Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 20:14 (GMT +7)
Bộ trưởng Lao động thừa nhận việc tăng lương vẫn nặng tính hình thức
Thứ 4, 19/11/2014 | 14:33:20 [GMT +7] A A
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận tiền lương so với yêu cầu mức tối thiểu mới đạt trên 60%. Nâng lương lần này chưa phải đã thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết vấn đề cơ bản của tiền lương.
Là người cuối cùng trong 4 vị tư lệnh ngành trả lời chất vấn trước Quốc hội kỳ này, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhận được 20 phiếu chất vấn của đại biểu.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tại phiên chất vấn sáng nay. Ảnh chụp qua màn hình. |
Sau 2 lần trì hoãn, vừa rồi quyết định tăng lương đã được thông qua, tuy nhiên đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng quyết định này vẫn cho thấy không giải quyết được vấn đề cơ bản là đảm bảo cuộc sống tối thiểu của người lao động. Dù ngân sách Nhà nước đã dành 11 tỷ đồng nhưng "chưa làm mát hơn cuộc sống của người thu nhập thấp".
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cần đưa giải pháp để tăng lương có tác động tích cực đến người lao động, để không nặng tính hình thức như hiện nay.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Chuyền thừa nhận tiền lương so với yêu cầu mức tối thiểu mới đạt trên 60%. Nâng lương lần này chưa phải đã thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết vấn đề cơ bản của tiền lương.
Lý do vì theo lộ trình lẽ ra giai đoạn 2015-1016 tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu, nhưng do ngân sách khó khăn nên phải đi từng bước, phải giãn lộ trình. Năm nay do khả năng ngân sách, Hội đồng tiền lương đã nêu nếu tăng lương thì không có nguồn. Nhưng do yêu cầu, bất cập trong lương thực tế giữa cán bộ viên chức nhà nước và lương tối thiểu vùng phân theo khu vực doanh nghiệp nên dù khó khăn vẫn quyết định tăng lương.
Liên quan đến vấn đề dạy nghề, giải quyết việc làm, đại biểu Ngô Văn Minh nêu thực tế nhiều trường nghề tuyển sinh nhưng không có người học, học ra không đáp ứng yêu cầu việc cần học, lãng phí đào tạo, ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp cụ thể sắp tới, không nhắc lại câu thường nói quen thuộc là "khẩn trương, tiếp tục đẩy mạnh".
Trả lời câu hỏi của đại biểu Minh, Bộ trưởng Chuyền cho biết, việc phát triển nguồn nhân lực là nội dung rất lớn. Mục tiêu Chính phủ đề ra là đến 2015 phải có 55% lao động qua đào tạo, đến 2020 là 70%. Bộ đã làm được một số việc, quy hoạch 40 trường chất lượng cao, trong đó 10 đạt chuẩn quốc tế... Về hiệu quả đầu tư xây dựng cơ sở dạy nghề trên cả nước, Bộ trưởng Chuyền thừa nhận, hiện ở các huyện có ba trung tâm là trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề và trường dạy nghề, nhưng hoạt động không hiệu quả. Vì vậy tháng 9, Chính phủ đã chỉ đạo cần sáp nhập ba đơn vị trên.
Trước câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Minh về vấn đề nợ đóng bảo hiểm xã hội lên đến 12.000 tỷ đồng, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, Bộ trưởng Lao động cho rằng, nguyên nhân của việc này là chủ sở hữu lao động làm việc không nghiêm túc; một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, việc xử phạt các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ở mức còn nhẹ, nên có doanh nghiệp cố tình để nợ còn hơn vay ngân hàng. Thực tế cho thấy nợ đọng bảo hiểm cao thường ở tháng 7-8, còn tháng 9-10 giảm đi. Ngoài ra còn nguyên nhân nữa, theo bà Chuyền, do các tổ chức công đoàn ở địa phương khi Bộ hay cơ quan chức năng đến làm việc đã không kịp thời phản ánh thực trạng trên.
Về phía Bộ Lao động sẽ có trách nhiệm kiểm soát và xử lý. Toàn ngành có trên 400 cán bộ công viên chức làm công tác thanh tra. Trong đó ở bộ có 55 người; còn mỗi địa phương có 5-7 thanh tra. Tổng số cán bộ này phải thanh tra trên nhiều lĩnh vực nên việc kiểm tra so với số cuộc cần phải kiểm tra rất ít. Số doanh nghiệp cần kiểm tra trách nhiệm bảo hiểm xã hội ở các địa phương vẫn còn hạn chế.
Đại biểu Trương Minh Hoàng hỏi ý kiến của Bộ trưởng về việc phân biệt trong tuyển dụng lao động tại một số địa phương ở Đông Nam Bộ gây bất bình gần đây. Bộ trưởng Chuyền khẳng định: "Pháp luật không công nhận điều này. Người lao động hoàn toàn có quyền lao động ở tất cả địa phương. Có phản ánh doanh nghiệp không nhận lao động ở Nghệ An hay Thanh Hóa là việc làm trái quy định của pháp luật".
Về vấn đề thất nghiệp, đại biểu nêu thực tế khi có hàng vạn lao động qua đào tạo, nhất là sinh viên không có việc làm. Hiện có 174.000 cử nhân chưa có việc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục trong việc dự báo cung cầu, định hướng chất lượng đào tạo.
Theo Bộ trưởng Chuyền, hiện có trên 200.000 sinh viên đào tạo nghề, và 500.000-600.000 sinh viên đại học, như vậy khi ra trường có khoảng 700.000-800.000 sinh viên. Nhưng thực tế hiện nay do tình hình kinh tế khó khăn nên việc làm cho người lao động còn hạn chế.
