Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 02:26 (GMT +7)
Cải thiện chất lượng môi trường
Thứ 4, 22/03/2023 | 14:59:08 [GMT +7] A A
Trong quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, coi đây là yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh xác định: “Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu". Ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Để giải quyết hiệu quả các vấn đề về ô nhiễm môi trường, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường rà soát, đánh giá, nhận định những tiêu cực, tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường. Trong xử lý vấn đề ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường, tỉnh phân định rõ nhiệm vụ trong quản lý, cải thiện chất lượng môi trường nước; quản lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trương đất đai; quản lý, cải thiện chất lượng không khí. Theo đó, tỉnh triển khai hiệu quả 2 bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương (Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường trên địa bàn tỉnh; Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh).
Theo đó, các địa phương trong tỉnh quan tâm cải tạo thường xuyên để phục hồi các dòng sông, đoạn sông, hồ chứa ở các đô thị bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng để ngăn chặn, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm; triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước dưới đất. Đặc biệt, tại khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; duy trì công tác giám sát chất lượng môi trường vịnh cũng như giám sát việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động tại khu vực vịnh; giám sát chặt chẽ nguồn thải xuống vịnh.
Đến nay, có 236 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch; 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay; 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thuỷ sản ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long. Theo thống kê của tỉnh, tỷ lệ rác thải nhựa dùng 1 lần phát sinh từ hoạt động du lịch đến nay đã giảm 90%; tỷ lệ thay thế phao xốp bằng vật liệu nổi bền vững của các công trình nổi trên Vịnh Hạ Long đạt trên 94%.
Các ngành chức năng của tỉnh tăng cường năng lực quản lý môi trường, nhất là kiểm soát tải lượng ô nhiễm trực tiếp xuống vịnh, bằng việc lắp đặt hệ thống xử lý chất thải Bio-Toilet trên các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long thuộc khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại khu vực Vịnh Hạ Long” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1006/QĐ-TTg ngày 11/7/2015.
Sở TN&MT tăng cường giám sát triển khai các giải pháp tái sử dụng đất, đá thải từ các mỏ, tro xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện phục vụ san lấp mặt bằng, sản xuất vật liệu xây dựng. Qua đó, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Sở KH&CN tổ chức đánh giá công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất, thiết bị xử lý khí thải tại 16 cơ sở sản xuất phát khí thải lớn trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị sản xuất ký cam kết công tác bảo vệ môi trường. Hiện trên địa bàn tỉnh có 125 giấy phép khai thác khoáng sản còn hạn; 38 giấy phép đã hoàn thành cải tạo phục hồi môi trường đóng cửa mỏ; 47 giấy phép đã hết hạn, đang thực hiện cải tạo môi trường. Hầu hết doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định. Riêng năm 2022 có 74 đơn vị thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với 115 dự án.
Tỉnh cũng quan tâm đầu tư, cải tạo và nâng cấp các công trình dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, hải văn. Đến nay, đã đầu tư 96 trạm, điểm quan trắc khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường, cảnh báo thiên tai trực tuyến. Tỉnh đã xây dựng Trạm khí tượng hải văn Cửa Đối để cảnh báo cho khu vực vùng biển, nhất là Vân Đồn - Cô Tô. Nhiều đơn vị ngành Than cũng xây dựng trạm chuyên dùng phục vụ cảnh báo, dự báo phục vụ sản xuất của các cơ sở.
Để công tác bảo vệ môi trường tiếp tục duy trì hiệu quả, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND (ngày 13/3/2023) “Phát động phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Theo đó, tỉnh yêu cầu tiếp tục thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường tại các nghị quyết, quyết định, quy hoạch của tỉnh. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý chất thải, nhất là chất thải sinh hoạt các khu đô thị tập trung, KCN, CCN; cải tạo phục hồi hệ sinh thái, môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng môi trường sống; nhân rộng các mô hình, phong trào bảo vệ môi trường, huy động hiệu quả cán bộ, đảng viên, nhân dân, các lực lượng... chung tay bảo vệ môi trường.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()