Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 11/11/2024 02:21 (GMT +7)
Các phong trào thi đua đã tạo động lực mạnh mẽ, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo xây dựng Quảng Ninh giàu mạnh
Thứ 4, 02/09/2015 | 00:20:23 [GMT +7] A A
(Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh, trả lời phỏng vấn Báo Quảng Ninh trước thềm Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV)
- Phóng viên: Với cương vị là Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh, xin đồng chí cho biết đánh giá về phong trào thi đua giai đoạn 2011-2015?
+ Đồng chí Nguyễn Đức Long: Phải khẳng định rằng, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh trong 5 năm qua đã có sự phát triển cao, đều khắp cả vùng thành thị và nông thôn, cả trong cơ quan, doanh nghiệp và thôn, khu, xã, phường có chiều sâu, tạo được động lực lan toả mạnh mẽ. Đây chính là nhân tố quan trọng huy động các nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị.
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, động viên các đơn vị thi công hăng hái thi đua đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố vỡ đường ống nước của Nhà máy Nước Diễn Vọng do đợt mưa lụt lịch sử gây ra cuối tháng 7, đầu tháng 8-2015. Ảnh: Hữu Việt |
Có thể nói, phong trào thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015 diễn ra trong bối cảnh Quảng Ninh chịu nhiều tác động tiêu cực, những khó khăn, thách thức của tình hình suy giảm kinh tế quốc tế và trong nước. Việc này có tác động bất lợi đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, đồng thời có ảnh hưởng ít nhiều đến việc tổ chức, triển khai các phong trào thi đua của địa phương. Bên cạnh những khó khăn, phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong giai đoạn vừa qua cũng có nhiều thuận lợi như: Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành kết luận số 83-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến… Cùng với kinh nghiệm tổ chức các phong trào thi đua riêng có của Quảng Ninh trong những năm trước, chính là điều kiện để tổ chức, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015, tạo ra những chuyển biến tích cực trong triển khai và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.
Việc phát động và tổ chức các phong trào thi đua của các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chuyển biến mạnh mẽ, nội dung thi đua đã đi vào chiều sâu, thi đua có trọng tâm, trọng điểm. Chính vì thế, các phong trào thi đua đã tạo ra động lực mạnh mẽ, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của các tập thể, cá nhân. Qua thi đua, năng suất lao động đã được nâng cao rõ rệt. Nếu như trước đây, các đơn vị chỉ chú trọng vào việc phát động các phong trào thi đua thường xuyên (thường được tổ chức theo năm kế hoạch, năm công tác) thì nay đã xuất hiện ngày càng nhiều những phong trào thi đua theo đợt (theo chuyên đề). Hàng năm, ngoài phong trào thi đua thường xuyên, UBND tỉnh phát động phong trào thi đua chuyên đề với 12 nội dung nhằm động viên, khen thưởng, ưu tiên cho đối tượng là cán bộ, người trực tiếp lao động, sản xuất. Kết quả của các phong trào thi đua và công tác tổng kết khen thưởng đã góp phần quan trọng vào việc phát huy nội lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quốc phòng địa phương tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp đã trở thành nhân tố quan trọng góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của tỉnh, mức tăng bình quân trong 5 năm đạt 9,2%/năm (cả nước 5,82%); thu ngân sách trên địa bàn luôn đứng vào tốp 5 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Xác định cải cách hành chính là một trong ba khâu đột phá chiến lược, Quảng Ninh đã tiên phong đi đầu cả nước trong việc thực hiện Đề án xây dựng Chính quyền điện tử và Trung tâm Phục vụ hành chính công nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, xây dựng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh để đẩy mạnh đầu tư, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực. Với các phong trào thi đua thực hiện kỷ cương công chức, sáng tạo trong quản lý, điều hành, Quảng Ninh đã được biết đến là một trong những trung tâm kinh tế của khu vực phía Bắc và là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhất là các nhà đầu tư chiến lược đã đến đầu tư kinh doanh lâu dài ở Quảng Ninh như: Tập đoàn Texhong, Vingroup, Sungroup... Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 1,2% vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 1,75%.
Các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, thiết thực và đều khắp trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua không chỉ tác động tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xoá đói - giảm nghèo mà còn tác động tích cực trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước, xây dựng Đảng và các tổ chức đoàn thể trong sạch vững mạnh. Đặc biệt, phải kể đến những kết quả tích cực trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đứng tốp 5 trong toàn quốc trong 2 năm qua là kết quả xứng đáng cho nỗ lực thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó có nâng cao kỷ cương công chức của hệ thống chính quyền. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Quảng Ninh luôn thuộc nhóm các địa phương đứng đầu cả nước.
