Các chuyên gia cho biết nếu cắt giảm các loại thực phẩm chế biến chứa nhiều muối, đường và các chất phụ gia, thay thế chúng bằng thức ăn giàu dinh dưỡng như trái cây, rau, các loại hạt, đậu, hải sản và ngũ cốc nguyên hạt, sức khỏe mỗi người sẽ cải thiện ở mọi lứa tuổi.
Cụ thể, trong một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Y học New England, các chuyên gia đã theo dõi khoảng 74.000 người, tuổi từ 30 đến 75 trong hơn hai thập kỷ.
Các chuyên gia sử dụng một hệ thống tính điểm có tên Chỉ số Ăn uống Lành mạnh Thay thế, do các chuyên gia dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan phát triển, để đánh giá chất lượng chế độ ăn. Họ phát hiện ở người có chế độ ăn uống lành mạnh, nguy cơ tử vong vì bất kỳ nguyên nhân nào thấp hơn tới 14% so với người thường xuyên ăn thực phẩm chế biến sẵn.
Những loại thức ăn được đánh giá là lành mạnh (có điểm cao) bao gồm trái cây, rau, quả hạch, hạt, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất béo không bão hòa, axit béo omega-3 có lợi cho tim như cá, bơ và dầu ô liu. Những thức ăn được xếp vào nhóm không lành mạnh (điểm thấp) bao gồm thịt đỏ, thịt đã qua chế biến, thực phẩm có nhiều natri và đường bổ sung, chẳng hạn nước ngọt, bánh pizza, khoai tây chiên.
Các nhà khoa học cho biết tăng 20% điểm "lành mạnh" trong quá trình nghiên cứu giúp giảm ít nhất 8% nguy cơ tử vong nói chung, đặc biệt là giảm 7-15% nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch.
"Cách tăng 20% điểm lành mạnh rất đơn giản. Bạn chỉ cần thay thế đồ uống có đường trong chế độ ăn bằng loại nước có ga không đường, ăn ít nhất một nắm hạt hoặc một khẩu phần đậu mỗi ngày", Mercedes Sotos-Pieto, giáo sư trợ lý tại Đại học Tự trị Madrid, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Quan trọng nhất, nghiên cứu chỉ ra rằng cải thiện thói quen ăn uống ở bất cứ độ tuổi nào đều có lợi cho sức khỏe. Giáo sư Sotos-Pieto chỉ ra rằng hầu hết người tham gia nghiên cứu đều trên 60 tuổi, vì vậy "không bao giờ là quá muộn để cải thiện thói quen ăn uống".
Ý kiến ()