truyền thống thành những sản phẩm lưu niệm bán cho du khách sẽ góp phần tạo thêm sức hút cho du lịch trải nghiệm văn hóa ở Bình Liêu.
Để phát huy giá trị, vẻ đẹp của trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn, từ năm 2019, UBND huyện Bình Liêu đã triển khai và duy trì việc mặc trang phục truyền thống dân tộc trong trường học, cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp trực thuộc vào các ngày quy định trong tuần… Qua đó, không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn trang phục dân tộc trong cộng đồng, mà còn không ngừng lan tỏa, quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp mảnh đất, con người Bình Liêu, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, tạo nên khác biệt cho du lịch Bình Liêu.
Với mục đích đó, năm 2022, Bình Liêu lần đầu tiên tổ chức cuộc thi “Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất”. Cuộc thi dành cho đối tượng là nữ công dân Việt Nam từ 15-40 tuổi, đang sinh sống học tập và làm việc tại huyện Bình Liêu; có khả năng thuyết trình, có hiểu biết về những nét văn hóa đặc sắc của huyện; có ngoại hình cân đối, ưa nhìn, vẻ đẹp tự nhiên; có sức khỏe, đạo đức tốt.
Các thí sinh tham gia cuộc thi sẽ trải qua 3 vòng thi gồm: Vòng sơ khảo, vòng tuyển chọn và vòng chung kết xếp hạng với các nội dung thi về trình diễn trang phục dân tộc, chụp hình, xây dựng bài thuyết trình, quay clip tại các điểm du lịch Bình Liêu… Trong đó, vòng chung kết sẽ diễn ra trong khuôn khổ Hội mùa vàng Bình Liêu năm 2022 (khoảng tháng 11).
Chị Vi Thị Thơm, xã Lục Hồn, chia sẻ: Tôi đã đăng ký tham gia cuộc thi từ rất sớm để có sự chuẩn bị chu đáo về trang phục trình diễn cũng như những kiến thức về văn hóa địa phương, nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ của bộ trang phục dân tộc... Đến với cuộc thi, tôi mong muốn được góp sức để quảng bá, giới thiệu nét đẹp về bộ trang phục truyền thống dân tộc Tày cũng như hình ảnh quê hương, con người Bình Liêu thân thiện, hiếu khách để du khách có cơ hội tìm hiểu thêm về những nét văn hóa đặc sắc của quê hương mình.
Trải qua hàng ngàn năm, trang phục truyền thống luôn có sức sống vô cùng mãnh liệt, trở thành biểu tượng văn hóa của mỗi dân tộc. Với những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của trang phục dân tộc, huyện Bình Liêu đã và đang không ngừng khơi dậy nét đẹp trong đời sống văn hóa cộng đồng, góp phần gìn giữ trọn vẹn bản sắc văn hóa Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()