- Phóng viên: Gắn kết phong trào thi đua yêu nước với chung sức xây dựng nông thôn mới đã được Quảng Ninh thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
+ Đồng chí Nguyễn Đức Long: Là một tỉnh công nghiệp, tuy nhiên, Quảng Ninh luôn xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn là cơ sở và lĩnh vực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Trong thời gian qua, nhất là 5 năm gần đây Quảng Ninh đã dành sự quan tâm đặc biệt cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27-10-2010 là Nghị quyết đầu tiên sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 39 /2010/NQ-HĐND ngày 10-12-2010 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; UBND tỉnh và các cấp, các ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố đã có chương trình hành động và kế hoạch cụ thể để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Với mục tiêu đến năm 2015 tỉnh Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh nông thôn mới. Chung tay xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi và đều khắp trong toàn tỉnh. Bộ máy chỉ đạo thực hiện từ tỉnh đến cơ sở được tổ chức thống nhất. Có thể nói Nghị quyết 01-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới được đông đảo nhân dân đón nhận và tự giác thực hiện có hiệu quả nhất từ trước đến nay.
Theo đó, kết quả thi đua xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh đã được Trung ương đánh giá, ghi nhận là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới, dẫn đầu trong 15 tỉnh miền núi phía Bắc về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều mục tiêu quan trọng của chương trình đã được triển khai và có kết quả bước đầu, một số chỉ tiêu của tỉnh đạt được cao hơn so với toàn quốc. Nhiều mô hình sáng tạo của Quảng Ninh đã được các tỉnh, thành phố tham quan, học tập kinh nghiệm như: Chương trình Quảng Ninh mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), xây dựng nông thôn tiên tiến đã trở thành nét riêng của tỉnh Quảng Ninh; khu du lịch làng quê tại xã Yên Đức; thôn nông thôn mới, nông thôn tiên tiến (thị xã Đông Triều); mô hình hợp tác xã kiểu mới (HTX Hoa Phong, thị xã Đông Triều); phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”... Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 8 mục tiêu; 12 mục tiêu còn lại phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2015; có 66 xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới (đạt 80,5% kế hoạch); có 4 huyện, thị xã, thành phố cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới (đạt 40,0% kế hoạch).
Dự kiến đến hết năm 2015, có 10/13 huyện, thị xã, thành phố đạt tiêu chí nông thôn mới. Quảng Ninh là tỉnh thứ ba trong cả nước có huyện Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới (nay là thị xã Đông Triều).
- Phóng viên: Việc hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu năm 2015 nói riêng và kế hoạch 5 năm 2015-2020 chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn nhất là trong điều kiện Quảng Ninh vừa bị thiệt hại nghiêm trọng trong đợt mưa lụt vừa qua. Vậy xin đồng chí cho biết trong giai đoạn này vai trò của công tác thi đua sẽ được phát huy như thế nào?
+ Đồng chí Nguyễn Đức Long: Đúng vậy, toàn tỉnh Quảng Ninh vừa xảy ra đợt mưa lớn lịch sử trên diện rộng, kéo dài nhiều ngày. Đây là trận mưa lớn chưa từng có trong hơn 40 năm qua. Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, một số địa phương đã bị ngập lụt, tê liệt hoàn toàn về giao thông như các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hà Khánh, Hồng Hà, Hồng Hải, Yết Kiêu của thành phố Hạ Long; phường Quang Hanh của thành phố Cẩm Phả; đảo Bản Sen huyện Vân Đồn. Đặc biệt, xã đảo Bản Sen (Vân Đồn) có 1 làng gồm 27 hộ ngập sâu 11-12m; có 3.691 khách du lịch bị kẹt tại huyện đảo Cô Tô. Mưa lớn đã gây chết nhiều người, sập đổ ngập lụt nhiều nhà cửa, diện tích canh tác và nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại lớn, gây ách tắc giao thông, sạt lở bãi thải mỏ, gãy đổ cột điện, hư hỏng công trình của các cơ quan, bệnh viện, hư hỏng công trình giao thông thuỷ lợi… Ước tổng thiệt hại trên địa bàn Quảng Ninh do mưa lũ gây ra khoảng trên 2.700 tỷ đồng (trong đó ngành Than khoảng trên 1.200 tỷ đồng). Trong thời điểm khó khăn đó, tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời nhận được sự quan tâm chia sẻ, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương. Sự hỗ trợ về phương tiện, lực lượng cứu hộ tham gia trực tiếp của các lực lượng vũ trang, quân sự và sự thăm hỏi, chia sẻ, động viên góp sức của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh, địa phương trong cả nước và các tổ chức quốc tế.... Điều đó đã góp phần chia sẻ những mất mát, tổn thất nặng nề, làm ấm lòng và vơi đi những khó khăn, kịp thời động viên, tiếp sức cho người dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Qua mưa lũ càng thấy tình người yêu thương đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn, tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” vươn lên của người dân Quảng Ninh đã khắc phục nhanh nhất, không trông chờ ỷ lại.
Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả do mưa lũ để lại không thể làm một sớm một chiều, cần có thời gian và nguồn lực cùng với ý chí kiên cường vượt khó của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Do vậy, hơn lúc nào hết, đây là lúc chúng ta cần quyết tâm tổ chức phong trào thi đua cao độ để thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” một cách hiệu quả nhất. Chúng ta phải siết chặt đội ngũ, với quyết tâm cao nhất và phát huy tốt nhất tinh thần “Kỷ luật - đồng tâm” để tiếp tục khắc phục những khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2015, tạo tiền đề quan trọng để triển khai hiệu quả Kế hoạch 5 năm 2016-2020, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV thành công tốt đẹp.
- Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn đồng chí!
Lê Hải (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()