Tất cả chuyên mục

“... Giữa đêm Nô-en. Con thuyền nhỏ lặng lẽ băng ngang dòng sông đen. Những chiếc tàu chiến tắt máy thả trôi bất ngờ bật đèn pha sáng chói, điên cuồng xả đạn. Một đoàn trực thăng bay tới phóng rốc két và xối đại liên. Pháo ở Gò Dầu, ở Trảng Bàng, ở Tây Ninh tới tập chụp đến. Trong hàng giờ liền, cả bầu trời nơi đây rực cháy vì bão lửa, dòng sông Vàm Cỏ Đông bỗng cuộn sóng ngầu đục sôi lên...”.
Những người chứng kiến và trung tướng Tám Lê Thanh - cấp phó của đồng chí Đào Phúc Lộc đã kể về “Khúc bi tráng trên sông Vàm Cỏ Đông” - phút lẫm liệt hy sinh của người chiến sĩ cộng sản Đào Phúc lộc như vậy. Sự kiện dữ dội, ác liệt, đau thương ấy diễn ra đúng đêm 24 rạng ngày
25-12-1969, nay vừa tròn 40 năm.
Tôi bay vào TP Hồ Chí Minh để thắp nén hương trên bàn thờ ông đúng ngày giỗ và còn để thăm chị Minh Vân - con gái cả của ông đã qua sáu lần mổ nay lại bệnh. (Do viết sách địa chí và nghiên cứu lịch sử nên tôi góp được một ít tư liệu làm sáng tỏ thêm một số sự kiện, một số tình tiết về gia tộc và về người liệt sĩ anh hùng Đào Phúc Lộc. Từ đó, thân nhân của gia đình Đào Phúc Lộc coi tôi và cả gia đình tôi như người nhà). Dự đám giỗ tưởng nhớ người đã khuất 40 năm, tôi thật không ngờ được chứng kiến sự bất tử của một người cộng sản đích thực...
Tôi vào sớm hai ngày đã tưởng sớm nhất, hóa ra cụ Đào Phúc Sơn - em út liệt sĩ Đào Phúc Lộc, từ Thái Nguyên và cụ Cao Năm, nguyên đại tá, nguyên Phó Ban Tài chính - Quản trị Trung ương Đảng, một cây bút báo chí, từ Hà Nội, đã nhanh chân hơn. Việc đầu tiên là cùng tới nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Sáng hôm trước, đồng chí Bí thư dẫn đầu đoàn đại biểu thành phố đã đến đặt hoa và thắp hương nhân ngày 22-12. Khắp nghĩa trang mênh mông, ngôi mộ nào cũng có hai lọ hoa cúc vàng tươi và chân hương chưa rụng tàn. Tôi thắp hương cắm trên ngôi mộ liệt sĩ Đào Phúc Lộc và liệt sĩ Hoàng Minh Phụng (mới tìm thấy mộ và đưa từ căn cứ địa Việt Bắc vào). Như mọi lần, tôi không quên thắp hương trên mộ tướng Nguyễn Bình và mộ đồng chí Trần Quốc Thảo, những người đã từng làm đỏ thắm thêm những trang lịch sử anh hùng của Quảng Ninh.
