Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 09:36 (GMT +7)
Bỏ kiểm tra 1 tiết: Vừa mừng, vừa lo
Thứ 2, 05/10/2020 | 11:34:32 [GMT +7] A A
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT (hiệu lực từ 11/10/2020) về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT). Một trong những điểm mới đáng chú ý là các em học sinh sẽ không phải làm bài kiểm tra 1 tiết như trước đây, mà thay vào đó tất cả các môn học đều có đánh giá bằng nhận xét.
Cụ thể, theo thông tư mới, học sinh 2 cấp trên chỉ còn điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1. Điểm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ tính hệ số 2. Điểm kiểm tra, đánh giá cuối kỳ tính hệ số 3.
Môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học chỉ còn hai đầu điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học có 3 đầu điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 70 tiết/năm học có 4 đầu điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên.
Trong mỗi học kỳ, một môn học có một điểm kiểm tra đánh giá giữa kỳ và một điểm kiểm tra đánh giá cuối kỳ, không còn điểm 1 tiết.
Học sinh THCS, THPT sẽ được bỏ bài kiểm tra 1 tiết. |
Điểm trung bình môn học kỳ là trung bình cộng của điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, giữa kỳ và cuối kỳ với các hệ số quy định. So với quy định hiện hành, tổng số đầu điểm kiểm tra đánh học sinh theo Thông tư 26 đã giảm. Môn nhiều nhất cũng chỉ có 6 đầu điểm.
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: Hỏi – đáp, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Kiểm tra, đánh giá giữa kì và kiểm tra cuối kì được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Thời gian làm bài kiểm tra đánh giá định kì bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa 120 phút. Đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình.
Như vậy, so với trước kia, học sinh THCS, THPT có các bài kiểm tra định kỳ gồm kiểm tra viết, thực hành từ 1 tiết trở lên, kiểm tra học kỳ, thì nay khi Thông tư 26 có hiệu lực sẽ bỏ bài kiểm tra 1 tiết đối với học sinh 2 cấp học này. Vấn đề trên đang gây sự quan tâm, chú ý của giáo viên, phụ huynh và học sinh trong cả nước. Trong đó, nhiều người cho rằng, việc bỏ kiểm tra 1 tiết sẽ bớt áp lực về điểm số, trong khi một số giáo viên, phụ huynh lo ngại học sinh có tâm lý lơ là học tập, lười không ôn những bài trước đó, khó đánh giá năng lực học sinh, dẫn đến chất lượng dạy và học có thể đi xuống.
Nhiều phụ huynh cho rằng, bài kiểm tra 1 tiết rất quan trọng, vì mỗi khi kiểm tra học sinh phải bỏ thời gian để nghiên cứu những kiến thức trước đó, nếu bỏ loại kiểm tra này học sinh có thể không chú trọng học nhiều, lười học đi.
Trong khi có nhiều ý kiến trái chiều, thì cũng có khá đông giáo viên đồng tình với quyết định bỏ bài kiểm tra 1 tiết vì việc thay đổi này phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, giảm áp lực thi cử cho học sinh, hướng đến phát triển năng lực học sinh, chú trọng những tiết trải nghiệm thực tiễn của môn học.
Phải đến ngày 11/10/2020, Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT mới có hiệu lực. Nhưng đến thời điểm này, chủ trương mới của ngành Giáo dục đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều cũng như đồng thuận. Hi vọng rằng với sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, thông tư sẽ phát huy hiệu quả tích cực qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo toàn diện cho học sinh.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()