Bà Chuyền cho rằng số sinh viên ra trường làm đúng nghề không nhiều, nhưng đa số thanh niên có thể tự vận động tìm việc làm tại thành phố, hoặc về địa phương làm cho các doanh nghiệp, hoặc giúp đỡ cho gia đình. Bộ sẽ cố gắng tìm giải pháp nâng cao chất lượng quản lý để sinh viên được đào tạo ngành nghề nào thì cống hiến và làm việc đúng chuyên ngành đó một cách cao nhất.
Theo Bộ trưởng, ngành giáo dục cũng được giao chỉ tiêu nhưng giữa đào tạo và thị trường lao động chưa gắn kết, nên sinh viên ra trường chưa đáp ứng công việc. "Tuy nhiên không phải tất cả sinh viên ra trường đều đang ngồi chơi, 60% sinh viên ở nông thôn về giúp cha mẹ", bà Chuyền nói. "Vấn đề ở đây là lãng phí nguồn nhân lực, nên trách nhiệm nhà nước là cần phát huy trí tuệ của thanh niên để họ làm đúng nghề", bà nói.
Tiếp tục truy vấn về nợ đọng bảo hiểm xã hội hàng chục nghìn tỷ đồng, đại biểu Huỳnh Tấn Dương đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp khắc phục để chấm dứt tình trạng này, đồng thời giải thích vì sao ngân sách dành cho dạy nghề hàng năm khá lớn, nhưng lao động đào tạo ra không đáp ứng.
Bộ trưởng Chuyền cho biết đã đề xuất một số giải pháp đưa vào trong dự án luật bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này. Thứ nhất là tình trạng nợ đọng này có nguyên nhân là ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động vì thế Bộ đề nghị chế tài xử lý nghiêm túc, nặng hơn. Bộ cũng đề xuất bổ sung quyền thanh tra cho cơ quan bảo hiểm. Thứ hai là cơ quan bảo hiểm định kỳ cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội để người lao động biết giám sát. Những doanh nghiệp cố tình chiếm dụng nợ bảo hiểm xã hội được đề xuất chuyển cơ quan điều tra xử lý.
Còn về câu hỏi đến khi nào chấm dứt tình trạng nợ đọng, Bộ trưởng Chuyền cho rằng nợ đọng có nhiều nguyên nhân, có doanh nghiệp cố tình, có doanh nghiệp khó khăn. Vì thế việc chấm dứt hẳn thì khó, nhưng khi luật thông qua thì vấn đề này cơ bản sẽ được giải quyết. Doanh nghiệp có khó khăn thì phải chấp nhận tỷ lệ nhất định, dần khắc phục.
Về dạy nghề, bà Chuyền đánh giá công tác dạy nghề cho lao động nông thôn sau 3 năm thực hiện là đề án có hiệu quả. Dù vậy bà thừa nhận, còn một vài nơi làm chưa tốt. Các trường dạy nghề, cơ sở dạy nghề gần đây đầu tư nhiều nhưng một số trường học sinh chưa đông. Có nhiều nguyên nhân, trong đó tâm lý thanh niên nhìn nhận học nghề chưa đúng. Hàng năm có trên 900.000 học sinh tốt nghiệp cấp 3, nhưng có đến 600.000 đi học cao đẳng, đại học hàng năm.
Ngoài ra, việc tổ chức dạy nghề còn khiếm khuyết, thiếu đội ngũ giáo viên, việc khảo sát đánh giá giữa dạy nghề và nhu cầu doanh nghiệp chưa được tốt. Trường nào có thị trường lao động đầu ra thì tuyển dụng rất tốt.
Để giải quyết thực trạng này, Bộ trưởng Chuyền cho biết đang phối hợp với Bộ Giáo dục, bố trí tuyển sinh phân luồng, hướng lực lượng trẻ tham gia học nghề, tổ chức tốt đào tạo nghề nông thôn theo đúng địa chỉ, tăng số lượng lao động học nghề để đạt chỉ tiêu 2015 phấn đấu 55% tổng lao động qua đào tạo.
Cũng như đại biểu Ngô Văn Minh, bà Đỗ Thị Hoàng bày tỏ lo ngại khi sinh viên ra trường không có việc làm, hàng trăm doanh nghiệp phá sản, giãn tiến độ khiến người lao động mất việc. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài gia tăng, người lao động nước ngoài nhập cảnh vào nước ta bằng nhiều con đường khác. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy từ xã hội như quản lý người nước ngoài không phép. "Có thể chấp nhận lao động nước ngoài như thế nào”, đại biểu Hoàng hỏi.
Bộ trưởng Chuyền thừa nhận hiện nay nhiều doanh nghiệp phá sản, thanh niên ra trường chưa có việc làm còn đông, song hiện tượng lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc không phép vẫn còn. Đối tượng nào được phép vào Việt Nam làm việc đã được quy định rõ trong luật, trong đó có người có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng phù hợp với yêu cầu.
"Thực chất cũng có lao động không có chuyên môn nghiệp vụ song vẫn được chủ lao động sử dụng. Phần đông họ đi theo con đương du lịch, tham gia giai đoạn đầu - xây dựng, chủ yếu là lao động Trung Quốc", bà Chuyền nói và thông tin hiện có 78.000 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, phân đông là lao động kỹ thuật, lao động không có chuyên môn chủ yếu là Trung Quốc.
Để giải quyết tình trạng này, trong chương trình phối hợp các ngành liên quan, Bộ Lao động cùng với Bộ Công an ký hợp tác kiểm tra đối tượng này, phát hiện đối tượng sai để xử lý trục xuất theo đúng quy định, yêu cầu chủ công bố công khai khai nhu cầu tuyển dụng lao động rộng rãi.
Theo Vnexpress
Liên kết website
Ý kiến ()