Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 07:00 (GMT +7)
Ca nhiễm tăng chóng mặt, chuyên gia lưu ý việc phân loại F0
Thứ 3, 28/12/2021 | 09:21:32 [GMT +7] A A
Việc đánh giá, phân loại F0 để nâng tầng hoặc hạ tầng cần thực hiện hằng ngày, liên thông giữa các cơ sở thu dung, các trạm y tế lưu động, bệnh viện tầng trên.
Trong buổi khảo sát đánh giá thực trạng công tác chuyên môn, vận hành cơ sở thu dung, điều trị F0 của quận Đống Đa tại ký túc xá Đại học Thủy Lợi (Hà Nội), ông Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Phụ trách Bệnh viện Bạch Mai đề nghị, mỗi tầng của tòa nhà đang điều trị F0 cần bố trí ngay một phòng cấp cứu, trang bị bình oxy và phương tiện cấp cứu để sẵn sàng cấp cứu thời điểm F0 triệu chứng trở nặng trong khi liên hệ chuyển lên tầng cao hơn.
Đồng thời, đơn vị cần bố trí đủ số thuốc điều trị COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế và chuẩn bị sẵn các thuốc điều trị bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...
Ông Đào Xuân Cơ nhấn mạnh, việc đánh giá phân loại mức độ nặng của F0 cần thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh nhân thuộc tầng nào thì điều trị và theo dõi tại tầng đó, nếu nặng lên thì chuyển bệnh nhân lên tầng trên (nâng tầng). Bệnh viện tầng trên cần bố trí số giường để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng.
Nếu bệnh nhân tầng trên tiến triển tốt, giảm triệu chứng về mức nhẹ cần chuyển về tầng dưới (hạ tầng) hoặc ra viện ngay. Việc đánh giá, phân loại bệnh nhân để nâng tầng hoặc hạ tầng cần thực hiện hằng ngày và liên thông giữa các cơ sở thu dung, các trạm y tế lưu động và bệnh viện tầng trên.
Trong văn bản chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19, Sở Y tế Hà Nội đề nghị với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm COVID-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu mỗi cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 chuyển độ. Việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tất cả bệnh viện không được từ chối, bảo đảm người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất. Sau khi ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.
Các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống oxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp oxy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện theo phân tầng điều trị.
Tăng điều trị F0 tại nhà
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội chia sẻ, khi F0 nhiều lên, việc xây dựng trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến không thể đủ được, mà phải tăng cường cách ly điều trị tại nhà. Do đó, việc chăm sóc điều trị F0 tại nhà phải được thực hiện tốt. Hiện vẫn có nhiều ý kiến phàn nàn việc cấp thuốc điều trị COVID-19 và ra quyết định cách ly của cơ quan chức năng còn chậm.
Về vấn đề xét nghiệm COVID-19, ông Hùng cho rằng, nếu người dân tự test nhanh dương tính thì cần yêu cầu cách ly ngay. Việc ra quyết định cách ly chậm sẽ làm tăng lây nhiễm COVID-19.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện thành phố có 20.154 ca bệnh đang được điều trị, trong đó tại bệnh viện là 2.460 ca, tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố là 2.429 ca, cơ sở thu dung của quận, huyện là 5.005 ca và 10.260 người đang cách ly điều trị tại nhà.
Theo VTC
- Thích ứng linh hoạt trong theo dõi, điều trị F0, F1 tại các địa phương
- Nếu chẳng may bạn là F0, cần làm gì và không nên làm gì?
- F0 ăn uống như thế nào nhanh khỏi bệnh
- Sáng 20/12: Gần 7.600 ca COVID-19 nặng đang điều trị; Tăng cường giám sát, phát hiện sớm F0 tại cộng đồng
- Nâng cao hiệu quả điều trị F0
- Đề xuất F0 điều trị tại nhà được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Ý kiến ()