Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 03:52 (GMT +7)
Đẩy mạnh phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao
Thứ 6, 28/07/2023 | 10:17:29 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri huyện Đầm Hà, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Đào Biên Thùy, Tổ đại biểu huyện Đầm Hà chất vấn:
Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giải pháp của ngành trong việc phát triển các vùng nuôi biển tập trung công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, phù hợp với sức tải môi trường; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển bền vững.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Minh Sơn trả lời :
Xác định tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thuỷ sản biển:
- Quyết định số 4209/QĐ-UBND ngày 15/12/2016 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch ngành thuỷ sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 4209) xác định tiềm năng và tổ chức quy hoạch diện tích nuôi biển là 12.158 ha;
- Triển khai thực hiện văn bản số 6347/UBND-QLDD3 của UBND tỉnh ngày 13/9/2021 về hoàn thành xây dựng phương án phân bổ diện tích và khoanh vùng trong quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, các sở, ngành, địa phương đã rà soát và tích hợp vào quy hoạch tỉnh là 30.632 ha tăng 2,5 lần với Quyết định 4209.
- Thực hiện Thông báo số 50/TB-UBND ngày 08/3/2022 kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và văn bản Chỉ đạo số 934/UBND-NNL1 ngày 24/4/2023 của UBND tỉnh, theo đó giao Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá quy hoạch thủy sản để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch vùng của địa phương. Theo tổng hợp đến nay đã xác định tổng diện tích nuôi biển là 47.761 ha tăng 35.603 ha so với diện tích quy hoạch tại Quyết định 4209. Các địa phương ven biển xác định được các vùng, tiểu vùng có tọa độ khép góc và các đối tượng nuôi; trong đó diện tích quy hoạch trong 03 hải lý 23.899 ha chiếm 50,0%, từ 03 - 06 hải lý 15.579 ha chiếm 32,6%, ngoài 06 hải lý 8.286 ha chiếm 17,4%.
Như vậy thời kỳ 2021-2030 đã rà soát rất kỹ, xác định rõ diện tích phát triển nuôi trồng thuỷ sản biển rất lớn, gấp 3,93 lần so với thời kỳ 2016-2020. Đã xác định rõ diện tích theo từng vùng biển; đồng thời đã xác định được phần diện tích dự kiến giao cho dân khoảng 79,8% và diện tích dự kiến thu hút đầu tư chiếm 20,2% (tương đương 9.630 ha) tổng diện tích quy hoạch nuôi biển.
Kết quả sản xuất 06 tháng đầu năm 2023: Diện tích thả nuôi thủy sản trên 60%, khoảng 19.000 ha với 10.443 cơ sở trong đó có 20 doanh nghiệp và 84 Hợp tác xã. Toàn tỉnh có 16 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, đã sản xuất và cung ứng khoảng 1,65 tỷ con giống ra thị trường. Sản lượng thủy sản đạt 89.769,7 tấn bằng 105,5% cùng kỳ, tăng 105,6% so với kịch bản tăng trưởng; trong đó nuôi trồng 52.472,9 tấn bằng 109,2% cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại như: Tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, hiệu quả thấp, chủ yếu theo hộ gia đình chiếm đến 98,9%, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư để dẫn dắt chuỗi sản xuất. Đối tượng nuôi đa dạng, sản lượng tăng nhưng chất lượng, giá trị càng thấp. Chưa chủ động được con giống nhuyễn thể gây khó khăn cho người nuôi. Công tác cấp mã cơ sở, truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng được yêu cầu. Thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sức tải môi trường, mật độ, năng suất, sản lượng nuôi biển, kết cấu lồng bè nuôi biển. Công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương và các lực lượng chức năng còn hạn chế.
Để khai thác tối đa tiềm năng lợi thế biển, tập trung phát triển các vùng nuôi biển tập trung công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, phù hợp với sức tải môi trường; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển bền vững, trong thời gian tới ngành tập trung vào một số nội dung sau:
Tiếp tục triển khai có hiệu quả nội dung Kế hoạch 215/KH-UBND ngày 01/11/2021 của UBND tỉnh về thực hiện quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 và Chỉ thị số 13-CT ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thuỷ sản trên biển tỉnh.
Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Hướng dẫn liên ngành để ban hành các biểu mẫu, trình tự, hồ sơ cấp phép nuôi biển, giao mặt nước biển, đăng ký mã cơ sở nuôi; hướng dẫn sản xuất theo mô hình Hợp tác xã, mô hình sinh kế với hộ sản xuất quy mô dưới 01 ha; hướng dẫn các tổ chức tham gia tổ chức sản xuất lớn hiện đại, dẫn dắt chuỗi giá trị nhuyễn thể, cá biển, rong biển. Thời gian hoàn thành trong tháng 7/2023.
Thành lập các Đoàn công tác xuống các địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính về hồ sơ, trình tự cấp phép nuôi, cấp mã nuôi trồng thuỷ sản để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tổ chức thẩm định, triển khai cấp ngay khi hồ sơ đủ điều kiện. Thực hiện ngay khi các địa phương giao biển.
Tham mưu báo cáo UBND tỉnh phương án thu hút đầu tư vận hành, khai thác Trung tâm giống nhuyễn thể tập trung tại khu vực hòn Cỏ Ngoài xã Vạn Yên huyện Vân Đồn để sớm cung ứng giống nhuyễn thể đáp ứng nhu cầu nuôi của người dân; tiếp tục phối hợp với các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Khánh Hoà giám sát chặt chẽ chất lượng các loại giống tại các cơ sở sản xuất trước khi cung ứng ra thị trường Quảng Ninh.
Kiểm tra và đôn đốc các địa phương lập sơ đồ chi tiết khu vực biển nuôi trồng thuỷ sản để sớm tổ chức giao cho tổ chức, cá nhân. Hướng dẫn các địa phương tổ chức sắp xếp nuôi biển theo hướng giảm diện tích vùng biển trong 3 hải lý gắn với đối tượng nuôi phù hợp, có lợi thế cạnh tranh như các loài nhuyễn thể (hầu cửa sông, ngao, nghêu...; các loài hải sản bản địa như bào ngư, hải sâm). Chỉ đạo tập trung phát triển nuôi biển hợp lý trong vùng 3-6 hải lý trên cơ sở sức tải môi trường đối với các loài hầu Thái Bình Dương, các loài rong, tảo biển, cá biển hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị. Tập trung thu hút đầu tư nuôi công nghệ cao theo quy mô công nghiệp, sản xuất lớn theo chuỗi giá trị tại các vùng biển ngoài 6 hải lý với loài cá, hầu Thái Bình Dương, các loài cá biển có lợi thế cạnh tranh và phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Tổ chức thực hiện tốt Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh theo Quyết định số 1038/QĐ-UBND ngày 22/4/2022, trong đó tập trung phát triển 4 chuỗi thuỷ sản gồm: Chuỗi cá biển, chuỗi nhuyễn thể, chuỗi tôm thẻ chân trắng và chuỗi chả mực.
Triển khai lập Đề án phát triển bền vững nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; phối hợp với các Viện nghiên cứu, Cục Thủy sản, Hiệp hội nuôi biển Việt Nam xây dựng Quy chuẩn địa phương về nuôi biển cho từng đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh (cá biển, nhuyễn thể, rong biển...); Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý cơ sở dữ liệu nuôi trồng thủy sản.
Thu Hoài (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()