Khi cắm ba nén hương trên mộ liệt sĩ Đào Phúc Lộc, tôi chợt nhớ đến lời kể của nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh mấy năm trước: Khi Lê Khanh vừa cắm xong ba nén hương và thầm khấn tên liệt sĩ Đào Phúc Lộc thì cả bát hương bỗng bùng cháy. Rõ ràng là trước khi cắm xuống, Lê Khanh đã tẽ ra từng nén để không còn ngọn lửa mà bất ngờ ngọn lửa bùng lên ở tất cả các chân hương cũ. Đây là lần đầu tiên trong đời Lê Khanh được thấy một hiện tượng tâm linh kỳ lạ. Chính vì vậy khi nhận một vai trong phim "Con đường sáng", Lê Khanh đã thật sự xúc động và tuyên bố rằng sẵn sàng không nhận "cát xê" bởi cuộc đời người cộng sản Đào Phúc Lộc cao đẹp vô chừng và cái chết của người anh hùng thiêng liêng vô cùng…
Ngày hôm sau, mặc dù đang rất bận, vợ chồng Lê Khanh cũng từ Hà Nội bay vào. Nghệ sĩ ưu tú Phạm Việt Thanh còn rủ thêm anh Vũ Kiểm, Giám đốc Trung tâm nghe nghìn Hà Nội, người đã chỉ đạo làm bộ phim "Con đường sáng" và đang chỉ đạo làm tiếp bộ phim tài liệu dài tập bổ sung: “Ký sự Hoàng Minh Đạo - Đào Phúc Lộc”. Cũng như nhóm chúng tôi hôm trước, ba người vào sau cũng rời nghĩa trang liệt sĩ thành phố rẽ sang huyện Củ Chi thăm ngôi trường mẫu giáo đang xây mang tên Hoàng Minh Đạo - một tên quen thuộc của anh hùng Đào Phúc Lộc. Đúng nơi có mấy cửa lên xuống địa đạo Củ Chi - nơi Hoàng Minh Đạo và đồng chí Nguyễn Văn Linh viết bản tổng kết cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 và rồi từ đây trên đường về họp Trung ương Cục, Hoàng Minh Đạo đã hy sinh trên sông Vàm Cỏ Đông. Nay TP Hồ Chí Minh muốn xây tặng mảnh đất thép gang này một ngôi trường mang tên Hoàng Minh Đạo. Xã dành ra hơn hai hécta, bên khoản tiền thành phố cấp, chị Minh Vân tình nguyện góp tặng năm tỷ đồng. Chúng tôi nhìn ngắm tầm vóc bề thế của ngôi trường và nghe một cán bộ xã phụ trách công trình bày tỏ niềm tự hào: Anh hùng liệt sĩ Hoàng Minh Đạo - Đào Phúc Lộc sẽ sống mãi với quê hương Củ Chi chúng tôi…
Hôm sau, đúng ngày giỗ, những từ ngữ chân thành nói về sự "bất tử", sự "sống mãi" của người liệt sĩ đã khuất 40 năm lại là câu cửa miệng của hàng trăm đồng đội trước ban thờ khói hương nghi ngút. Chiều cuối đông, thành phố rực nắng vàng. Khu Mỹ Hoàng ở trung tâm biệt khu Phú Mỹ Hưng có một cuộc hội ngộ đặc biệt. Những mái đầu bạc phơ chụm vào nhau. Cười và rơi nước mắt. Ai đó nhắc đến những người vắng mặt: Mười Hương (Trần Quốc Hương), Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), Mai Chí Thọ… những người bạn thân thiết của Hoàng Minh Đạo. Từ trên xe dìu xuống một người gầy yếu, có tiếng reo: "Anh Ba Bê". Tôi đã đọc những dòng hồi ký của anh hồi ấy anh là Huyện đội trưởng huyện Trảng Bàng, chính anh đã sắp xếp để người thủ trưởng Hoàng Minh Đạo đi lẫn cùng giáo dân ThaLa để ra sông Vàm Cỏ Đông trong cái đêm ác nghiệt ấy. Anh về hưu sau nhiều năm làm Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh và nay - anh bảo "mình đang sống những tháng cuối cùng. Đến cúng giỗ anh Đạo lần cuối cùng để theo anh cho thỏa lòng". Mọi người dìu anh lên thắp hương. Trước bàn thờ, anh nói như với người đang sống: "Tôi không hiểu sao chúng lại phục kích đúng vào anh. Anh không chết đâu! Anh không chết đâu!". Ba Bê gạt nước mắt rồi không ai ngăn được, anh hướng ra cửa và lên xe trở lại Tây Ninh dưỡng bệnh. Không chỉ một anh Ba Bê, bác sĩ Chín Hòa tóc trắng như bông, người hồng hào đẫy đà nhưng bệnh tim nặng, cũng được dìu từ xe vào nhà. Anh xiết chặt tay tôi, cười mà như khóc. Người bác sĩ tài hoa này phụ trách bảo vệ sức khỏe cho cả Trung ương Cục nhưng rất nặng lòng với Hoàng Minh Đạo. Chính anh đã cùng đoàn tìm mộ vất vả 14 ngày trời và bài thơ của