Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 13/12/2024 20:38 (GMT +7)
Nông nghiệp Quảng Ninh phục hồi và phát triển
Thứ 6, 13/12/2024 | 15:20:10 [GMT +7] A A
Năm 2024, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh bước vào triển khai nhiệm vụ với khởi đầu thuận lợi. Tuy nhiên cơn bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh ngày 7/9 đã khiến lĩnh vực này bị thiệt hại nặng nề, làm mất đi thành quả rất lớn đã tạo dựng trước đó. Trước những thiệt hại do bão số 3 gây ra, Quảng Ninh đã kịp thời có những lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp và những giải pháp thực hiện trúng, đúng, đồng thời là sự đồng hành tích cực với người dân, doanh nghiệp của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó sản xuất nông nghiệp của Quảng Ninh quý IV đã có chuyển động và sự phục hồi đáng kể, góp phần làm bức tranh nông nghiệp Quảng Ninh 2024 sáng, xanh trở lại và xuất hiện những cơ hội mới.
Vượt bão
Năm 2024, diện tích gieo trồng toàn tỉnh ước đạt gần 62.600ha, sản lượng lương thực cây có hạt 212.000 tấn; tổng đàn gia súc, gia cầm trên 6 triệu con, sản lượng thịt hơn 103.000 tấn; diện tích trồng rừng 15.300ha, sản lượng khai thác gỗ 1,2 triệu m3; tổng sản lượng thuỷ sản 166.000 tấn, trong đó khai thác 77.000 tấn, nuôi trồng 89.000 tấn. Mức tăng trưởng GRDP khu vực nông, lâm, thuỷ sản Quảng Ninh năm 2024 là 0,04%, thoát mức tăng trưởng âm.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho rằng: Kết quả nông nghiệp Quảng Ninh đến thời điểm này chưa được như mong muốn, tuy nhiên gắn vào bối cảnh cụ thể thì đó là kết quả của sự nỗ lực cao độ từ phía chính quyền, các đơn vị chuyên môn, các địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông nghiệp cũng như nỗ lực của mỗi hộ nông dân…
Bão số 3 đã khiến nông nghiệp Quảng Ninh mất đến trên 10.000 tỷ đồng, mọi hoạt động sản xuất lâm nghiệp, thuỷ sản, chăn nuôi, trồng trọt đều bị tổn hại, có hoạt động gần như tê liệt. Song trong bão tố, nội lực của nông nghiệp Quảng Ninh đã được phát huy. Chỉ thời gian ngắn sau bão, nhiều chính sách của tỉnh về hỗ trợ nông nghiệp rất quan trọng, trước đó chưa thể làm được đã kịp thời được đề xuất và triển khai đồng bộ. Cùng với đó mỗi hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp đều trên tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất. Riêng khối hộ NTTS đã nêu cao tinh thần “tự cứu” lấy mình trước khi chờ người khác hỗ trợ, tự huy động mọi nguồn lực còn lại để tái sản xuất.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết: Huyện Vân Đồn là địa phương đầu tiên trong tỉnh giao mặt nước biển cho các hộ NTTS yên tâm sản xuất. Hoạt động này trước đó đã được thực hiện một số bước cơ bản, tuy nhiên phải là sau bão số 3 mới được đẩy nhanh, qua đó đã hỗ trợ rất thiết thực cho những hộ NTTS bị thiệt hại do bão.
Tính đến hết ngày 10/12, Vân Đồn đã có gần 2.000 hộ NTTS gia cố, nâng cấp hạ tầng nuôi, có trên 1.200 hộ đã bổ sung thả giống thuỷ sản, diện tích mặt nước các hộ NTTS Vân Đồn tái sản xuất là gần 9.000ha, cao hơn so với thời điểm trước bão. Vùng NTTS Quảng Yên, vốn cũng thiệt hại nặng nề trong bão số 3 cũng có chuyển động sản xuất trở lại rất nhanh chóng. Các vùng NTTS Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cẩm Phả đều ổn định và phát triển sản xuất hơn trước.
Cũng sau bão số 3, Quảng Ninh bước vào sản xuất vụ Đông với khí thế mạnh mẽ hơn những năm trước, nhằm mục tiêu lấy sản lượng, giá trị vụ Đông bù đắp phần nào cho thiệt hại của bão số 3, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp 2024 đồng thời tạo đà cho sản xuất nông nghiệp 2025. Theo đó bắt đầu từ tháng 10, nông dân Quảng Ninh đã tập trung trồng cây vụ Đông, tập trung vào những loại cây có giá trị lớn như hoa, cây cảnh, rau, ngô, khoai các loại…; phát triển đàn gà Tiên Yên và nuôi tôm Đông với số lượng rất lớn để đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Đáng nói, hàng chục ngàn hộ trồng rừng đã sẵn sàng về diện trồng, cây giống, vật tư phân thuốc và nhân lực để sẵn sàng cho vụ trồng rừng đầu năm.
Cơ hội mới ở phía trước
Khí thế tái sản xuất rất mạnh mẽ của những tháng cuối năm 2024 được cho là tạo đà, lực đẩy cho nông nghiệp Quảng Ninh năm 2025. Ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Tháng 1/2025 là thời điểm thu hoạch một số cây vụ Đông chủ lực, trong đó riêng cây ngô dự kiến đạt sản lượng tăng hơn vụ Đông năm trước 1.000 tấn. Cùng với đó, sản lượng chăn nuôi, thuỷ sản được tiêu thụ trong và sau Tết Nguyên đán cũng đóng góp vào mức tăng trưởng quý I của năm 2025. Đây là sự tạo đà tốt cho nông nghiệp năm 2025, năm khởi đầu cho sự phục hồi sau biến động thiên tai lớn.
Ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho rằng, trong quý III của năm 2025, những lứa hàu thả mới sau bão số 3 sẽ được thu hoạch, góp phần đáng kể vào sản lượng thuỷ sản của năm 2025. Quan trọng hơn, thông qua những hoạt động tái thiết sản thuỷ sản, việc được giao khu vực biển và chuẩn hoá vật liệu nổi NTTS thời gian vừa qua sẽ giúp sản xuất thuỷ sản 2025 quy mô, chặt chẽ, đúng quy chuẩn, quy hoạch, tiến tới cung cách làm ăn ổn định, bền vững và giá trị cao hơn.
Có thể thấy sau những khó khăn, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp Quảng Ninh đang khởi sắc đáng mừng. Đây là cơ sở, nền tảng để đặt chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp năm 2025 là đạt 215.900 tấn sản lượng lương thực có hạt, tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 5,8 triệu con và 103.000 tấn sản lượng thịt hơi, trồng mới rừng 31.800ha, khai thác gỗ rừng trồng 1 triệu m3, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 174.000 tấn, trong đó khai thác 77.000 tấn, nuôi trồng 97.000 tấn.
Việt Hoa
- Tạo lực đẩy cho nông nghiệp, nông dân chuyển mình
- Chủ tịch tỉnh Quảng Trị giữ chức Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tập trung sản xuất nông nghiệp vụ đông
- Ứng dụng KHCN vào những sản phẩm nông nghiệp chủ lực
- Đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp
- Hướng đến nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh
- Thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp
- Hội nghị chuyển đổi số trong nông nghiệp
Liên kết website
Ý kiến ()