anh khóc Hoàng Minh Đạo là bài thơ gây xúc động nhất. Anh không lên được tầng hai để thắp hương. Anh thấy mình như có lỗi, nước mắt lại trào ra và mọi người lại dìu anh ra xe. Nhà văn Hàn Song Thanh, người đã viết tập sách đầu tiên về Đào Phúc Lộc, cuốn “Chân dung một nhà tình báo”, cũng chống gậy đi vào. Anh bị sụn xương, người thấp đi đến vài chục phân. Anh cũng chỉ ngồi uống một chén nước rồi xin về… Còn có mấy người cố đến vài phút rồi bùi ngùi, luyến tiếc ra về như vậy. Khỏi phải nói lại những lời ngợi ca khẳng định lý tưởng, đạo đức và phẩm chất cao đẹp của người cộng sản Đào Phúc Lộc. Mọi người hầu như ít nói những điều đó và chỉ kể về những ân tình, những yêu thương, những kỷ niệm sâu sắc của những ngày cùng gian khổ, mưu trí chiến đấu giữa lòng địch. Hình như về đám giỗ là cốt để gặp lại nhau, gặp lại Hoàng Minh Đạo - Đào Phúc Lộc, thực ra, họ rất kiệm lời, chỉ ôm ghì nhau, xiết tay nhau là đủ hết, bởi suốt mấy chục năm vào sinh ra tử, kể làm sao cho hết chuyện mà người nào đến đây cũng đều là những nhân vật như huyền thoại. Một nhà báo tóc đã bạc ngồi nhẩm tính: Hôm nay không ai đeo huân chương, không ai mang quân hàm nhưng sơ sơ có thể thấy hai trung tướng, bảy thiếu tướng, hơn một chục anh hùng lực lượng vũ trang, một bộ trưởng, mấy thứ trưởng… Tất cả đều đã nghỉ hưu rồi. Bên cạnh bàn thờ, tôi thấy trên lẵng hoa quả có đính danh thiếp của nhiều đồng chí lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, tôi hơi tò mò một chút: Lễ vật đem đến bày trước bàn thờ có hai thứ lạ: Một lọ ruốc thịt, một gói lạc củ. Người đặt lên bàn thờ lọ ruốc kể với tôi rằng: “-Ảnh là cán bộ cao cấp, có tiêu chuẩn ăn khá hơn. Ảnh bảo tôi cho mình ăn như anh em, còn dư thì làm cho mình ít ruốc. Trong địa đạo có đợt không tiếp tế được, do địch vây ráp, ảnh đưa lọ ruốc ra cho các đồng chí bị thương, bị ốm ăn kèm với cháo. Bản thân anh ốm rất nặng, tôi nói mãi anh mới dùng ít ruốc. Nghĩ mà thương ảnh quá. Món ăn quý nhất những tháng ở địa đạo của anh, hôm nay tôi cúng anh đó!"…
Người mang đến bọc lạc thì bảo rằng: "Anh chăm lo cho cả gia đình tôi. Anh khuyên tôi vừa công tác vừa tăng gia sản xuất để đỡ khó cho gia đình. Nghe anh, lao động sản xuất thành thói quen. Tôi vẫn trồng trọt, chăn nuôi. Anh thích món lạc rang cả vỏ, hôm nay tôi đem đến cúng anh…".
Hôm sau, ngày 25, vẫn có người đến thắp hương. Rất nhiều người gọi điện cho chị Minh Vân. Trong số người gọi điện có nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên. Cụ Đào Phúc Sơn nói với nhà ngoại cảm: Mình mới vào hôm qua, ông Liên đính chính ngay: Bác vào đã hơn bốn ngày rồi! Cụ Sơn chịu thua "thầy". Nhà ngoại cảm khẳng định rằng: cụ Đào Phúc Lộc thế nào cũng về. Ông tiếc là đang rất đông người chờ tìm mộ, không thể có mặt trong ngày giỗ, nhưng rồi ông sẽ vào. Ông vẫn thường nhắc lại cụ Lộc thiêng lắm đấy! Cụ vẫn theo dõi từng bước tiến của con cháu đấy!
Thật tình, cho đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi: Tại sao nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên từ mãi huyện Tứ Kỳ mà lại vẽ được sơ đồ chỉ rõ nơi ngôi mộ của liệt sĩ Đào Phúc Lộc ở sát mép nước sông Vàm Cỏ Đông thuộc ấp An Thới, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, nơi ông chưa hề đặt chân tới. Và tại sao ông lại biết liệt sĩ có hai chiếc răng bịt bạc vẫn còn.
Vậy phải chăng, như mọi người xa gần về đám giỗ lần thứ 40 của người anh hùng, ai cũng bảo rằng liệt sĩ Đào Phúc Lộc - người cộng sản Đào Phúc Lộc bất tử. Có người còn nhấn mạnh: Không chỉ bất tử với ý nghĩa chính trị, đạo đức mà người cộng sản ấy đang sống thật ở một thế giới mà ta tạm gọi là tâm linh.
Ý kiến (0)